Những thành tựu nổi bật của Đảng bộ Trường ĐHNN-ĐHQGHN
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Ngoại ngữ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào đối với ngành Ngoại ngữ và toàn ngành Giáo dục – Đào tạo nước nhà.
1.Đào Tạo
Đến nay, Nhà trường đã có hơn 50 khoá sinh viên đại học chính quy, cung cấp hơn 30.000 cán bộ, giáo viên ngoại ngữ cho ngành Giáo dục – Đào tạo và các lĩnh vực khác của xã hội. Cùng với 4 ngành đào tạo truyền thống (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc), Nhà trường đã mở một số ngành đào tạo mới (tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả Rập). Quy mô các loại hình đào tạo ngày càng được mở rộng và phát triển. Từ chỗ chỉ có một hệ sư phạm, nay đã có thêm nhiều ngành đào tạo có chất lượng chuyên ngành sư phạm hoặc ngôn ngữ. Đặc biệt, Nhà trường đã mở ra nhiều CTĐT CLC (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Đức) với mong muốn đáp ứng nhu cầu của xã hội về cử nhân thành thạo 2 ngoại ngữ. Với ngoại ngữ 2, sinh viên có thể lựa chọn thêm các ngoại ngữ: Thái Lan, Tây Ban Nha, Italia, Lào. Trường cũng đào tạo cả các CTĐT thứ hai để mở rộng cơ hội học tập ngoại ngữ cho sinh viên trong trường và sinh viên trong khối ĐHQGHN.
Chương trình đào tạo Chất lượng cao Ngành Sư phạm tiếng Anh được Mạng lưới các
trường đại học Đông Nam Á công nhận đạt chuẩn AUN (2012)
Trường liên kết với Trường ĐH Southern New Hampshire (Hoa Kỳ) tuyển sinh theo hình thức 2+2 chương trình Cử nhân Kinh tế – Tài chính. Hiện nay, Trường đang đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên trong toàn ĐHQGHN. Từ năm học 2011 đến nay, Trường được Bộ Giáo dục & Đào tạo giao nhiệm vụ tham gia Chương trình bồi dưỡng, đào tạo Ngoại ngữ Quốc gia.
Trường đang đào tạo 14 chương trình thạc sĩ, 08 chương trình tiến sĩ. Chương trình Liên kết đào tạo sau đại học và đại học giữa SNHU (Southern New Hampshire University) và ULIS đã được thẩm định bởi Uỷ ban Kiểm định vùng New England của Hoa Kỳ NAESC (New England Association of Schools and Colleges).
Ngoài ra, Trường đang đào tạo hệ THPT chuyên, hiện nay Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đang đào tạo hệ chuyên 7 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn. Từ năm 2008, học sinh của Trường được học thêm ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng. Hàng năm, Trường luôn đứng trong top đầu cả nước về kết quả dự thi tuyển sinh vào đại học. Nhiều lượt học sinh giành danh hiệu Thủ khoa toàn quốc trong kì thi tốt nghiệp THPT và trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế về ngoại ngữ.
Bậc THCS là hệ đào tạo mới nhất của Trường với sự ra đời của Trường THCS Ngoại ngữ. Trường định hướng phát triển theo hướng là một cơ sở thực hành sư phạm chất lượng cao và tuyển sinh khoảng 100 học sinh mỗi năm.
Lễ công bố quyết định thành lập Trường THCS Ngoại ngữ
Để khẳng định chất lượng sản phẩm đào tạo, Trường đã tham gia chương trình kiểm định chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN – QA). Sau khi thẩm định và đánh giá, Hội đồng thẩm định chất lượng (QA) mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) đã trao quyết định công nhận Chương trình đào tạo cử nhân CLC ngành Sư phạm tiếng Anh, Chương trình đào tạo Thạc sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Chương trình đào tạo Thạc sỹ Lý luận & Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh, Chương trình đào tạo Cử nhân chuyên ngành Ngôn ngữ Anh – Hệ chất lượng cao và Nhà trường cũng đã tiến hành kiểm định Chương trình đào tạo cử nhân ngành Ngôn ngữ Đức. Đối với AUN, chất lượng được xem là một mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định với quốc tế về sự hội nhập của giáo dục đại học Đông Nam Á, là tiền đề cho sự liên thông, liên kết và công nhận lẫn nhau giữa mạng lưới các trường đại học ASEAN.
2. Nghiên cứu khoa học – Dịch vụ
Thực hiện Chỉ thị 251/TTg của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông hơn nửa thế kỷ qua công tác NCKH đã tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản và ứng dụng trong việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam. Nhiều bộ giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập ngoại ngữ được biên soạn. Hàng nghìn bài giảng điện tử các chương trình thuộc dự án hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, giảng dạy môn học online được xây dựng. Đây là những sản phẩm trí tuệ rất đáng trân trọng của cán bộ, đảng viên Nhà trường.
Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN phối hợp với Quỹ One Asia (One Asia Foundation) tổ chức hội thảo quốc tế One Asia tại Hà Nội 2018 với chủ đề “Hy vọng tương lai” với sự tham dự của hơn 600 đại biểu đến từ 300 trường đại học thuộc 31 quốc gia châu Á và các khu vực khác trên thế giới
Nhiều vấn đề mới trong công tác đào tạo như đổi mới quy trình đào tạo cử nhân ngoại ngữ theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, cải tiến phương pháp bộ môn, đổi mới chương trình, giáo trình các hệ đào tạo, xây dựng công nghệ kiểm tra đánh giá, xây dựng chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ cho các trường đại học và cao đẳng trong cả nước… đã được cán bộ Nhà trường tập trung nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết có tính đột phá. Từ năm 2015 đến năm 2020 đã có 7 đề tài cấp ĐHQGHN và 58 đề tài cấp cơ sở được xét duyệt và thực hiện. Một số nghiên cứu/công trình/sản phẩm đã được Nhà trường thực hiện trong thời gian qua là: Đề tài NCKH cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ công chức viên chức các ngành hải quan, Ngoại vụ, Du lịch, Biên phòng trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc”, Định dạng đề thi ĐGNL tiếng Anh bậc 3-5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam (VSTEP.3-5), Định dạng đề thi ĐGNL tiếng Anh bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam (VSTEP.2);… Nhiều hội thảo khoa học quốc gia, hội thảo quốc tế, tọa đàm thường xuyên được tổ chức.
Hội thảo thuộc Đề tài KHCN trọng điểm cấp quốc gia Chương trình Tây Bắc
Có thể nói khả năng đóng góp của Trường cho ngành ngoại ngữ và cho xã hội là hết sức to lớn. Cho đến nay, những đề tài NCKH quan trọng có liên quan đến ngành ngoại ngữ chủ yếu là do Trường ĐHNN-ĐHQGHN đề xuất và thực hiện.
3.Đội ngũ cán bộ
Trong thời gian vài năm trở lại đây, đội ngũ cán bộ của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã không ngừng được chú trọng đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên và chuyên viên có trình độ và bằng cấp cao, Nhà trường còn chú trọng vào công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ giảng viên đến chuyên viên nhằm đáp ứng nhu cầu cao về đào tạo và phục vụ đào tạo trong thời kỳ mới. Đội ngũ đó thực sự là nguồn tài nguyên, là tài sản của Đảng bộ, Nhà trường và của ngành ngoại ngữ. Từ chỗ, vài chục cán bộ giảng viên, sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay Trường đã có được đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, cụ thể: Trường có 809 cán bộ, 546 giảng viên, 158 tiến sĩ, 302 thạc sĩ… trong đó có 3 GS, 18 PGS, 43 cán bộ đang học tập ở nước ngoài và 55 cán bộ quốc tế. Về đội ngũ chuyên viên phục viên phục vụ đào tạo, hiện tại đội ngũ này chiếm khoảng 15% tổng số lượng cán bộ trong trường với 159 cán bộ. Nhà trường đã tổ chức nhiều khóa tập huấn bồi dưỡng để nâng cao chất lượng phục vụ đào tạo của đội ngũ này hướng tới môi trường làm việc chuyên nghiệp, vì người học và lấy người học làm trung tâm. Áp dụng các chính sách mang lại cơ hội phát triển và cống hiến cho đội ngũ.
Ngày hội Team building 2018 đánh dấu lần đầu tiên có sự tham gia của toàn thể cán bộ, giảng viên, chuyên viên Nhà trường
Nhà trường cũng chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn quốc tế. 100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực quản lý theo các tiêu chuẩn quản trị đại học tiên tiến, tối thiểu 25% cán bộ quản lý hành chính sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc và giao tiếp. Mỗi năm có 35-40 lượt giảng viên và các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐHNN.
Công tác đào tạo Sau đại học bồi dưỡng đào tạo cán bộ chuyên môn đầu ngành – mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ – đang có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, góp phần củng cố vị trí số 1 của Trường trong ngành ngoại ngữ.
4. Hợp tác phát triển
Tại hầu hết các Đại hội Đảng bộ, công tác đối ngoại luôn được quan tâm lãnh đạo nhằm tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của các tổ chức và các nhân trong và ngoài nước. Trong những ngày đầu, việc giảng dạy ngoại ngữ gặp muôn vàn khó khăn, Nhà trường đã nhận được sự giúp đỡ chí tình, vô tư của chuyên gia các nước Nga, Trung Quốc, Australia…
Đại sứ Thái Lan Tanee Sangrat thuyết giảng cho sinh viên ULIS về sự phát triển của Thái Lan và ASEAN
Hiện nay, Trường ĐHNN – ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 200 trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Thái Lan, Nga, Pháp, Đức, Singapore, Australia, New Zealand,…). Các hoạt động tiếp xúc, ký kết, trao đổi với đối tác được diễn ra thường xuyên là cơ sở để Nhà trường phát triển các hoạt động: liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu và xuất bản phẩm, trao đổi sinh viên và học sinh, trao đổi giảng viên, hỗ trợ sinh viên thực tập tại nước ngoài và tìm việc làm,…
Lễ ký kết hợp tác chính thức với Trường Đại học Victoria Wellington (VUW), New Zealand.
Với mong muốn thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên ngoại ngữ trên cả nước theo các chương trình hợp tác của ĐANNQG. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Trường ĐHNN-ĐHQGHN đã phối hợp với nhiều địa phương để triển khai các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy và học tại địa phương (Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Nội,…). Những việc làm này không chỉ giúp phát triển giáo dục ngoại ngữ ở các địa phương mà giúp đưa thương hiệu của Nhà trường ngày càng vươn xa hơn.
Ký kết hợp tác với Ủy ban Nhân dân Quận Cầu Giấy
5.Cơ sở vật chất
Xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất là một công việc hết sức cấp thiết và đã được khẳng định tầm quan trọng trong tất cả các kỳ Đại hội. Với nhiều biện pháp chỉ đạo sát sao và quyết liệt của các lớp lãnh đạo Nhà trường trong thời gian qua mà đến nay hệ thống cơ sở vật chất Nhà trường đã vươn tầm và trở thành một trong những cơ sở đào tạo đại học có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo khang trang, đầy đủ và hiện đại bậc nhất ở khu vực miền bắc. Cụ thể, tất cả hệ thống 236 phòng học của Nhà trường đã được triển khai lắp đặt 100% hệ thống máy chiếu, điều hòa và camera; đưa vào hoạt động các khu tự học cho sinh viên và khu vực sinh hoạt chung cho cán bộ giảng viên Trường; đưa vào cải tạo và hoàn thiện các hệ thống công trình phụ ở tất cả các giảng đường của Nhà trường; tu sửa và phục hồi khu công trình Khoa Pháp; cải thiện hệ thống thoát nước chống úng ngập; nâng mặt sàn trong khu vực sân Nhà A1-A2; đưa vào hoạt động studio hiện đại và các hội trường thuộc tòa nhà Sunwah. Đặc biệt, hệ thống mạng không dây Wifi đã được triển khai phủ sóng hầu hết các khu vực trong trường – Đây là một trong những thành tựu bước tiến quan trọng nhất trong công tác nâng cao công tác hỗ trợ người học của Nhà trường.
Một góc của Công trình Khoa Pháp sau khi được sửa sang lại
Nhà trường cũng quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, từng bước nâng cao thu nhập tăng thêm của CBVC. Hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp, bố trí chỗ ở cho CBVC theo quy hoạch.
Không gian làm việc chung cho cán bộ giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN