ULIS đăng cai thành công Diễn đàn quốc tế lần thứ 21 về kiểm tra đánh giá tiếng Anh ở châu Á
Từ 19 đến 20/10/2019 tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc tế lần thứ 21 về kiểm tra đánh giá tiếng Anh ở châu Á (AFELTA).
AFELTA là diễn đàn quốc tế về khảo thí của 9 trung tâm Khảo thí lớn của 7 nước châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam và Singapore. Diễn đàn được tổ chức thường niên, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu đầu ngành trên thế giới và thành viên của các trung tâm khảo thí kể trên.
Diễn đàn lần thứ 21 năm 2019 của AFELTA do Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN, với tư cách là thành viên chính thức ở Việt Nam tổ chức từ 19 đến 20/10/2019. Năm nay, sự kiện được tổ chức ở Việt Nam với mục đích tiếp tục tạo nên một diễn đàn cho các trung tâm khảo thí lớn của châu Á được gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm. Đây là cơ hội lớn để các trung tâm báo cáo thành quả nghiên cứu của mình trong năm vừa qua và đây cũng chính là điểm nhấn của hội thảo.
Đến tham dự diễn đàn có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Lãnh đạo Trung tâm Khảo thí, các chuyên gia nước ngoài và đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự. Đề cao ý nghĩa của hoạt động này trong việc nâng cao năng lực khảo thí và kiểm tra đánh giá tại châu Á, Phó Hiệu trưởng kỳ vọng AFELTA sẽ đem lại nhiều giá trị thực sự không chỉ trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá mà còn là nơi kết nối các học giả.
Diễn đàn AFELTA đón nhận 3 bài phát biểu chính và 15 báo cáo từ 9 trung tâm. Một số đề tài báo cáo thú vị có thể kể ra là: Automated scoring and Feedback for Classroom Use (Sara Cushing – Georgia State University, Hoa Kỳ): Chấm điểm và đưa ra phản hồi tự động trong kĩ năng Viết để sử dụng trong lớp học; Tensions between standards and practice: the ambiguity of English testing in Australia’s skilled migration context (Kellie Frost – University of Melbourne, Australia) (Khoảng cách giữa tiêu chuẩn và thực tiễn: những trăn trở trong kiểm tra đánh giá tiếng Anh dành cho người nhập cư ở Australia); Tensions occurring in oral rater training: Can they be resolved? Quynh Nguyen, Hien Tran, Yen Nguyen, Chi Nguyen, Hoa Nguyen, Thao Nguyen, Sao Bui (ULIS) Tập huấn giám khảo chấm Nói: vượt qua sự khác biệt như thế nào?; The General English Proficiency Test: 2020 and Onward (Anita Lin & Jessica Wu – Trung tâm Khảo thí Đài Loan LTTC): bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Đài Loan (GEPT): tầm nhìn năm 2020 và tương lai; The impact of test mode on the use of communication strategies in oral proficiency tests: the case of the CET-SET (Yan Jin, Haoran Yang &Lin Zhang (CET) – Trung Quốc): ảnh hưởng của dạng thức bài thi tới việc sử dụng chiến lược giao tiếp trong bài thi Nói;… Qua các báo cáo có thể thấy rõ sự hiểu biết, đam mê của các báo cáo viên.
Các báo cáo viên đã rất tích cực trình bày hiểu biết và đam mê của mình về khảo thí ngôn ngữ. Đồng thời, các đại biểu cũng đã sôi nổi đóng góp ý kiến, trao đổi thảo luận để góp ý cho các báo cáo viên và gợi ý phương hướng phát triển hoạt động khảo thí trong khu vực.
Diễn đàn quốc tế lần thứ 21 về kiểm tra đánh giá tiếng Anh ở châu Á đã khép lại sau thời gian làm việc sôi nổi. Ban tổ chức xin cảm ơn tất cả các khách mời, học giả đã đến và góp phần tạo nên một hội thảo rất thành công.
ULIS Media