Tọa đàm “Dạy – học ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập quốc tế” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm “Dạy – học ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”

Sáng ngày 17/5/2022 đã diễn ra Tọa đàm “Dạy – học ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập quốc tế”. Tọa đàm do Ban Chấp hành Hội giáo chức phối hợp với BCH Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Tọa đàm có sự góp mặt của GS. TS. Đinh Văn Đức – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Đại học Quốc gia Hà Nội, cô Phạm Kim Thanh – đại diện văn phòng Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, cùng các đại biểu đại diện cựu giáo chức Nhà trường

Buổi tọa đàm được dẫn dắt và điều hành bởi ThS. Nguyễn Công Nhàn – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, PGS. TS. Nguyễn Hữu Chinh, cùng thư ký – TS. Phan Bích Ngọc.

Thầy Nguyễn Công Nhàn – Chủ tịch Hội cựu giáo chức Đại học Ngoại ngữ – Ban Tổ chức chương trình

Phát biểu khai mạc, thầy Đinh Văn Đức đã thay mặt cho Ban Chấp hành Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định ngoại ngữ thời gian qua có nhiều nội dung được xã hội quan tâm. Việc dạy – học ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập không chỉ nhờ những người đi học ở nước ngoài mà còn nhờ vào sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ giảng viên, giáo viên trong nước.

PGS. TS. Đinh Văn Đức

Về phía trường Đại học Ngoại ngữ, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cũng rất vui mừng khi sau tác động của đại dịch Covid, sau 2 năm mới cuối cùng đã có thể tổ chức một buổi gặp mặt, tọa đàm giữa các thầy cô cựu giáo chức của trường.

Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông

Buổi tọa đàm gồm có 8 phần báo cáo về chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập”, được trình bày bởi các cựu giáo chức của trường Đại học Ngoại ngữ.

Ở báo cáo đầu tiên, PGS. TSKH. Nguyễn Tuyết Minh đã trình bày tầm quan trọng của ngoại ngữ – “Không có ngoại ngữ thì không có hội nhập” với hai nội dung chủ yếu: Hội nhập và Liên hệ Việt Nam. Cô đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của tiếng Anh và tiếng Nga, sự phổ biến của hai thứ tiếng này trong quá khứ và hiện tại, cũng như phương pháp học tập phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Tiếp sau đó, NGND. Nguyễn Thị Hiền – Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm – Cựu sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ, khẳng định “Tôi thành công vì tôi đã học được kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu, đó chính là tiếng Anh”. Từ kinh nghiệm giảng dạy ở nhiều cấp học của mình, cô đưa ra một số đề xuất giá trị. Đối với các trường đại học, cô khuyến khích sinh viên nên tăng thời gian thực tập để gắn kết bản thân với trường học, chính việc học trong thực tế mới giúp sinh viên có thể phát triển tốt.

Ở phần báo cáo thứ ba, khách mời và người tham dự đã được lắng nghe phần trình bày “Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập quốc tế” đến từ PGS. TS. Nguyễn Thị Bình – Chi hội Cựu giáo chức Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. Những biện pháp bao gồm: sử dụng các phần mềm và nâng cao năng lực tự học, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, không lạm dụng thuyết trình, nâng cao năng lực nguồn nhân lực giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học.

Phần báo cáo thứ tư với nội dung “Bàn về vai trò của giáo viên ngoại ngữ – nhìn từ góc độ Tiếng Anh chuyên ngành”, được trình bày bởi TS. Dương Thị Nụ.

Với cô Nụ, giáo viên tiếng Anh chuyên ngành không chỉ là người dạy học mà còn là người xây dựng chương trình và cung cấp tài liệu học, người cộng tác, người nghiên cứu và người kiểm tra đánh giá. Trong thời buổi hội nhập hiện nay đòi hỏi giáo viên tiếng Anh chuyên ngành phải thực sự linh hoạt để có thể thực hiện nhiều vai trò khác nhau, cần được đào tạo nhiều hơn, rèn giũa về kinh nghiệm cũng như có sự nỗ lực và tận tâm trong quá trình giảng dạy.

Tiếp sau đó, PGS. TS. Phan Thị Tình đã trình bày báo cáo về những cơ hội và thách thức đối với việc học ngoại ngữ hiện nay. Theo cô, sự phát triển như vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm phá vỡ các biên giới, giúp cho việc học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn với sự xuất hiện của hàng loạt trang web tự học. Do đó, xã hội cũng cần thay đổi để thích ứng kịp thời với sự phát triển này bằng cách giảng dạy ngoại ngữ kết hợp với tích hợp công nghệ kỹ thuật số, đào tạo trực tiếp kết hợp với trực tuyến, đào tạo nhân lực sử dụng công nghệ thông tin.

Báo cáo thứ sáu đến từ ThS. Phan Hoàng Yến – Chi hội Cựu giáo chức Khoa Sư phạm tiếng Anh, mang tên “Tác động của toàn cầu hóa đối với ngôn ngữ và văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Trước các tác động của toàn cầu hóa, theo cô Yến, vai trò của giáo viên ngoại ngữ chính là giúp sinh viên ý thức được mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và tư duy, đồng thời giúp nâng cao khả năng cảm nhận ngôn ngữ và văn hóa cho sinh viên ngoại ngữ. Để phát huy những điểm tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa đối với ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, lời khuyên của cô là nên biến quá trình học ngoại ngữ song hành cùng quá trình tìm hiểu, khám phá các giá trị tinh thần, văn hóa, xã hội quý báu của cộng đồng người sử dụng ngôn ngữ đó. Bên cạnh đó, cần biết hòa nhập chứ không hòa tan, nắm vững ngoại ngữ nhưng cũng phải bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.

Phần báo cáo thứ bảy mang tên “Dạy và học tiếng Trung trong thời kỳ hội nhập, cơ hội và thách thức” đến từ CN. Nguyễn Đình Tê.

Và báo cáo cuối cùng đến từ ThS. Nguyễn Công Nhàn, bàn về “Thực trạng dạy – học tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập” với nhiều thông tin mới về dạy học tiếng Anh ở Việt Nam.

Buổi tọa đàm không chỉ là nơi chia sẻ và lắng nghe những phần báo cáo nghiên cứu, mà còn là cơ hội để các cựu giáo chức có thể gặp gỡ, gắn kết với nhau sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

Kết thúc buổi tọa đàm, Ban Tổ chức đã đi đến kết luận: Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy – học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở việc nắm vững công cụ giao tiếp mà còn khai thác các nét đẹp trong ngôn ngữ, văn hóa của ngôn ngữ, cũng như luôn giữ gìn và phát huy tính trong sáng của tiếng mẹ đẻ.

Một số hình ảnh khác:

Mai Ngọc – ULIS Media