Tọa đàm quốc tế: Liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ và giảng dạy tại Việt Nam – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm quốc tế: Liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ và giảng dạy tại Việt Nam

Ngày 16/03/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức sự kiện tọa đàm quốc tế với chủ đề “Liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ và giảng dạy tại Việt Nam: Chính sách và thực tiễn”.

Là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia UNC2024 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”, tọa đàm song ngữ này đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, giáo viên, nhà nghiên cứu, quản lý, cùng sinh viên và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đặc biệt, tọa đàm có sự góp mặt của hai diễn giả: PGS.TS. Lâm Quang Đông – Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN; TS. John R. Baumann – Phó Chủ tịch phụ trách tuân thủ quy chuẩn nghiên cứu Đại học Indiana, Hoa Kỳ.

Phát biểu mở đầu, PGS.TS. Lâm Quang Đông đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến các đại biểu là các nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên… có mặt. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ đã giới thiệu về mục tiêu và ý nghĩa của hội thảo, cũng như nhấn mạnh rằng sự kiện là cơ hội để mọi người cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và đề xuất những sáng kiến mới, góp phần vào sự phát triển của ngành và xã hội.

Trong phần tham luận đầu tiên, TS. John R. Baumann từ Đại học Indiana đã có những chia sẻ về liêm chính học thuật, một chủ đề cốt lõi trong nghiên cứu. Ông nhấn mạnh rằng liêm chính là nền tảng của niềm tin và sự tôn trọng trong cộng đồng học thuật, và là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển khoa học lành mạnh. Bài phát biểu của ông đã làm sáng tỏ các nguyên tắc và quy trình bảo vệ chủ thể con người trong nghiên cứu, đặc biệt qua Chương trình Bảo vệ Nghiên cứu Con người (HRPP).

HRPP là một phần không thể thiếu của cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đảm bảo an toàn và đạo đức trong các nghiên cứu liên quan đến con người. Ông Baumann đã giải thích các cấp độ xem xét khác nhau trong HRPP, từ đơn giản đến đầy đủ, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của nghiên cứu. Ông cũng đã đề cập đến các quyết định chính của HRPP, như việc xác định sự tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức và pháp lý.

Bài trình bày thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết đối với đạo đức nghiên cứu và sự phát triển chung của cộng đồng học thuật toàn cầu này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng học thuật tham gia.

Trong tham luận thứ hai, PGS.TS. Lâm Quang Đông đã đề cập đến chủ đề “Ngây thơ hay Thây ngơ” (Innocence or Negligence) với những nội dung sâu sắc liên quan đến vi phạm đạo đức học thuật. Mở đầu bằng việc đặt ra câu hỏi: Liệu những vi phạm đạo đức học thuật là kết quả của sự ngây thơ, thiếu hiểu biết, hay là do sự thờ ơ, cố ý lờ đi các chuẩn mực?, và rồi để trả lời câu hỏi này, báo cáo viên đã đưa ra các ví dụ cụ thể về đạo văn, gian lận,… những hành vi không ít xuất hiện trong giới học thuật hiện nay.

Báo cáo viên đã phân tích một số trường hợp điển hình, từ những sai lầm không cố ý đến những hành vi cố ý gây hại, và làm rõ rằng việc không hiểu biết không thể là cái cớ cho việc vi phạm đạo đức nghiên cứu. PGS.TS. Lâm Quang Đông nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân, dù là tác giả, nhà khoa học hay người học, đều cần phải nâng cao nhận thức về các chuẩn mực đạo đức và liêm chính học thuật.

Tham luận này nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức trong việc trong việc duy trì một môi trường học thuật lành mạnh và liêm chính. Mỗi hành động, dù nhỏ nhất, đều có tác động lớn đến việc xây dựng một nền giáo dục và nghiên cứu. Đây là một thông điệp mạnh mẽ và cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh gay gắt trong giáo dục và nghiên cứu hiện nay.

Trong phần thảo luận, nhiều ý kiến, câu hỏi và chia sẻ đã được đưa ra, tạo bầu không khí đậm tính xây dựng về các chủ đề liên quan đến liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu, từ việc xác định các thách thức đến việc triển khai các chiến lược hiệu quả.

Tọa đàm không chỉ là diễn đàn học thuật thúc đẩy liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới, mà còn là cơ hội để xây dựng các mối quan hệ, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của cộng đồng học thuật quốc tế.

Tọa đàm đã khép lại với phần chụp ảnh lưu niệm, lưu lại minh chứng cho sự thành công của chương trình.

Một số hình ảnh khác:

Phương Anh/ULIS Media