Nữ sinh tốt nghiệp sớm một năm: “ULIS trong em là tập hợp của tất cả những điều tuyệt vời nhất”
“Em đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để quãng đời sinh viên tươi đẹp và đáng nhớ nhất, chỉ có điều duy nhất hối tiếc là thời gian ngồi trên giảng đường quá ngắn ngủi – mới có 5 học kỳ mà đã phải xa trường rồi” là những tâm sự đầy xúc cảm của một cô nữ sinh ULIS tài năng vào mùa bế giảng năm nay.
Giữa những gương mặt tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay, Nguyễn Ngọc Thúy Anh gây ấn tượng bởi thành tích học tập xuất sắc, năng nổ trong các hoạt động ngoại khóa, chăm chỉ nghiên cứu khoa học và một nụ cười rạng rỡ. Từ khi bước chân vào trường với danh hiệu “Thủ khoa” ngành tiếng Trung Quốc năm 2015, cô gái trẻ đã “gặt hái” được rất nhiều thành tích như: Thủ khoa đầu ra Khoa NN&VH Trung Quốc (GPA 3.83/4.00), giải Nhất trong hoạt động NCKH cấp Trường năm học 2016-2017, giải Ba NCKH sinh viên cấp ĐHQGHN năm 2017, đạt danh hiệu “Đại sứ sinh viên” năm học 2015-2016 và năm học 2016-2017, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Thành phố Hà Nội năm học 2015-2016 và năm học 2016-2017.
Bên cạnh học tập và nghiên cứu, Thúy Anh cũng rất coi trọng hoạt động tình nguyện. Ngoài các sự kiện của trường như: “ULIS Tour” năm học 2016-2017, “Ngày hội việc làm 2017”, “Open day” năm học 2016-2017, “Tiếp sức mùa thi” năm 2017; cô nữ sinh còn nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng như: “Đội Thanh niên tình nguyện hỗ trợ du lịch Thăng Long – Hà Nội” năm 2016, “Hanoi Free Tour Guides” năm 2016 và “Imperfection Project” năm 2015.
Tốt nghiệp trước một năm, cô gái trẻ hài lòng bởi mình đã cố gắng hết sức nhưng cũng buồn khi rời xa ngôi trường yêu dấu. Hãy cùng gặp gỡ và lắng nghe tâm sự của cô nàng “ra trường sớm” này nhé:
PV: Chào Thúy Anh. Trước tiên em có thể giới thiệu một chút về bản thân cho mọi người biết được không?
Thúy Anh: Em tên là Nguyễn Ngọc Thúy Anh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ngay từ hồi nhỏ, em đã rất thích trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và ULIS luôn là ngôi trường mơ ước của em. Từ khi em thi đỗ vào chuyên Trung Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, dự định ban đầu của em lại rẽ sang một hướng khác, nhưng niềm đam mê dạy học vẫn không thay đổi nên em vẫn chọn học chuyên ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc ở ULIS để theo đuổi trong những năm tháng đại học. Đến bây giờ em cũng chưa từng hối hận vì quyết định của mình.
PV: Là một sinh viên có thành tích nổi trội trong nghiên cứu khoa học, em nghĩ tại sao các bạn nên tham gia hoạt động này?
Thúy Anh: Có cô giáo đã từng nói với em: “Không nghiên cứu khoa học không phải là sinh viên”. Em thấy quan điểm này rất đúng, vì sự khác biệt giữa sinh viên đại học và học sinh trung học chính là ở khả năng tự học, tự nghiên cứu. Rất nhiều bạn sinh viên lần tưởng rằng NCKH nghĩa là phải tìm ra nhưng gì vĩ đại, uyên bác nên có tâm lý ngại, không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết phải làm gì và thường rất dễ từ bỏ. Nhưng thật ra, đối với SV ĐH, các thầy cô thường không yêu cầu cao, chỉ khuyến khích để sinh viên rèn luyện thêm khả năng tự nghiên cứu thôi.
Quan điểm của em là: Với những bạn sv không có ý định học cao học, nên thử làm NCKHSV một lần để được trải nghiệm hoạt động về học thuật vô cùng bổ ích; chắc chắn là hồi trước học trung học hay sau này khi đi làm bạn cũng khó có cơ hội để trải nghiệm hoạt động này. Còn với những bạn sv dự định học cao học, thì càng nên thử vì NCKHSV có thể coi là bước đệm vững chắc để bạn có thể tiếp tục làm khóa luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sĩ. Sinh viên chúng ta nên bỏ tâm lý ngại NCKH vì sv sẽ không phải làm NCKH một mình mà luôn được giáo viên hướng dẫn đồng hành và giúp đỡ nhiệt tình, trong quá trình làm các bạn cũng sẽ học được kha khá điều từ phẩm chất và cách làm việc của GVHD ấy. Thêm vào đó, làm NCKHSV cũng là cơ hội để sv trao dồi và nâng cao rất nhiều kỹ năng: kỹ năng tổng hợp, phân tích, thống kê; kỹ năng tin học văn phòng như word, excel, ppt…Đây là những kỹ năng cần thiết mà mỗi bạn sinh viên đều cần trang bị. Đặc biệt, sv Ngoại ngữ làm NCKH sẽ biết thêm nhiều điều về ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mình học tiếng, thấy được sự khác biệt giữa NN&VH Việt Nam với NN&VH nước ngoài.
Hồi học năm thứ ba, em có tham gia NCKH với đề tài “Chữ Hán đa âm thường dùng trong tiếng Hán hiện đại và ứng dụng vào việc dạy – học tiếng Hán tại Việt Nam” dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Đình Hiền – Phó Trưởng khoa NN&VH Trung Quốc. Năm đó, em có vinh dự đạt giải Nhất NCKHSV cấp Trường, tiếp đến là giải Ba NCKHSV cấp ĐHQGHN. Ban đầu, em tham gia không phải để giành giải, mà chỉ tham gia với mong muốn đơn thuần là có thêm nhiều trải nghiệm. Dưới sự giúp đỡ nhiệt tình từ giáo viên hướng dẫn, em được tham khảo nhiều tài liệu, mở rộng và nắm vững thêm kiến thức về đề tài mình nghiên cứu. Có lúc lên thư viện tìm đọc tài liệu, có lúc thức đến 2-3h sáng để viết bài, có lúc chạy khắp nơi để khảo sát các bạn sv, rồi có lúc lại mày mò tổng hợp, thống kê, tìm tòi cách trình bày trên word sao cho hợp lý nhất… Khoảng thời gian đó thật sự rất vất vả, nhưng đổi lại là em học được vô cùng nhiều điều hữu ích.
PV: Bên cạnh nghiên cứu thì thành tích học tập cũng rất tốt. Em có thể chia sẻ bí quyết nghiên cứu và học tập của mình?
Thúy Anh: Thật ra em cũng không có bí quyết gì cả, trước khi làm một việc gì đó, em đều nghĩ là mình cần phải cố gắng hết sức, chưa biết kết quả sẽ ra sao nhưng nếu làm hết mình, chắc chắn sau này sẽ không phải hối tiếc. Trong việc học cũng vậy, em luôn quan niệm là: Đằng nào mình cũng phải học những môn đó, cũng phải tốn ngần đó thời gian, nên tốt nhất là cố gắng tập trung học để được kết quả cao. Nếu mình không cố gắng thì lại mất thời gian, tiền bạc để học lại, hơn nữa còn ảnh hưởng đến kết quả tổng kết chung nữa. Nếu tất cả các bạn sinh viên đều cố gắng thì em tin các bạn đều sẽ làm được.
Ngoài ra, trong thời gian học đại học, em luôn đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn như mục tiêu dài hạn của em là trở thành giáo viên tốt, nên cần phải tốt nghiệp loại giỏi trở lên. Từ mục tiêu dài hạn đó, em lên kế hoạch cho từng kỳ. Do em học vượt cấp, có cơ hội tốt nghiệp sớm một năm, nên em đặt ra yêu cầu mỗi kỳ mình cần học nhiều môn hơn, mà vẫn phải đảm bảo kết quả tốt. Có kỳ em học tận 11 môn, nhiều lúc cũng thấy căng thẳng vì chạy “deadline” liên tục, nhưng nghĩ đến mục tiêu trước mắt cần hướng đến, bản thân em không cho phép mình bỏ cuộc. Em nghĩ rằng, mỗi bạn sinh viên đều có định hướng khác nhau, nhưng quan trọng là phải xác định rõ mình cần làm gì, đề ra những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và nỗ lực hết mình để đạt được điều đó. Nếu không xác định rõ mục tiêu của chính mình, cũng sẽ giống như việc mình cứ đi mà không có phương hướng, không biết điểm đến và cũng không biết mình phải cố gắng để làm gì.
PV: Em có thể chia sẻ một vài cảm xúc khi đã đến thời khắc phải xa mái trường đại học?
Thúy Anh: Chặng đường sinh viên sắp kết thúc, trong em đang xen lẫn hai cảm xúc vui mừng và tiếc nuối. Em vui vì đạt được những mục tiêu mà mình đề ra: Tốt nghiệp sớm một năm, làm nghiên cứu khoa học sinh viên, tham gia các hoạt động tình nguyện trong và ngoài trường, vừa học vừa đi làm thêm… Tuy chỉ là ba năm ngắn ngủi, nhưng em đã được trải nghiệm không ít, học hỏi thêm nhiều điều mới, quen biết thêm nhiều thầy cô bạn bè, từ đó trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, em cũng cảm thấy vô cùng tiếc nuối vì thời gian trôi qua nhanh quá, em sắp phải rời xa mái trường ULIS thân yêu này rồi.
ULIS trong em là tập hợp của tất cả những điều tuyệt vời nhất. ULIS có thầy Hiệu trưởng vô cùng tâm lý và nghĩ cho sinh viên; ULIS có Khoa NN&VH Trung Quốc với những thầy cô luôn tâm huyết với nghề: có thầy Tiến Trưởng khoa siêu hiền và hết lòng vì sinh viên, có thầy Hiền Phó khoa nghiêm khắc nhưng rất tận tình; có cô Linh Giang, cô Võ Hà, cô Loan… luôn sẵn sàng giúp sinh viên mà không đắn đo gì. Tất cả các thầy cô đều là tấm gương sáng để em noi theo, là hình mẫu người giáo viên tâm huyết mà em hướng tới. Cảm ơn các thầy cô vì đã luôn tuyệt vời như thế. ULIS còn có 14C6 – những người chị yêu thương em dù em có vào sau; có Mật Phong, có Sức Trẻ, có ĐSDL Ulis team… Em đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để quãng đời sinh viên tươi đẹp và đáng nhớ nhất, chỉ có điều duy nhất hối tiếc là thời gian ngồi trên giảng đường quá ngắn ngủi – mới có 5 học kỳ mà đã phải xa trường rồi. Cảm ơn mọi người vì đã đồng hành cùng em những năm tháng đại học. Cảm ơn ULIS vì đã là một phần thanh xuân của tớ.
Tuy là rất gian nan, nhưng sắp tới em vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Em sẽ học tiếp thạc sĩ, trao dồi thêm nhiều kiến thức chuyên môn, rèn luyện tu dưỡng đạo đức để trong tương lai không xa sẽ trở thành người giáo viên tốt.
PV: Cảm ơn Thúy Anh. Chúc em sẽ tiếp nối niềm tự hào ULIS và đạt được thành công trên chặng đường tương lai.
Theo Bản tin ĐHQGHN