Phỏng vấn nhóm thắng cuộc khóa 1 nhà giáo dục đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Ngày 5/1/2020, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với nhóm chuyên gia về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp IDEAL đã tổ chức buổi tổng kết khóa tập huấn Nhà giáo dục sáng tạo khởi nghiệp dành cho giảng viên ULIS khóa 1. Trong buổi tổng kết, các giảng viên Nhà trường đã chia làm 4 nhóm thuyết trình về các ý tưởng khởi nghiệp, trong đó nhóm Nhóm 4 gồm các thành viên Hoàng Thị Mỵ; Đinh Thị Hồng Thu; Nguyễn Thị Thu Dung; Lưu Mạnh Kiên; Chử Thị Bích; Phạm Dương Hồng Ngọc đã xuất sắc đạt giải nhất với bài thuyết trình về hệ thống spa trị liệu phục hồi sức khỏe. ULIS Media đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhóm giảng viên để tìm hiểu rõ hơn về dự án khởi nghiệp này.
PV: Xin chào các thầy cô, cảm ơn các thầy cô vì đã nhận lời tham gia vào buổi phỏng vấn hôm nay. Trước hết, xin thầy cô cho biết cảm xúc và suy nghĩ của bản thân sau khi tham gia vào khóa tập huấn này?
Thầy Kiên: Trước hết tôi muốn gửi lời cảm ơn Thầy Minh, HT trường ĐHNN cũng như ban tổ chức khóa đào tạo đã tổ chức một khoá học rất bổ ích cho cán bộ giảng viên trong trường. Tôi thấy rất vui vì có cơ hội trải nghiệm những buổi học trong khoá học cũng như có cơ hội được kết nối với các giảng viên khác trong trường.
Cô Dung: Theo tôi thì chương trình này rất thiết thực đối với giảng viên vì các lí do sau: Giảng viên phải được đồng hành hỗ trợ các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kĩ năng (không chỉ về chuyên môn) để có thể tiếp tục giảng dạy các thế hệ mới, phù hợp với một thời đại mới; Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất của nhà giáo dục là tư duy theo hướng đổi mới sáng tạo, thay đổi hướng tư duy về kinh tế, tài chính; Nâng cao nhiều kĩ năng, năng lực mà trước đây giáo viên có thể chưa có điều kiện được phát triển, nâng cao.
Cô Thu: Tôi thấy tinh thần trở nên phấn khích hơn, tự tin hơn và sáng tạo hơn.
Cô Mỵ: Tôi vẫn còn lâng lâng cảm xúc vui sướng và hạnh phúc khi nhóm mình đạt giải nhất còn mình được giải cá nhân. Khóa tập huấn đã mang lại cho tôi cơ hội được giao lưu và làm việc với các đồng nghiệp ở trong trường, cũng như khám phá khả năng của bản thân mình. Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản là khóa tập huấn trong 4 ngày chỉ học lý thuyết thôi, không ngờ chúng tôi được tham gia nhiều hoạt động như vậy và chúng tôi đã bùng cháy hết mình trong buổi final pitching.
Cô Ngọc: Tham gia vào khóa tập huấn này là một trong những quyết định đúng đắn của tôi trong quá trình công tác tại đây. Quả thực đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị, mang lại những kinh nghiệm bổ ích, quý giá, những bài học mà chúng tôi có thể áp dụng trực tiếp trong quá trình giảng dạy của mình, và cũng góp phần giúp tôi hình thành những ý tưởng “khởi nghiệp” một cách rõ ràng, cụ thể.
PV: Các thầy cô đã học được những gì và có những thay đổi tích cực gì khi tham gia vào khóa học?
Thầy Kiên: Những kiến thức cần thiết cho một nhà giáo dục khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đều đã được đề cập đến trong khoá học, tôi cũng như các học viên khác đã trải qua các bài giảng cũng như có cơ hội áp dụng các kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và trình bày trong bài thuyết trình cuối khoá học hôm 5/1 vừa rồi. Không những vậy, những kiến thức này cũng có thể áp dụng vào công việc hàng ngày của bản thân, bắt đầu từ chính khoá học này.
Cô Dung: Thay đổi suy nghĩ quan điểm về vai trò của giáo viên, đúng như thầy Hiệu trưởng từng nói: chúng ta chỉ nghĩ chúng ta hoàn thành vai trò giảng dạy mà quên mất trước hết giảng viên phải là nhà giáo dục.
Cô Thu: Tôi đã hiểu rõ hơn về cái gọi là khởi nghiệp, từng bước xây dựng và hiện thực hóa các mục tiêu khởi nghiệp của bản thân.
Cô Ngọc: Khóa học giúp tôi nhìn lại những gì đã làm, và tiếp động lực để tôi dám làm được nhiều điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến. Khóa học cũng giúp tôi được gặp gỡ, được làm quen với các đồng nghiệp mới, được tích lũy kinh nghiệm làm việc độc lập cũng như làm việc tập thể.
Cô Mỵ: Tôi cảm thấy khóa tập huấn rất bổ ích. Chúng tôi không chỉ được học nhiều kiến thức mà tưởng như mình đã biết nhưng hóa ra nó lại khác với những gì mình biết. Quan trọng hơn cả là khóa học đã truyền cảm hứng và khí thế “khởi nghiệp”, đổi mới sáng tạo cho chúng tôi. Những kiến thức về design thinking, đặc biệt là việc phải bắt đầu bằng quá trình Empathy – thấu cảm – giúp cho tôi có thể áp dụng vào mọi mặt của cuộc sống chứ không chỉ trong công việc giảng dạy. Tôi nhận ra rằng thấu cảm giúp chúng ta biết được điều suy nghĩ, nhu cầu mong muốn, thuận lợi, khó khăn của mọi người từ đó xác định được vấn đề và đề ra giải pháp.
PV: Ý tưởng khởi nghiệp của thầy cô rất hay, điều gì khiến thầy cô lựa chọn ý tưởng đó và thầy cô có mất nhiều thời gian để đi đến thống nhất trong ý tưởng và các hoạt động chung tiếp theo không?
Thầy Kiên: Sau khi được phân chia nhóm chuẩn bị cho bài thuyết trình cuối khoá học, cả nhóm đã họp bàn tương đối nhiều về việc lên ý tưởng cho bài thuyết trình, lên kế hoạch thực hiện vì thời gian chuẩn bị không nhiều. Cả nhóm đã thống nhất là ý tưởng sẽ liên quan tới chủ đề đổi mới tại ULIS vì mọi người có điểm chung là đang làm việc tại ULIS. Việc thống nhất về mặt ý tưởng khá nhanh chóng, các hoạt động chuẩn bị đều được lên kế hoạch trước và cả nhóm đã thực hiện đúng như kế hoạch đề ra để có một bài thuyết trình như vừa rồi.
Cô Bích: Ý tưởng xuất phát quan sát thực tế và nhu cầu cá nhân. Trường có nhiều giáo viên nữ và sinh viên nữ nên có những nhu cầu về chăm sóc sức khỏe nhất là làm đẹp hàng ngày ở mức độ đơn giản nhưng cần thiết mà không mất nhiều thời gian. Bản thân tôi nhiều lúc cần gội đầu trong những tình huống không thể không gội (cảm thấy mất tự tin nếu đầu tóc không được đẹp) nhưng trong khu vực tập thể giáo viên chỉ có 2 cửa hàng nhỏ, phải chờ lâu trong khi đang vội. Bản thân tôi thiếu kiến thức về mỹ phẩm, không biết mua kem dưỡng da ở đâu, loại nào tốt, phù hợp, sử dụng như thế nào…Tôi nghĩ nhiều giảng viên khác cũng như trên vì đó không phải là chuyên môn của chúng ta. Vì vậy, chúng tôi muốn thực hiện ý tưởng này đề phục vụ các thầy cô trong đó có mình và với tinh thần phục vụ là chính, các thầy cô cảm thấy vui và hạnh phúc, cảm thấy yên tâm hơn vì đó là dịch vụ của giáo viên trong trường, giảm bớt chi phí so với sử dụng dịch vụ bên ngoài.
PV: Bài thuyết trình của nhóm đã thể hiện sự nghiêm túc và có đầu tư lớn của nhóm cả về âm thanh và hình ảnh, điều đó thể hiện nhóm đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng vào ý tưởng khởi nghiệp của mình, vậy kế hoạch tiếp theo của thầy cô là gì và nếu ý tưởng đó được nhà trường chấp thuận thì hướng triển khai của thầy cô sẽ ra sao?
Cô Dung: Nằm trong mục tiêu xây dựng ngôi trường hạnh phúc, dự án của chúng tôi mong muốn hướng tới việc chăm sóc cơ thể, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường giúp mọi người giải tỏa áp lực, được thư giãn sau những căng thẳng mệt mỏi. Có thể sắp tới đây chúng tôi sẽ xin ý kiến chủ trương của Trường hỗ trợ kết hợp một không gian kết nối, hỗ trợ cho cán bộ giảng viên và sẽ kết hợp với một đơn vị chuyên môn hình thành hệ thống trị liệu toàn thân kết hợp với các sản phẩm làm đẹp cho chị em. Đẩy mạnh các yếu tố trị liệu chăm sóc sức khỏe.
Cô Ngọc: Chiến thắng trong buổi trình bày ý tưởng “Khởi nghiệp” vừa là lời khẳng định, sự động viên cho những nỗ lực của nhóm, đồng thời cũng là những thử thách để nhóm nghiên cứu và triển khai ý tưởng đó thành hiện thực. Trong khoảng thời gian 3 tuần nhóm đã đưa ra rất nhiều ý tưởng đặc sắc, có tính thực tiễn cao, và trong số đó ý tưởng về KHÔNG GIAN CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ SẮC ĐẸP sau giờ dạy là ý tưởng được cả nhóm đồng tình lựa chọn. Ý tưởng được lấy thông qua quá trình phỏng vấn, quan sát đồng nghiệp và từ chính nhu cầu của cá nhân. Chúng tôi đặt niềm tin rất lớn vào dự án này, bởi nó gần như hội tụ đầy đủ các tiêu chí: độc đáo, thực tế, đáp ứng được đúng và trúng nhu cầu của cán bộ nhân viên nhà trường và mang lại lợi nhuận. Qua lời nhận xét cũng như góp ý của Hội đồng BGK, chúng tôi đã họp bàn, chỉnh sửa kế hoạch phù hợp và quyết tâm triển khai dự án này. Chúng tôi dự kiến có đề xuất thuê khu vực mở KHÔNG GIAN CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ SẮC ĐẸP trong khuôn viên nhà trường và tuân thủ nghiêm các quy định của nhà trường cũng như tính đến các quy định về đảm bảo sức khỏe của cán bộ. Hi vọng trong một thời gian không xa, KHÔNG GIAN CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ SẮC ĐẸP ULIS sẽ được đông đảo cán bộ viên chức ULIS chào đón.
PV: Cảm xúc của cô Mỵ thế nào khi nhận được phần thưởng chuyến đi học tập do nhà trường đài thọ và kế hoạch của cô trong chuyến đi đó là gì?
Cô Mỵ: Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và hạnh phúc vì đã đạt phần thưởng này. Tôi hy vọng chuyến đi học tập trải nghiệm sẽ giúp tôi thu nhận thêm nhiều kiến thức để đổi mới sáng tạo ngay chính trong công việc giảng dạy của mình cũng như học được tinh thần khởi nghiệp kinh doanh từ các giáo viên trường bạn, từ đó có thể lan tỏa tinh thần “khởi nghiệp” cho các đồng nghiệp trong ULIS.
PV: Kỷ niệm nào là nhớ nhất của thầy cô trong khóa tập huấn này? (các thầy cô đều trả lời)
Thầy Kiên: Kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là bài thuyết trình của cả nhóm và cuối khoá học. Thật sự là mỗi thành viên trong nhóm đã làm thực sự tốt và nhận được đánh giá cao của ban giám khảo.
Cô Dung: Đó là lúc được học tập, trò chuyện trên lớp học hỏi nhiều điều hay từ mỗi Thầy cô.
Cô Thu: Mỗi lần tham gia vào các hoạt động thực hành trên lớp, lâu rồi mới được làm học sinh (Cười).
Cô Bích: Trong quá trình học, gặp gỡ và hiểu thêm về các đồng nghiệp của mình. Mỗi người có một phong cách riêng nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về sự nhiệt tình, nhanh nhẹn, thông minh, sáng tạo của nhóm trưởng Mỵ. Đó cũng là điều mà bản thân tôi thấy cần học tập.
Cô Mỵ: Kỷ niệm tôi sẽ nhớ mãi là buổi nhóm đến Trung tâm Công nghệ Thông tin nhờ phòng thu để thu bài hát. Chúng tôi thật may mắn vì nhờ có sự “chỉ giáo” của chuyên gia công nghệ – thầy Khoa Anh Việt – mà chúng tôi đã biết cách thu âm karaoke cả nhóm thành công. Dù phải thu nhiều lần, đến khi được bản tốt nhất cũng là lúc ai cũng mệt và giọng đã khàn, nhưng chúng tôi đã rời khỏi phòng thu với tinh thần thoải mái, hứng khởi và đầy tự tin cho buổi final pitching.
Cô Ngọc: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi chính là quá trình cùng nhóm hình thành và xây dựng ý tưởng KHÔNG GIAN CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ SẮC ĐẸP ULIS. Bên cạnh đó kỉ niệm cùng nhau tạo nên tháp kẹo cũng không thể nào quên. (Em không nhớ tên chính xác lắm trò chơi này hihihi). Hoạt động đó đã giúp chúng tôi lại gần nhau hơn, thể hiện cao nhất tinh thần tập thể, sự quyết đoán, sự khéo léo.
PV: Xin cảm ơn thầy cô về cuộc trò chuyện thú vị này!