Trương Hoài Nam – Chàng “giáo viên chủ nhiệm” cá tính
Từ 2 năm nay, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định khôi phục đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp cho sinh viên năm thứ nhất.
Những năm trước, Nhà trường đã từng có hệ thống cố vấn học tập, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hiệu quả của công tác này chưa được như mong muốn. Việc triển khai đội ngũ giáo viên chủ nhiệm không nằm ngoài mục đích giúp sinh viên giảm bớt những khó khăn, bỡ ngỡ khi bước chân vào giảng đường đại học. Vì vậy, công tác này nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Giám hiệu Nhà trường trong bối cảnh sự cạnh tranh của các cơ sở có đào tạo ngoại ngữ trên cả nước ngày càng gia tăng.
Thời gian qua, để khảo sát hiệu quả công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, Văn phòng Ban Chỉ đạo các Chương trình đào tạo Chất lượng cao Thông tư 23 (VP CLC) đã thực hiện lấy ý kiến khảo sát ở cả đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và sinh viên QH.2019; QH.2020.
Nhân dịp này, VP CLC đã có cuộc trò chuyện với thầy Trương Hoài Nam, giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức. Thầy Nam là một giảng viên trẻ và cũng là một giáo viên chủ nhiệm lớp được rất nhiều sinh viên yêu mến.
PV: Xin chào thầy Nam. Trước tiên thầy có thể giới thiệu đôi lời về mình được không?
Tôi là Trương Hoài Nam, hiện đang công tác tại bộ môn tiếng Đức 1 trực thuộc Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức. Tôi chính thức được nhận vào làm việc ở khoa từ đầu năm 2018 và sau đó có nghỉ công tác một thời gian để học tiếp và vừa mới về nước, quay lại giảng dạy từ học kỳ một năm học này.
Con đường đến với sự nghiệp giảng dạy của tôi có thể nói đến khá muộn. Tôi tốt nghiệp từ giữa năm 2015 và sau đó làm việc trong ngành du lịch trước khi quyết định học khóa sư phạm vào giữa năm 2017. Vì thế, có thể nói, tuổi nghề của tôi còn khá trẻ và chắc chắn tôi cần phải trau dồi nhiều hơn nữa. Rất may mắn là môi trường làm việc cũng như con người ở ULIS nói chung và khoa Đức nói riêng đã tạo điều kiện rất lớn cho tôi phát triển bản thân mình.
PV: Cơ duyên nào đưa thầy tới tiếng Đức?
Người ta hay nói là “việc chọn người” hoàn toàn không sai chút nào, ít nhất trong trường hợp của tôi. Hồi cấp 3 tôi học lớp chọn ban A. Ở thời điểm đó, thường là bên cạnh ban học chính để thi, học sinh sẽ chọn thêm 1 khối nữa để làm “backup plan”. Tôi đã chọn khối D Khoa Đức bên Đại học Hà Nội và cơ duyên thế nào, tôi đã trúng tuyển vào Khoa tiếng Đức.
Lúc đầu, tôi cảm thầy hơi thất vọng vì mình. Tuy nhiên, tiếng Đức đã nhanh chóng cho mang lại cho tôi nhiều niềm vui và sự hứng khởi trong cuộc sống. Đến giờ này thì tôi phải thực sự thầm cảm ơn tiếng Đức.
PV: Hình như giáo viên trẻ hay bị “bắt” làm giáo viên chủ nhiệm lớp phải không? Quan điểm của thầy thế nào?
Tôi nghĩ rằng việc “bắt” hay không cũng là do cách mình đón nhận công việc này như thế nào nữa. Tôi cũng như các bạn GVCN khác trong khoa luôn coi đây là một cơ hội để phát triển kỹ năng sư phạm của bản thân, vì việc giảng dạy không nên chỉ dừng lại ở việc truyển tải kiến thức, mà quan trọng hơn là làm sao để có thể rèn giũa một con người.
Ngoài ra nếu nhìn trên góc độ thực tiễn thì việc giáo viên trẻ được giao nhiệm vụ này cũng không hẳn là không có lí do. Phần lớn giáo viên trẻ là đội ngũ trực tiếp giảng dạy ở năm thứ nhất, người mà sẽ tiếp xúc với khóa mới nhiều nhất, cũng là lực lượng trực tiếp nắm được tình hình của sinh viên.
Ngoài ra khoảng cách thế hệ cũng đóng một vai trò lớn ở hoàn cảnh này. Để so sánh thì một mặt thế hệ của tôi không quá cách xa thế hệ của các em năm thứ nhất, nên có thể đồng cảm được với những suy nghĩ, hành động của các em, tạo được sự tin tưởng và thoải mái về mặt tâm lý. Mặt khác, khoảng cách tầm 10 tuổi giữa hai thế hệ cũng đủ để thế hệ giảng viên trẻ hình thành sự chín chắn về suy nghĩ cũng như đủ trưởng thành về mặt kiến thức để định hướng và dẫn dắt sinh viên năm nhất hòa nhập với một môi trường học thuật khác biệt với cấp 3.
PV: “Bọn trẻ” năm 1 có những đặc điểm gì và các em đã “làm phiền” thầy như thế nào?
Sinh viên năm nhất, hay cụ thể hơn là sinh viên thuộc GenZ có nhu cầu thể hiện cái tôi rất lớn. Nếu so sánh với thế hệ chúng tôi 10 năm trước, thì có lẽ điều mà mọi người có thể thấy rõ nhất là sự tự tin của các em, sự năng nổ cũng như có cái nhìn nhiều chiều về một khía cạnh. Ngoài ra, đó là khả năng phê phán rất tốt, không chịu yên phận làm những gì mình coi là không đúng.
Những đặc điểm này một mặt giúp các em trong việc học ngoại ngữ rất lớn, mặt khác đúng là cũng gây khá nhiều “phiền toái”, đặc biệt cho giảng viên trẻ ít kinh nghiệm xử lí các tình huống trong lớp. Điều đầu tiên là việc sử dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi như một thói quen không bỏ được. Bên cạnh đó là các em khá thiếu khả năng tập trung khi học, cần giảng viên phải thay đổi hoạt động trong lớp liên tục. Và cuối cùng là “nhờn” cũng như tỏ thái độ không tôn trọng với giảng viên mà các em không thích, đặc biệt với các giảng viên trẻ. Cũng gọi là may mắn khi lớp tôi chủ nhiệm khá ngoan và không gây ra điều gì “làm phiền” tôi.
PV: Tự thầy nhận thấy thầy “có gì” mà “bọn trẻ” thích thầy đến vậy? Thầy có thể nói rõ hơn về cách thức/ phương pháp xử lí công việc của thầy trong công tác chủ nhiệm lớp được không?
Trong con mắt của tôi, bất kể một mối quan hệ nào cũng không thể thành công nếu chỉ có một bên cố gắng. Có lẽ việc được “bọn trẻ” thích cũng nói lên được phần nào tình cảm từ phía ngược lại của tôi đến với “mấy đứa nó“ rồi.
Thực tình mà nói, phần lớn các em sinh viên năm nhất vẫn mang trong mình suy nghĩ cũng như hành động của một học sinh cấp ba. Nhất là trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, nơi mà tính cộng đồng được đặt lên hàng đầu và mối quan hệ giữa học sinh và GV khá gần gũi. Các em chưa thực sự chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin mới và vẫn tự cho mình cái quyền được làm trẻ con. Điều này đặt ra một thử thách rất lớn với công việc GVCN ở bậc đại học. Một mặt phải sử dụng tình cảm rất nhiều trong công việc dẫn dắt, phụ trách lớp. Một mặt khác vẫn phải giữ khoảng cách giữa GV với SV trong môi trường đào tạo đại học. Tôi thực sự vừa là thầy, vừa là bạn của các em. Việc giữ mối quan hệ này cân bằng thực sự là một điều rất khó và đã có nhiều lúc tôi để nó nghiêng quá về mặt cảm xúc dẫn đến việc “nhờn“ ở nhiều sinh viên. Để tránh điều này, việc đưa ra các quy định và đề cao sự tuân thủ là một điều bắt buộc tôi đã đưa ra trong lớp của mình. Ví dụ như việc đi học muộn quá 15 phút sẽ bị phạt, hay không làm 1 bài tập về nhà bằng nghỉ một tiết. Sẽ không có ngoại lệ cũng như giải thích. Điều này sẽ nhắc nhở SV cần nghiêm túc cũng như trách nhiệm đối với việc học của bản thân.
Bên cạnh đó tôi luôn cố gắng gây dựng sự gắn bó của cả lớp bằng việc coi trọng cũng như đề cao tính cá nhân của mỗi thành viên trong lớp, từ đó giúp sinh viên sẽ không ngần ngại thể hiện bản chất thật của mình với các em khác mà không có sự ngần ngại bởi cảm giác không được chấp nhận. Và cho đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng việc này đã thành công. Có thể thấy chỉ sau hơn một tháng học với nhau, sinh viên lớp tôi đã trở nên khá thân thiết và có thể chia sẻ cũng như tìm được niềm vui khi ngồi với nhau. Điều này đóng một vai trò rất lớn trong việc học của các em, vì có một sự thật là, với phần lớn các em sinh viên ở đây, tiếng Đức chỉ như một lựa chọn thay thế và không ai có động lực thực sự khi mới bắt đầu. Do vậy, việc có một môi trường học gắn kết và vui vẻ sẽ tạo động lực ban đầu cho các em đến lớp cũng như giúp đỡ nhau trong việc học tập.
Từ việc nhận thức như vậy, tôi cố gắng xen kẽ chia sẻ những kinh nghiệm về phương pháp học tập, cách xử lí thông tin cũng như tạo động lực cho các em qua những lần gặp mặt, những buổi giao lưu hay những buổi hoạt động trải nghiệm. Tôi nghĩ tuổi trẻ luôn là lợi thế rất lớn cho những giáo viên chủ nhiệm như tôi.
PV: Theo thầy, chúng ta (ULIS) đã làm được gì và chưa làm được gì trong công tác giáo viên chủ nhiệm lớp?
Trích lời 1 sinh viên đã từng nói với tôi: “Em cảm thấy may mắn khi trường mình có giáo viên chủ nhiệm để chúng em có chỗ bám víu khi mới vào trường“. Qua những lời nhận xét này, cũng như qua một học kỳ thực hiện vừa rồi, tôi thấy việc triển khai chương trình này của nhà trường rất đúng đắn. Đây như một bước đệm giúp các em năm nhất đỡ bỡ ngỡ khi mới vào trường, để các em có thể tự tin bước đi một mình 3 năm khó khăn sắp tới.
Thay mặt VP CLC, xin cảm ơn thầy Nam và chúc thầy ngày càng gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của Nhà trường. Mong thầy tiếp tục phát huy vai trò của một giáo viên chủ nhiệm nhiệt huyết, tận tâm với sinh viên. Xin cảm ơn thầy!
Văn phòng Ban Chỉ đạo các CTĐT Chất lượng cao