Lãnh đạo nữ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Trường ĐHNN-ĐHQGHN – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Lãnh đạo nữ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Trường ĐHNN-ĐHQGHN

Ngày 10/11/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Vai trò của lãnh đạo nữ đối với sự phát triển của Trường ĐHNN-ĐHQGHN” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam.

Buổi tọa đàm được tổ chức theo sáng kiến của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Trường ĐHNN- ĐHQGHN, thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Ban giám hiệu, sự phối hợp và hỗ trợ của Công đoàn Nhà trường và Trường THPTCNN. Mục đích của hoạt động này là nhằm tôn vinh các đóng góp và năng lực của cán bộ nữ nói chung, các cán bộ lãnh đạo nữ nói riêng đối với sự phát triển của Nhà trường, tạo điều kiện cho các cán bộ có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống; phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của đội ngũ cán bộ nữ Trường để vượt qua thách thức, khó khăn. Đặc biệt, đây là dịp để các cán bộ nữ chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và những thuận lợi, khó khăn trong công việc nhằm tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ, để trong thời gian tới Nhà trường có thêm những chính sách và sự hỗ trợ phù hợp, cần thiết, giúp cho các cán bộ nữ trong trường phát huy tốt nhất năng lực của mình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác của trường trong năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo.

Tham dự tọa đàm có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn HTPT, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công đoàn Trường, lãnh đạo nữ là Trưởng và Phó trưởng các đơn vị, Phó Bí thư Đoàn TN Trường, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Trường ĐHNN – ĐHQGHN, Trưởng Ban nữ công Trường và khách mời.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Đảng ủy/Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã chia sẻ một số thông tin thú vị về cán bộ nữ ULIS. Trường ĐH Ngoại ngữ hiện có 618/755 tổng số cán bộ là nữ giới (khoảng 82%). Trong khi độ tuổi trung bình cán bộ toàn trường là 37 thì của cán bộ nữ là 35,2 tuổi. Tổng số cán bộ quản lý của trường là 133 thì có 94 cán bộ nữ (14 lãnh đạo tại các phòng ban trung tâm và 80 lãnh đạo tại các đơn vị đào tạo). Xét về học hàm học vị, trong số các lãnh đạo nữ có 4 phó giáo sư, 37 tiến sĩ và 52 thạc sĩ.

Hiệu trưởng cũng khẳng định đội ngũ lãnh đạo nữ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển chung của Nhà trường. Ông kỳ vọng tọa đàm có thể giúp đưa ra nhiều gợi ý để có thể phát huy cao hơn vai trò các lãnh đạo nữ, phát huy cao độ sự đóng góp, tầm ảnh hưởng của cán bộ nữ với sự phát triển của trường.

Đại diện cho phái nam ở ULIS, tôi cảm ơn các lãnh đạo nữ và cán bộ nữ đã khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc có mặt trong một tập thể chiếm đại đa số là phái nữ.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chia sẻ.

Trong bài phát biểu đề dẫn, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Ngô Minh Thủy đã dẫn ra các số liệu về nữ giới làm lãnh đạo ở Việt Nam với những ví dụ cụ thể cho thấy việc phụ nữ làm lãnh đạo ở nước ta rất được quan tâm và hoàn toàn có thể đảm nhiệm công tác quản lý xuất sắc.

Ở Việt Nam, sự chuyển biến, tiến bộ trong nhận thức về bình đằng giới được nhiều cơ quan thế giới đánh giá cao. Điều đó thể hiện ở việc phụ nữ tham gia nhiều công việc ngoài xã hội hơn, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo. Theo số liệu báo cáo của Chính phủ, nhiệm kỳ 2016- 2021, ở cơ quan quốc hội có 132/194 đại biểu là nữ (chiếm 26,7%); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh, cấp huyện đều ở con số gần 27% và tăng so với các năm trước.

Đặc biệt, theo Cổng thông tin của Bộ kế hoạch và đầu tư, trong Khối doanh nghiệp, tỷ lệ nữ lãnh đạo trong doanh nghiệp Việt cao thứ 2 Đông Nam Á, sau Philippines. Một số tạp chí nước ngoài cũng đưa ra những hình mẫu lãnh đạo nữ ở VN, trong đó có 8 lãnh đạo nữ cấp cao, 10 nữ doanh nhân thành công nhất trong đó bao gồm bà Mai Kiều Liên của Vinamilk và Le Thị Thu Thủy CEO của Vingroup. Theo đánh giá của Bộ kế hoạch và Đầu tư, những nữ doanh nhân như bà Thu Thủy hay bà Kiều Liên đang tạo hiệu ứng tốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mức vốn hóa 58 tỷ USD và là thị trường tốt nhất châu Á năm nay. Vậy vai trò của nữ ở các cơ quan như thế nào?

Để tạo hứng khởi, khích lệ cho phái nữ, tôi xin đọc nguyên văn một đoạn trên trang thông tin của Bộ kế hoạch đầu tư như sau: Theo kết quả khảo sát của viện nghiên cứu thuộc Credit Suisse với 2.360 doanh nghiệp tại 46 quốc gia giai đoạn 2005-2011, những doanh nghiệp có ít nhất 1 nữ lãnh đạo có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn mức bình quân và được định giá cao hơn trên thị trường chứng khoán. Chỉ số chứng khoán của 43 doanh nghiệp có nữ CEO tăng gần gấp 3 lần trong vòng 5 năm qua, tăng gấp 2 lần so với chỉ số VN-Index, theo số liệu của Bloomberg và Viện nghiên cứu và tư vấn tài chính tại Paris (IFRC). Những doanh nghiệp này hoạt động trong đủ các ngành nghề, trong đó chủ yếu là công nghiệp và tài chính. Trong nhóm này có doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng 763% trong vòng 5 năm trở lại và tính chung lợi nhuận của nhóm này tăng 72%, dữ liệu của Bloomberg chỉ ra.” – Phó Hiệu trưởng cho biết.

Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy khẳng định đối với trường có tỷ lệ cán bộ và sinh viên nữ cao như ULIS thì những đóng góp to lớn, năng lực của giảng viên nữ nói chung và lãnh đạo nữ nói riêng là không thể phủ nhận. Thay mặt Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Phó Hiệu trưởng trân trọng gửi lời cảm ơn Đảng ủy, BGH, Công Đoàn Trường, và Trường THPTCNN đã ủng hộ, hỗ trợ cho việc tổ chức tọa đàm. Xin cảm ơn các thầy, các cán bộ nam của Nhà trường đã và đang luôn đồng hành, thấu hiểu, sẻ chia, hợp tác với các cán bộ nữ của Nhà trường trong suốt những năm qua và mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Chia sẻ những khó khăn của cán bộ nữ làm lãnh đạo, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Đoàn cho biết vai trò của lãnh đạo nữ càng ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Nhà trường. Nhân dịp tọa đàm có chủ đề hay và thú vị như lần này, ông cũng đại diện Công đoàn trường cam kết ủng hộ hoạt động nữ Nhà trường nói chung và lãnh đạo nữ nói riêng.

Trong buổi tọa đàm, gần 50 đại biểu đã thảo luận bàn tròn theo 4 nhóm chủ đề liên quan đến phụ nữ làm lãnh đạo ở trường (1. Các cán bộ nam của Nhà trường đã, đang và sẽ làm gì để chị em ULIS hạnh phúc? 2. Những thuận lợi và khó khăn của cán bộ nữ ULIS khi làm lãnh đạo. 3. Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình? 4. Các cán bộ nam mong muốn gì ở các lãnh đạo nữ của Nhà trường?). Thông qua phần báo cáo của đại diện, các nhóm đã trình bày quan điểm của mình về những nội dung cụ thể và cần quan tâm về việc lãnh đạo của cán bộ như: làm thế nào để cán bộ nữ trong trường được hạnh phúc, khó khăn khi nữ giới làm lãnh đạo, đề xuất chính sách hỗ trợ lãnh đạo nữ,…).

Phần thảo luận và trình bày thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi, vui vẻ, dí dỏm và thực chất. Các nhóm đều nhất trí lãnh đạo nữ đang giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của Nhà trường. Được tạo nhiều điều kiện để phát triển và hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên vẫn cần sự quan tâm của Nhà trường với các chính sách phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho các lãnh đạo nữ. Các đại biểu đều mong muốn Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động tương tự trong tương lai và cho rằng buổi tọa đàm sẽ góp phần tăng thêm hiệu quả của công việc, tiếp thêm động lực cho các cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo nữ ULIS nói riêng trong sự nghiệp phát triển Nhà trường

Trưởng và nguyên Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ

Kết thúc tọa đàm, Thường trực Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Dương Quỳnh Hoa đã thông báo kế hoạch hoạt động năm 2019. Trong năm tới, Ban tiếp tục hỗ trợ các cán bộ nữ qua các hoạt động chung của Nhà trường và phối hợp với Công đoàn trường tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề “Thầy Cô Tôi hát” dự kiến tổ chức vào tháng 3/2019.

Hình ảnh tại tọa đàm:

 

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media