Tiếp Đoàn công tác Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER)
Ngày 22/06/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học (PHER).
Chương trình làm việc nhằm khảo sát hoạt động của Trường Đại học Ngoại ngữ và thảo luận để phối hợp trong công tác triển khai dự án.
Trong buổi làm việc, bà Nguyễn Kim Dung – Đại diện dự án PHER đã giới thiệu những thông tin khái quát về dự án, gồm 3 phần chính: Các hoạt động chính; Kế hoạch triển khai hoạt động năm thứ nhất và Giám sát, đánh giá.
Phần 1 – Các hoạt động chính của dự án bao gồm 4 trụ cột: Quản trị; Nghiên cứu; Giảng dạy và Kết nối. Trụ cột 1 được xây dựng với 3 mục tiêu: Quản trị kết quả và HT thông tin; Đảm bảo chất lượng nội bộ và Trung tâm chính sách. Mục tiêu của trụ cột 2 lần lượt là Mạng lưới học thuật quốc tế VIAN; Đơn vị hỗ trợ nghiên cứu và Hội thảo khoa học hàng năm. Trụ cột 3 hướng tới 3 mục tiêu chính là Trung tâm đổi mới dạy và học, Chương trình đào tạo mũi nhọn và Chương trình đào tạo trực tuyến. Cuối cùng, trụ cột 4 định hướng 3 mục tiêu chính: Trung tâm hướng nghiệp đào tạo; Trung tâm chuyển giao công nghệ và Cổng nguồn lực PHER.
Phần 2 – Kế hoạch triển khai hoạt động năm thứ nhất của dự án được sắp xếp thành 4 giai đoạn chính: Tháng 1-3/2022: Giai đoạn khảo sát, đánh giá nhu cầu; Tháng 4-5/2022: Giai đoạn xây dựng chương trình và nội dung đào tạo, nâng cao năng lực; Tháng 6-8/2022: Giai đoạn triển khai tại Việt Nam và Tháng 9-12/2022: Giai đoạn triển khai tại Hoa Kỳ.
Phần 3 – Giám sát, đánh giá bao gồm 2 nội dung quan trọng: Theo dõi, đánh giá theo yêu cầu của nhà tài trợ USAID và Theo dõi, đánh giá dự án.
Đại diện Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết: “Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã nắm được các nội dung và một số thông tin liên quan về dự án. Nhà trường cũng đang xây dựng các kế hoạch, tiến hành các dự án có nhiều điểm trùng khớp, tương đồng với nội dung của PHER như: Định hướng quản trị hiệu quả KPI, UNC, ULIS Connect, Đề án FIRE,… Tuy nhiên, hiện vẫn còn những điểm Nhà trường muốn cải tiến hơn nữa và rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Dự án.”
Phần sau của chương trình là hoạt động trao đổi, khảo sát đánh giá về: Mục tiêu dự án khảo sát thực trạng (IPA); Tài liệu và số liệu trường cung cấp; BGH và Phòng KHTC, Phòng TCCB; Phòng KHCN; Phòng Đào tạo; TT.ĐBCL, TT.Khảo thí; Phòng HTPT và Phòng CT&CT HSSV; Các đơn vị đào tạo và cán bộ giảng viên…
Buổi làm việc khép lại với nhiều hứa hẹn về sự hợp tác trong tương lai giữa Dự án PHER và Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngọc Anh-ULIS Media