“Sếp của tôi”: Thầy Lâm Quang Đông dưới góc nhìn của đồng nghiệp
PGS. TS. Lâm Quang Đông – Trưởng phòng KHCN kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài là một gương mặt quen thuộc tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Mỗi khi được hỏi, các cán bộ, giảng viên, sinh viên luôn dành cho thầy những lời khen ngợi về sự nhiệt tình, tâm huyết, tài năng trong công việc cũng như cá tính hóm hỉnh, thân thiện đời thường..
Mới đây, thầy Ngô Hoàng Vĩnh – Giảng viên Khoa NN&VH Pháp đã có một bài viết về “Sếp của tôi” này. ULIS Media trân trọng giới thiệu đến các thầy cô bài viết này:
Tôi và thầy Đông tuy khác khóa nhưng cùng ở lại giảng dạy tại Khoa Tiếng nước ngoài thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Chúng tôi ít có dịp gặp nhau, một phần vì công việc bộn bề, chồng chéo, phần nữa là vì tính tôi thuộc kiểu tự do, mắt trước mắt sau ra khỏi cổng trường là sống cuộc đời theo ý mình.
Thầy Đông từ ngày còn ở gác xép tầng 4 nhà C Thượng Đình đã thu hút tôi bởi một khuôn mặt đẹp, rất đẹp, mặc dù chiều cao của thầy chỉ đạt chuẩn chủng người Đông Nam Á. Trên khuôn mặt đẹp ấy thì đôi mắt của thầy làm tôi “mê muội” nhất. Đó là một đôi mắt to, hai mí rõ ràng, sáng, linh lợi và lương thiện. Vượt lên tất cả là cái nhìn trìu mến và thấm đượm tâm tư của thầy.
Thầy Lâm Quang Đông tại Hội thảo Quốc gia 2017: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”
Tính thầy Đông với tôi là trái ngược: thầy nghiêm túc trong công việc và nghiêm nghị trong đời sống.. Tôi thì a-ma-tơ, sống và làm mọi thứ theo cảm xúc, từ việc nhỏ như chọn cái quần đùi, may-ô cho đến việc to như lấy vợ, làm nhà.. Tôi chỉ có đam mê và năng khiếu nghiên cứu vạn vật vô tri vô giác quanh mình. Bởi thế tôi tò mò và lăn lóc, nói theo bây giờ là “phủi”, còn thầy thì đường hoàng, sạch sẽ và ngăn nắp từ thời còn trẻ. Tôi toàn mặc đồ rực rỡ, phăng-te-di, còn thầy chỉnh chu trong nếp áo cô-tông và quần ka-ki lúc nào cũng phẳng phiu và nền nã.. Về lời ăn tiếng nói lại càng khác. Thầy nói năng từ tốn, chậm rãi, chuẩn xác về thông tin và cú pháp, tôi như cơn gió ào ạt ngôn từ và hình ảnh. Đã là gió thì tùy tiện và cuốn theo mọi thứ quét được trên đường đi. Đôi khi làm người ta mát mặt, hớn hở, song có lúc làm người ta phải dụi mắt vì một hạt bụi vô tình.
“Theo tình thì tình trốn, trốn tình thì tình theo”. Tưởng như tôi không bao giờ gặp lại “thằng em” nữa và mỗi đứa “hùng cứ một phương” khi trường Tổng hợp bị chia thành hai nửa. Nào ngờ thấy thầy xuất hiện ở trường tôi (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, tức là sếp trực tiếp quản lý công việc nghiên cứu khoa học của cả ngôi trường chủ yếu là phụ nữ này. Thời điểm đó, thú thực tôi bắt đầu nghĩ khác về thầy, với lòng khâm phục và ngưỡng mộ về chuyên môn cùng đức độ. Nhưng một điều lớn lao hơn cả là tôi rất thương thầy, thậm chí là ứa nước mắt khi nghĩ đến công việc của thầy. Ở một ngôi trường toàn cánh phụ nữ với bao việc gia đình phải lo toan thì việc thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học là một công việc hết sức khó khăn. Mỗi lần tổ chức Hội nghị khoa học, thầy đều phải huy động hết vốn ăn nói để tuyên truyền cho sự kiện thành công nhất. Mà ở đời thì có hai cái khó: “lên giời khó mà cậu cạy, nhờ vả người khác lại càng khó hơn”. Đã vậy, nhân gian lại có hai cái mỏng:”giá mùa xuân mỏng mà thói đời lại càng mỏng hơn”. Vất vả lắm chứ, dù đó chính ra là bổn phận của mỗi giảng viên.
Vậy đấy. Tôi gặp lại thầy hôm vừa rồi trong đợt phổ cập công nghệ thông tin cho những kẻ chỉ vào “Phây lướt Vép” như tôi là nhanh. Thấy thầy mệt nhọc lại càng thương, vì phải tổ chức làm nhiều ca trong ngày, để làm hài lòng từng giảng viên có giờ lên lớp. Thôi cố lên thầy. Thầy cứ coi những dòng này là lời chân thành của gió rồi để gió cuốn đi. Điều làm tôi an lòng nhất là thầy đã có một gia đình và một người vợ đảm “Made in Vietnam”.
“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Vậy là được thầy ạ và tôi ạ.