Tổ chức khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm năm 2023 cho giáo viên tiếng Anh các Sở GD&ĐT Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh
Từ ngày 15/4/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với các Sở GD&ĐT Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã tổ chức khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm năm 2023 dành cho 722 giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông.
Khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh Sở GD&ĐT 3 tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh năm 2023 nằm trong chuỗi hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm thuộc nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên thường niên theo Chương trình Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” giai đoạn 2017 – 2025 được Đề án Ngoại ngữ Quốc gia giao cho Trường Đại học Ngoại ngữ.
Thực hiện Công văn số 6700/BGDĐT-KHTC và Công văn số 6727/BGDĐT ngày 20/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên năm 2023 theo Chương trình Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” giai đoạn 2017 – 2025.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Trưởng khoa ĐT&BDNN Hoa Ngọc Sơn cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên thường niên thuộc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2023, ngay từ tháng 3, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tích cực làm việc với lãnh đạo các Sở GD&ĐT về chương trình bồi dưỡng. TS. Hoa Ngọc Sơn cũng cho biết ngày 24/4/2023 sắp tới, Nhà trường sẽ tổ chức ngày chính hội trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia thường niên về nghiên cứu giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học (viết tắt là UNC2023). Đây là một hoạt động quan trọng, đặc biệt trong phiên làm việc buổi chiều sẽ có 2 Tiểu ban mang tên PPGD tiếng Anh bậc Tiểu học và PPGD tiếng Anh bậc Trung học với nhiều báo cáo của các đồng nghiệp trong và ngoài nước trình bày về những nội dung làm nghề mà các thầy cô giáo phổ thông đang quan tâm. Do đó, Trưởng khoa ĐT&BDNN mong các thầy cô sẽ tích cực tham gia.
“1 khóa bồi dưỡng ngắn ngày, rồi nhanh qua đi. 1 khóa bồi dưỡng, tôi nghĩ, khó mà trang bị đủ cho các thầy cô nhiều kiến thức, kỹ năng. Nhưng qua 1 khóa bồi dưỡng, để chúng ta càng thấu hiểu nhau hơn cảm xúc của những người đang ngày ngày miệt mài đứng trên bục giảng với vô vàn khó khăn và áp lực. Để sau 1 khóa bồi dưỡng, chúng ta thêm niềm đam mê “làm nghề trồng người”. Đặc biệt, sau khóa bồi dưỡng ngày, Mạng lưới ULIS Connect của chúng tôi rất trân trọng chào mừng các thành viên đến từ Hưng Yên, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Chúng ta hãy kết nối chặt chẽ với nhau thường xuyên hơn thông qua ULIS Connect.“, TS. Hoa Ngọc Sơn chia sẻ.
Chương trình bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực sư phạm năm 2023 có nhiều thay đổi so với trước đây, đáp ứng tốt yêu cầu hiện tại. Công thức của khóa bồi dưỡng Năng lực sư phạm năm nay là: 8 + 3 + 1 + 6 (8 là 8 ngày bồi dưỡng tập trung trực tiếp, dự kiến tổ chức vào tháng 6-7; 3 là 3 ngày bồi dưỡng thực địa thực hành thực nghiệm ngay tại chính trường phổ thông của thầy cô đang công tác, 1 là 1 bài kiểm tra đánh giá cuối khóa học và 6 là 6 tháng thầy cô sử dụng kể từ ngày kích hoạt tài khoản học liệu số LMS).
Nội dung chương trình bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, bao gồm 03 hợp phần chủ yếu là: Một là: Phương pháp dạy học tích hợp ngoại ngữ và nội dung chuyên môn, chúng ta hay nói tắt là CLIL: tích hợp Content và Language, cụ thể ở đây là tiếng Anh; Hai là: Xây dựng Cộng đồng thực hành chuyên môn tiếng Anh ở khối trường phổ thông (chúng ta gọi tắt là CoP: Community of Practice); Ba là: Xây dựng và phát triển môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ. 08 ngày bồi dưỡng tập trung và 03 ngày thực địa tại trường phổ thông đều tập trung xoay quanh 03 nội dung này.
Hình thức bồi dưỡng gồm: trao đổi lý thuyết, thực hành thực tập biên soạn giáo án và giảng dạy (micro teaching và thực địa thực tế). Hệ thống học liệu số LMS với 7 module cung cấp PPGD tiếng Anh nói chung và sử dụng sách giáo khoa, PPGD chuyên đề về kỹ năng ngôn ngữ và yếu tố ngôn ngữ từ vựng, ngữ pháp…
Trong chương trình khai giảng, các thầy cô đã được nghe TS. Đỗ Tuấn Long giới thiệu tổng quan về khóa bồi dưỡng nâng cao lực sư phạm và ThS. Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn các thầy cô đăng nhập và sử dụng tài khoản học liệu số trên Hệ thống LMS bồi dưỡng giáo viên về NVSP và PPGD của Bộ Giáo dục – Đào tạo đặt tại Trường ĐHNN – ĐHQGHN.
Sau đó, các giáo viên của 3 tỉnh Hưng Yên, Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt đầu tham gia các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch.