Tọa đàm của các nhà khoa học về đào tạo sau đại học và phát triển khoa học công nghệ
Ngày 7/8/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm của các nhà khoa học về đào tạo sau đại học và phát triển khoa học công nghệ tại Hạ Long, Quảng Ninh. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm còn có các Giáo sư, Phó Giáo sư, Trưởng các đơn vị trực thuộc trường.
Tọa đàm của các nhà khoa học về đào tạo sau đại học và phát triển khoa học công nghệ là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018. Mở đầu chương trình, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh vui mừng cho biết tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh Nhà trường đón nhận tin vui về tuyển sinh đại học chính quy năm 2018 thành công bước đầu, với số lượng trúng tuyển đảm bảo và điểm chuẩn duy trì trong tốp đầu các trường đại học chuyên ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Hội thảo quốc tế One Asia tại Hà Nội 2018 với quy mô lớn thu hút hơn 600 đại biểu (hơn 500 đại biểu quốc tế) tham dự cũng vừa được tổ chức thành công, để lại ấn tượng tốt với các vị khách trong nước và quốc tế. Ngoài nhiều kết quả tích cực đã đạt được, năm học vừa qua cũng chỉ ra vẫn còn những thách thức trong tương lai, trong đó có hoạt động đào tạo sau đại học và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ của trường. Do đó, tọa đàm này là cơ hội tốt để Nhà trường tiếp thu những ý kiến đóng góp giúp khắc phục khó khăn, phát huy những thế mạnh, khai thác tiềm năng để hai công tác này của trường ngày càng phát triển hơn.
Tại tọa đàm, TS. Huỳnh Anh Tuấn đã trình bày đề dẫn về thách thức trong hoạt động đào tạo tiến sĩ tại trường. Tham luận chỉ ra số nghiên cứu sinh (NCS) trúng tuyển vào các trường chuyên ngoại ngữ đang giảm mạnh trong những năm gần đây (Sau Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT). Trưởng khoa Sau Đại học cũng đưa ra một số đề xuất để duy trì, gia tăng tuyển sinh NCS, trong đó nhấn mạnh đến sự đồng bộ giữa Ban Giám hiệu, các phòng ban chức năng, cán bộ hướng dẫn và ứng viên NCS.
Tiếp theo, PGS. TS. Ngô Minh Thủy đã chia sẻ hoạt động khoa học công nghệ của trường. Phó Hiệu trưởng khẳng định như là một thành viên của ĐHQGHN và để thích ứng xu thế thời đại, Trường ĐHNN cần thiết phải nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ. Bên cạnh những thuận lợi như trường có tính hội nhập cao nên cán bộ dễ tiếp cận nghiên cứu quốc tế và công bố quốc tế hay tham gia các hội thảo nước ngoài, hội thảo quốc tế, dễ tiếp cận tài trợ nước ngoài thì hoạt động khoa học công nghệ ở ULIS vẫn còn những khó khăn như quan niệm KHCN của một số cán bộ chưa chuẩn xác, trường có tính ứng dụng cao hơn lý luận học thuật, tỷ lệ giảng viên tham gia dạy ngoại ngữ 2 cao,…
Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cũng khẳng định rằng với Quyết định số 1255/QĐ-ĐHNN về việc ban hành kế hoạch tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN tại Trường ĐHNN-ĐHQGHN giai đoạn 2018-2020, Nhà trường đã và đang tạo nhiều cơ hội hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ.
Phần thảo luận sau đó đã diễn ra rất sôi nổi. Các đại biểu đã tích cực đóng góp những ý kiến, giải pháp khuyến khích hoạt động đào tạo sau đại học và khoa học công nghệ của trường, “ứng phó” với những khó khăn thực tại. Có những đề xuất đáng chú ý như cần khảo sát nhu cầu của đào tạo tiến sĩ, tăng cường nguồn lực cho khoa học công nghệ hay Nhà trường cần tăng cường các hoạt động hội thảo để tìm ra những đề tài, ý tưởng nghiên cứu hấp dẫn,…
Phát biểu kết luận hội nghị, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy chất lượng của các nhà khoa học và nhà quản lý. Hiệu trưởng bày tỏ quan điểm cần có thêm những diễn đàn để trao đổi về hai vấn đề này. Với sự quan tâm có tầm nhìn dài cùng sự kiên trì trong chiến lược phát triển của Nhà trường, công tác đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, chắc chắn sẽ vượt qua được những thách thức trở ngại. Hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những khởi sắc trong thời gian qua, thể hiện ở: số bài báo khoa học tăng lên, số lượt cán bộ tham dự hội thảo hội nghị ngày càng nhiều và đặc biệt là ý thức về nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ ngày càng gia tăng,… Tuy nhiên, Nhà trường vẫn cần tiếp tục gia tăng uy tín của Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, có phương hướng thích ứng với mọi sự thay đổi để tìm ra giải pháp phù hợp, tiếp tục lấy yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học lên hàng đầu và tăng tính hỗ trợ sau đại học với những chính sách hỗ trợ thiết thực, đẩy mạnh đầu tư để nâng cao và phát triển tiềm lực về đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media