Tọa đàm Khoa học hướng tới Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Anh văn
Trong buổi tọa đàm, PGS. TS. Lê Văn Canh đã trình bày một bài thuyết trình về tổng quan việc sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy tiếng Anh.
Ngày 09/11/2018, Ban tổ chức 60 năm thành lập khoa Anh văn – Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức chương trình tọa đàm khoa học với chủ đề: sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Đây là sự kiện được tổ chức nhằm hướng tới Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Anh văn, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN (1958-2018).
Tham dự buổi tọa đàm có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, PGS. TS. Lê Văn Canh – Diễn giả chính, các nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ từ nhiều đơn vị đào tạo trên cả nước, các đại diện Nhà xuất bản và các giảng viên, giáo viên giảng dạy tiếng Anh các cấp.
Trong phần mở đầu của Chương trình, Phó trưởng Khoa Sư phạm Tiếng Anh Nguyễn Tuấn Anh cho biết buổi tọa đàm mang tính chất mở để các học sinh, sinh viên và giáo viên cùng nhau trao đổi về các phương pháp sử dụng sách giáo khoa một cách hiệu quả trong giảng dạy và học tập. Bên cạnh đó, đây cũng là một dịp để người học và giáo viên cùng nhau củng cố mạng lưới cộng đồng học tiếng Anh, từ đó hình thành nên một diễn đàn kết nối các địa phương, vùng miền. Ngoài ra, đây cũng là một dịp để các thế hệ học trò và các thế hệ đi sau gửi lời tri ân đến các giáo viên vì sự đóng góp vào sự nghiệp giảng dạy ngoại ngữ của cả nước.
Phát biểu trong buổi tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định chủ để về sách giáo khoa sẽ luôn luôn được nhắc tới ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhiều diễn đàn khác nhau bởi tính thời sự và thú vị mà chủ để này mang lại.
Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các học giả, các nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm và nhiều nghiên cứu về biên soạn sách giáo khoa ngoại ngữ ở các cấp vì đã đến dự và đóng góp vào sự thành công của buổi tọa đàm.
Tiếp sau đó, diễn giả chính PGS. TS. Lê Văn Canh đã trình bày một bài thuyết trình có liên quan đến tổng quan về sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy tiếng Anh. Trong đó, bài thuyết trình đã tập trung vào phân tích các khía cạnh về công dụng, tầm quan trọng của sách giáo khoa; cách giáo viên sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy; mối quan hệ giữa sách giáo khoa với người học; sự khác biết giữa tiếp thu kiến thức về tiếng anh hay ngôn ngữ nói chung trong thực tế và trong lý thuyết.
Buổi tọa đàm sau đó được chia làm 3 phiên thảo luận song song với các chủ đề sau:
- Chủ đề 1: “Textbook per se” – Người tham dự sẽ có cơ hội được chia sẻ các ý kiến liên quan đến chất lượng các bộ sách giáo khoa Tiếng Anh đang được sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam, chia sẻ sự ủng hộ và gợi ý cách cải thiện/khắc phục nếu các bộ sách đó có nhược điểm.
- Chủ đề 2: “Textbook and the know-how” – Người tham dự sẽ chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai bộ sách trong thực tế, đặc biệt là cách xây dựng giáo án và tiến hành giảng dạy các thành tố và kĩ năng ngôn ngữ cụ thể trong từng đơn vị bài học, cũng như gợi ý cách khắc phục các khó khăn đó.
- Chủ đề 3: “Textbook and beyond” – Người tham dự sẽ cùng thảo luân các khó khăn giáo viên gặp phải trong quá trình sử dụng bộ sách do bối cảnh giảng dạy Tiếng Anh ở Việt Nam mang lại, ví dụ như lớp đông, trình độ học sinh không đồng đều, hay kiểm tra đánh giá chưa bám nội dung dạy-học. Người tham dự được khuyến khích đưa ra các giải pháp xử lý các khó khăn này.
Buổi tọa đàm kết thúc bằng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người tham dự và người viết sách, đại diện Nhà xuất bản sách giáo khoa tiếng Anh ở Việt Nam.
Đào Trung-Việt Khoa/ULIS Media