Nữ giảng viên trẻ với tình yêu dành cho tiếng Nga và nghiên cứu khoa học
Với 2290 điểm, TS. Khuông Thị Thu Trang là một trong 3 giảng viên trẻ đạt thành tích cao nhất trong hoạt động khoa học công nghệ trong năm học 2020-2021 của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến từ Thái Nguyên, cô Khuông Thị Thu Trang gắn bó với tiếng Nga vì hai chữ “cơ duyên”. Thiếu 0.25 điểm để được vào ngành học mình ưa thích (chuyên Văn), cô quyết định đăng ký vào học lớp chuyên Nga ở trường cấp 3.
“Học tiếng Nga ban đầu khá khó, nhưng mình rất thích, vì thường hay được nghe thầy kể về đất nước Nga tươi đẹp. Vào Đại học, mình lựa chọn tiếng Nga và mơ ước được sang Nga du học để được tận mắt chiêm ngưỡng đất nước tươi đẹp ấy”, cô cho biết.
Sau khi thi đỗ và học 1 năm ở Khoa NN&VH Nga, cô Khuông Thị Thu Trang đã dự thi Olympic Tiếng Nga dành cho sinh viên toàn quốc và xuất sắc giành học bổng du học tại LB Nga.
Chia sẻ về thời gian du học ở Nga, nữ giảng viên 8x cho biết: “11 năm du học Nga là quãng thời gian mình không thể quên được. Nước Nga là thanh xuân, và tiếng Nga là cuộc sống của mình!”
Trở thành giảng viên tiếng Nga tại ULIS cùng hành trang kiến thức và kỹ năng có được từ xứ sở bạch dương, cô Khuông Thị Thu Trang mong có thể truyền lửa tình yêu tiếng Nga cho các em sinh viên.
Trong năm học 2020-2021, cô Khuông Thị Thu Trang đã tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho cán bộ giáo viên Nhà trường như: Nhà giáo dục đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, Nhà giáo dục truyền cảm hứng, Hội thảo khoa học UNC…
Với 2 bài báo đăng tạp chí quốc tế, 2 báo cáo đăng toàn văn kỷ yếu hội thảo quốc tế, 1 báo cáo đăng toàn văn hội thảo quốc gia cùng với việc tích cực tham gia nhiều hoạt động khác, cô đã trở thành 1 trong 3 giảng viên trẻ có thành tích nghiên cứu khoa học cao nhất năm học vừa qua. Điều này khiến cô hết sức bất ngờ và tự hào.
Theo cô Trang, giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học có nhiều thuận lợi: “Các giảng viên trẻ hiện nay rất năng động, nhạy bén, thích tìm tòi và ham học hỏi. Thường thì các bạn được làm quen, trang bị các kiến thức về nghiên cứu khoa học từ ngày còn học đại học. Nhiều bạn thậm chí đã thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên. Vì vậy các bạn cũng đã có những kiến thức cơ bản và phương pháp thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học. Thứ hai là thời đại 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin cũng giúp các bạn có nguồn tài liệu nghiên cứu phong phú. Sự quan tâm, động viên, khuyến khích từ phía Nhà trường cũng là một trong số những thuận lợi.”
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà giảng viên trẻ gặp phải có lẽ là kinh nghiệm khi tự thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học mà không có sự hướng dẫn của các thầy cô (như thời còn sinh viên). Giảng viên trẻ không có nhiều thời gian dành cho việc nghiên cứu khoa học. Vì ngoài việc soạn bài, giảng dạy, chấm bài, coi thi, chấm thi, giảng viên cũng cần phải tham gia rất nhiều những công việc chung khác của khoa, của trường. Vì vậy thời gian dành cho nghiên cứu thường rất ít.
Là một trường đại học định hướng nghiên cứu, để giúp đỡ cán bộ trong hoạt động này, ở ULIS có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh và khuyến khích giảng viên nghiên cứu. Năm học 2020-2021, cô Khuông Thị Thu Trang ấn tượng nhất là khoá học “Nhà giáo dục truyền cảm hứng”. Khóa học mang lại nhiều điều thú vị, giúp cô bước đầu thoát khỏi “vùng an toàn” của bản thân và giúp ích rất nhiều trong hoạt động giảng dạy của mình. Bên cạnh đó, tham gia UNC2021 cũng là một trải nghiệm mới đầy thú vị. Qua hội thảo, cô cảm thấy còn phải học hỏi rất nhiều trong công việc nghiên cứu khoa học.
Ở Nga, nghiên cứu khoa học về các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn được ưa chuộng hơn. Tạp chí chuyên ngành xã hội nhân văn nằm trong Top uy tín của thế giới khá ít.
Để có nhiều sản phẩm quốc tế, cô Khuông Thị Thu Trang cho biết bản thân rất may mắn vì có một giáo viên hướng dẫn luận văn (từ hồi còn học Đại học ở Nga) tuyệt vời.
“Ngay từ khi mình còn là sinh viên năm thứ 2 đại học, cô đã luôn động viên mình tham gia các hội thảo khoa học, hướng dẫn viết báo cáo, bài báo để đăng trên các tạp chí của trường, các tạp chí chuyên đề tại Nga. Qua đó mình cũng đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của cô.
Năm học vừa rồi mình cũng tham gia một nhóm nghiên cứu cùng các cô giáo và các bạn ở Nga, nên mới có thể hoàn thành được nhiều sản phẩm như vậy đó 😉”, cô chia sẻ.
Cô Khuông Thị Thu Trang và cô giáo hướng dẫn
Cô Khuông Thị Thu Trang quyết tâm sẽ tiếp tục tham gia vào nhiều hoạt động khác để đóng góp cho việc đào tạo và nghiên cứu tiếng Nga.
ULIS Media