[UNC2024] Hội thảo quốc tế “Ngôn ngữ và tương tác xã hội trong bối cảnh châu Á” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2024] Hội thảo quốc tế “Ngôn ngữ và tương tác xã hội trong bối cảnh châu Á”

Trong hai ngày 22, 23/12/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo quốc tế Language and Social Interaction in Asian Contexts” (Ngôn ngữ và tương tác xã hội trong bối cảnh châu Á). Nằm trong chuỗi Hội thảo Quốc gia UNC2024, hội thảo là diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ hội thoại để nghiên cứu việc học tập ngôn ngữ trong bối cảnh châu Á. 

Tham dự hội thảo có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; các diễn giả đến từ Trường Đại học Hawaii Thái Bình Dương (Hoa Kỳ), Đại học Otago (New Zealand), và Đại học Kobe (Nhật Bản)…; các giáo viên, giảng viên giảng dạy ngoại ngữ các cấp học, viện nghiên cứu; nhà quản lý giáo dục ở các cơ sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục, cộng đồng người học và các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm. 

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông gửi lời cảm ơn tới các diễn giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên, và cộng đồng người học đã dành thời gian tham dự chương trình trực tiếp và trực tuyến. Phó Hiệu trưởng cho biết hội thảo là diễn đàn lớn để các diễn giả đến từ các nước châu Á cùng chia sẻ kiến thức liên quan đến tương tác trong trò chuyện giữa những ngôn ngữ khác nhau. Từ đó, hội thảo cung cấp những góc nhìn mới và là tiền đề cho việc định hình, thay đổi phương pháp dạy học đa ngôn ngữ sau này. Trong những năm gần đây, Trường Đại học Ngoại ngữ đã đẩy mạnh việc hỗ trợ nâng cao việc dạy học ngoại ngữ ở các vùng khó khăn và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Phó Hiệu trưởng cũng hy vọng rằng qua hội thảo này, Nhà trường cùng các trường Đại học khác có thể thảo luận, đưa ra những đóng góp và ý kiến về nhiều khía cạnh và chủ đề về ngôn ngữ học. 

Hội thảo quốc tế “Language and Social Interaction in Asian Contexts” bao gồm 02 báo cáo phiên toàn thể, 13 báo cáo tại 03 tiểu ban song song, phiên thảo luận và 1 workshop. 

Báo cáo toàn thể “Conversation Analytic Explorations into Vietnamese Grammar in Interaction: The Case of Subject Choices” (Hội thoại phân tích ngữ pháp tiếng Việt trong tương tác: Trường hợp lựa chọn chủ đề) được trình bày bởi diễn giả Nguyễn Thị Hạnh đến từ Trường Đại học Hawaii Thái Bình Dương, Mỹ. Hội thoại là hình thức giao tiếp phổ biến bằng ngôn ngữ của con người, tuy nhiên khi nghiên cứu đã xuất hiện một số lỗi ngữ pháp tiếng Việt trong tương tác. Bài báo cáo chỉ ra và phân tích những lỗi sai, từ đó đưa ra định hướng và phương pháp giải quyết. 

“What does being an elder brother or sister mean in Vietnamese families? A membership categorization analysis of parent-child conversations” (Làm anh, chị trong gia đình Việt nghĩa là như thế nào? Phân tích phân loại thành viên trong các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái) là chủ đề phần trình bày của diễn giả Nguyễn Thủy Minh đến từ Trường Đại học Otago, New Zealand. Báo cáo đã đưa ra một góc nhìn mới mẻ và những phân tích đa chiều về cuộc trò chuyện trong mối quan hệ gia đình.

Ngoài các báo cáo toàn thể, các đại biểu có cơ hội tham gia và lắng nghe 13 báo cáo khác được chia về 3 tiểu ban song song và phần thảo luận cùng 03 diễn giả khách mời.

Các báo cáo mang tính học thuật cao, xoay quanh đến vấn đề liên quan đến tương tác ngôn ngữ trong các cuộc trò chuyện xã hội theo nhóm nhỏ; các cuộc họp chuyên nghiệp; việc sử dụng chính xác cấu trúc câu trong trò chuyện tùy theo các mối quan hệ xã hội; sự tương tác trong lớp học thông qua hoạt động luyện nói, thông qua lớp học trực tuyến;… đáp ứng nhu cầu nghiên cứu sâu về cấu trúc ngôn ngữ và cách sử dụng, tương tác nhuần nhuyễn ngôn ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa và tích cực hội nhập quốc tế của các nước châu Á.

Mỗi báo cáo được chọn lọc và trình bày tại hội thảo đều mang tính nghiên cứu cao, thể hiện quan điểm sâu sắc, với những góc nhìn đa chiều, dày kinh nghiệm, và sự chỉn chu của các diễn giả. Từ đó, hội thảo khơi gợi việc phát triển kỹ năng sử dụng và khai thác ngôn ngữ ở tầng cao phục vụ cho sự phát triển trong công tác dạy học, nghiên cứu ngoại ngữ, ngôn ngữ tại Việt Nam. 

Trước chương trình Hội thảo đã có workshop “Conversation Analysis of Vietnamese Data For Beginners” (Phân tích hội thoại tiếng Việt cho người mới bắt đầu) được tổ chức cùng ngày. 

Sau 02 ngày làm việc sôi nổi và hiệu quả, Hội thảo kết thúc với phần chụp ảnh lưu niệm. 

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media