Trường ĐH Ngoại ngữ đoạt giải phong trào tại cuộc thi “Sáng tạo cùng Resilience”
Sáng ngày 3/11, Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Sáng tạo cùng Resilience” và hội thảo “Thanh niên với biến đổi khí hậu: Những thách thức hôm nay, giải pháp nào cho ngày mai?”. Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã được trao giải phong trào dành cho đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi nhất.
Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Pháp và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược; nhằm giúp đoàn viên, thanh niên, sinh viên nhận thức sâu sắc về tầm ảnh hưởng của các biến động về môi trường và xã hội đang diễn ra tại Việt Nam trong thời gian qua, từ đó kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao ý thức và chung tay hành động để tăng cường năng lực chống chịu, tự phục hồi hướng đến phát triển bền vững của từng địa phương và đất nước.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Vũ Đại Thắng – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Gérald Darmanin – Bộ trưởng Bộ Hành động và Ngân sách công, Cộng hòa Pháp; ông Remy Rioux, Tổng giám đốc AFD toàn cầu, Chủ tịch câu lạc bộ các nhà hỗ trợ phát triển toàn cầu; GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội…
Được triển khai từ 22/8 đến 14/10 (7 tuần), Cuộc thi “Sáng tạo cùng Resilience”, dịch và sáng tác infographic/video clip thuật ngữ “Resilience” sang ngôn ngữ tiếng Việt đã thu hút đông đảo ĐVTN Việt Nam trong và ngoài nước gửi tác phẩm dự thi ở cả 02 thể loại: dịch thuật, inforgraphic/video clip.
Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 389 tác phẩm hợp lệ, trong đó 265 tác phẩm Dịch thuật, 103 tác phẩm Infographic và 21 tác phẩm Video clip. Tác phẩm dịch thuật đã được giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, sát nghĩa thuật ngữ “Resilience”. Tác phẩm infographic/video clip có sự đầu tư về hình ảnh, ngôn ngữ, nghệ thuật, thể hiện được sự sáng tạo của tác giả, trong đó có nhiều tác phẩm mang tính chuyên nghiệp cao.
Không chỉ thu hút giới trẻ trong nước, cuộc thi còn lan tỏa và nhận được tác phẩm tham dự của sinh viên Việt Nam đang học tập, sinh sống ở nước ngoài như: Hàn Quốc, Phần Lan… Một số trường đại học có lượng thí sinh tham gia rất đông đảo như: Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội, trường Đại học Hà Nội, trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Hà Nội…
Trong hơn 7 tuần diễn ra cuộc thi, tổng số lượt tiếp cận các tác phẩm dự thi là 2.833.686 lượt, số lượt tiếp cận trung bình 01 bài viết là 138.774 lượt… đã cho thấy sự quan tâm của xã hội tới cuộc thi nói riêng và các vấn đề về xã hội, biến đổi khí hậu, môi trường nói chung.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Lê Quốc Phong – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho biết, trong giai đoạn 2012 – 2017, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai phong trào “Xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” với nhiều hoạt động thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội với hơn 5 triệu lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Đã có hơn 14.000 đội hình thanh niên bảo vệ môi trường được thành lập, hoạt động hiệu quả; trồng mới hơn 22 triệu cây xanh, chăm sóc hơn 2.000 ha rừng; ĐVTN đóng góp hàng triệu ngày công, vận động hơn 21 tỉ đồng xây dựng chòi tránh lũ cho hộ nghèo, gia đình chính sách…
Đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định, với trên 23,6 triệu thanh niên, chiếm 25,2% dân số cả nước, thanh niên sẽ là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình như: triển khai Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 – 2022”, xác lập chỉ tiêu “Trồng mới 30 triệu cây xanh”; chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam…
“Mong muốn mỗi bạn thanh niên, sinh viên bằng những việc làm thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày để cùng nhau hành động, tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu vì một môi trường trong lành, vì sự phát triển bền vững của quốc gia và vì chính sự an toàn, phát triển của các bạn”, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nói.
Ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc AFD toàn cầu đã bày tỏ sự phấn khởi trước sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ đối với chủ đề này: “Với sức trẻ và sức sáng tạo của mình, lớp trẻ đang là những người chủ động trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và những giải pháp khác vì một thế giới bền vững hơn. Hơn ai hết, các bạn trẻ là những người có đầy đủ khả năng để thực hiện việc này cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, và chúng tôi sẽ cảm kết đồng hành, làm mọi điều có thể để hỗ trợ các bạn”.
Tại lễ tổng kết và trao giải, Ban tổ chức đã trao 01 giải nhất thể loại Dịch thuật cho bạn Nguyễn ThịĐiền – sinh viên Đại học Hà Nội, 01 giải nhất thể loại Videoclip cho nhóm tác giả: Đỗ Văn Nhất, Võ Thị Thu Hiếu – Trường Đại học An ninh nhân dân (giải thưởng gồm Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn và phần thưởng tiền mặt trị giá 10 triệu đồng); 01 giải nhì thể loại Infographic cho tác giả Nguyễn Quốc Khải – Chi đoàn PX01 – Công an tỉnh Bình Thuận (gồm Bằng khen của BCH Trung ương Đoàn và phần thưởng tiền mặt trị giá 5 triệu đồng).
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 07 giải khuyến khích cho 07 tác phẩm Infographic/Video clip xuất sắc; 02 giải phong trào cho Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi nhất) và tác giả Nguyễn Ngọc Uyên Vy – sinh viên Đại học Bình Dương (tác phẩm có lượng yêu thích, chia sẻ nhiều nhất).
Ngay sau lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi “Sáng tạo cùng Resilience”, hội thảo “Thanh niên với biến đổi khí hậu : Những thách thức hôm nay, giải pháp nào cho ngày mai?” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đầu ngành trong đó, có những người đại diện cho giới trẻ.
Ba phiên thảo luận liên tiếp đã tập trung vào các chủ đề: Thực hiện phương thức tiếp cận về cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi để quản lý rủi ro lũ lụt và xói lở bờ biển ở Việt Nam; Đưa vấn đề tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi vào quy hoạch địa phương vàđô thị: những hạn chế và khuyến nghị; Tăng cường khả năng chống chịu & phục hồi: các công cụ và giải pháp.