Tọa đàm chuyên môn về ứng dụng ngôn ngữ học khối liệu (Corpus) trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ
Ngày 03/11/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm chuyên môn về ứng dụng ngôn ngữ học khối liệu (Corpus) trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ theo hình thức trực tuyến.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học (UNiC 2025) và chuỗi chương trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XX và kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ.
Tham dự tọa đàm, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ gồm có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, đại diện lãnh đạo Phòng Khoa học Công nghệ và Khoa NN&VH Nhật Bản. Ngoài ra còn có các báo cáo viên và đông đảo đại biểu quan tâm.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng khối dữ liệu Corpus. Trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, trên cơ sở khối liệu, người sử dụng có thể rất nhanh chóng nhận biết được các vấn đề như tần số sử dụng của từ vị, các phạm trù ngữ pháp; sự thay đổi tần số sử dụng của từ và cụm từ; sự thay đổi tần số của ngữ cảnh văn bản theo lịch đại và đồng đại; cách sử dụng ngôn ngữ của các tác giả khác nhau. Xét về tầm quan trọng và giá trị sử dụng rất lớn trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ như hiện nay, việc nắm bắt một cách tổng thể tình hình nghiên cứu cũng như các phương pháp xây dựng ngôn ngữ học khối liệu ở các ngôn ngữ là hết sức cần thiết. Phó Hiệu trưởng tin rằng tọa đàm có thể cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho các đại biểu tham gia.
Chương trình tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với 5 bài tham luận với những chủ đề khác nhau. Mỗi tham luận đã trình bày quan điểm và nêu các đề xuất, đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển học liệu.
Cụ thể, Giáo sư Sakoda Kumiko – Đại học Hiroshima Nhật Bản phát biểu tham luận số 1 với nội dung “Xây dựng và nghiên cứu khối ngữ liệu ngôn ngữ người học – Tại sao khối ngữ liệu lại cần thiết?”. PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh – Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN trình bày tham luận số 2 với chủ đề “Xây dựng kho tư liệu học phần Giao tiếp liên văn hoá cho sinh viên chuyên ngành tiếng Trung Quốc tại Việt Nam: lí thuyết và thực tiễn”. TS. Lê Tuyết Nga – Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN phát biểu tham luận số 3 với chủ đề “Quy trình xây dựng ngân hàng dữ liệu của người học tiếng Đức VIELKO”. TS. Lâm Thị Hòa Bình – Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN chia sẻ tham luận số 4 với nội dung “Xây dựng Kho ngữ liệu giáo khoa tiếng Anh chuyên ngành Xã hội học”. TS. Đặng Thị Ngọc Yến – Đại học Leeds, Vương Quốc Anh phát biểu về tham luận sô 5 với chủ đề “Ứng dụng của ngôn ngữ học khối liệu trong nghiên cứu từ vựng ngoại ngữ Tiếng Anh”.
Phát biểu bế mạc, Trưởng khoa NN&VH Nhật Bản Đào Thị Nga My một lần nữa nêu cao tầm quan trọng của việc xây dựng khối dữ liệu Corpus, và khẳng định rằng đây vẫn còn là một lĩnh vực nghiên cứu mới tại Việt Nam. Thông qua tọa đàm lần này, cô mong rằng lĩnh vực nghiên cứu Corpus sẽ được phổ biến hơn tại Việt Nam.