Tọa đàm “Mindfulness: Ứng dụng trong công việc và cuộc sống”
Ngày 18/4/2020, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Mindfulness: Ứng dụng trong công việc và cuộc sống”.
Diễn ra với hình thức trực tuyến, tọa đàm được tổ chức nhằm giúp các cán bộ giảng viên trong trường có những hiểu biết về Mindfulness, quá trình phát triển và ứng dụng của Mindfulness trong cuộc sống hiện đại.
Diễn giả tại tọa đàm là cô Hồ Gia Anh Lê, một cựu sinh viên K33A và nguyên giảng viên Chương trình Cử nhân chất lượng cao, Khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô Hồ Gia Anh Lê hiện đang đảm nhiệm vai trò chuyên gia tư vấn và đào tạo về Mindfulness tại Đại học Yale NUS, Singapore, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hệ thống giáo dục HBE – Trường học Hạnh phúc tại Hà Tĩnh.
Tham dự tọa đàm có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, lãnh đạo Phòng Đào tạo và khoảng 120 cán bộ, giảng viên quan tâm.
Mindfulness (Tỉnh thức) trong tâm lý học hiện đại; Chánh niệm trong phật học; “Tồn-tại-ở-đó” (dasein, being-in-the-world) trong chủ nghĩa hiện sinh – triết học thế kỷ 20 của triết gia Martin Heidegger; Thực chất cả ba khái niệm này có chung ý nghĩa: “Đặt sự quan tâm chính là bản thân mình trong sự tồn tại của mình. Ví dụ khi chúng ta thở, chúng ta ý thức, quan tâm được việc thở tại giây phút này khi tồn tại trong cuộc sống này”. |
Tại tọa đàm, cô Hồ Gia Anh Lê đã lôi cuốn người nghe vào cuộc hành trình tìm hiểu về Mindfulness, những giá trị của Mindfulness trong giáo dục và cuộc sống hiện đại. Mindfulness hiện đã được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, diễn giả cũng chia sẻ câu chuyện của mình về việc áp dụng Mindfulness vào dạy học cho trẻ em tại Trường học Hạnh phúc ở Hà Tĩnh, nơi cô đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch hội đồng cố vấn.
Tọa đàm diễn ra sôi nổi sau đó với phần chia sẻ và thảo luận của các giảng viên tham gia. Các giảng viên đã đưa ra những quan điểm về Mindfulness, những kinh nghiệm áp dụng Mindfulness trong thực tế như: thực hành Mindfulness để vượt qua những lúc khó khăn, mệt mỏi; thấu hiểu và có cách ứng xử phù hợp khi dạy con cái; dùng phương pháp Mindfulness để giúp trẻ ghi nhớ từ vựng tiếng Anh; dành “toàn tâm toàn ý” khi giảng dạy sinh viên trên lớp. Các giảng viên đều có chung nhận định những giá trị to lớn mà Mindfulness mang lại là không thể phủ nhận.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đánh giá tọa đàm thực sự đã đạt được những thành công ngoài mong đợi. Đây là tiền đề quan trọng để: (i) tiếp tục tổ chức những buổi tọa đàm, những khóa học chuyên biệt về Mindfulness dành cho cán bộ giảng viên của trường; (ii) xây dựng môn học về Mindfulness để giảng dạy cho sinh viên trong trường. Hiệu trưởng mong muốn diễn giả Hồ Gia Anh Lê sẽ đồng hành và hỗ trợ Nhà trường trong các hoạt động này.
Trong thời gian tới, CLB Hành trình hạnh phúc của ULIS sẽ chính thức được khởi động. Đây là diễn đàn để các cán bộ, giảng viên của trường chia sẻ những kinh nghiệm về Mindfulness và việc áp dụng trong giảng dạy. Sự ra đời của CLB là bước đầu trên hành trình hiện thực hóa triết lý “Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới” (Happy teachers change the world).
ULIS Media