Làm sáng tỏ hơn vị trí, vai trò và những thành tựu quan trọng của công tác tuyên giáo
(ĐCSVN) – Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học “Công tác Tuyên giáo của Đảng – 90 năm chặng đường vẻ vang – Thành tựu và Tầm nhìn”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, qua Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn vị trí, vai trò và những thành tựu quan trọng của công tác tuyên giáo.
Phản ánh toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về lịch sử truyền thống vẻ vang của Ngành
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 90 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài ngành Tuyên giáo. Các tham luận đã khái quát lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo 90 năm qua, khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ ngành tuyên giáo qua các thời kỳ; tổng kết, rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn quý báu, những nhiệm vụ và giải pháp, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 12 báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi. Các tham luận là kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn, rất tâm huyết đối với ngành Tuyên giáo trong những năm qua, đồng thời, tiếp cận nhiều thông tin mới và nhận thức mới. Mỗi tham luận thể hiện góc nhìn khác nhau, hợp thành bức tranh toàn cảnh, phản ánh toàn diện, đầy đủ và sâu sắc về lịch sử truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo, đáp ứng mục đích, yêu cầu Hội thảo đề ra.
Tổng hợp, khái quát một số vấn đề nổi bật mà các tham luận đã nêu ra, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, các tham luận đã khẳng định công tác tuyên giáo là một trong những công tác trọng yếu của Đảng, đóng vai trò đi trước – mở đường, đi cùng – phát triển đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc 90 năm qua, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã rất quan tâm đến công tác chính trị tư tưởng và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Các tham luận Hội thảo đã chỉ ra những thành tựu rất quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị của Đảng, kết tinh trong những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò đi trước, mở đường, đi cùng, tổng kết, phát triển của ngành Tuyên giáo.
Lịch sử đã chứng minh sức mạnh của công tác chính trị tư tưởng trong việc giác ngộ, tập hợp, tổ chức quần chúng, biến ý chí và tinh thần cách mạng thành sức mạnh vật chất, tạo nên các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nhiều bài tham luận đã khẳng định chặng đường phát triển đầy tự hào, cũng như nhiều đóng góp hết sức quan trọng của ngành Tuyên giáo đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong lịch sử hình thành và phát triển, Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các địa phương đã mang nhiều tên gọi, có những thời gian được xây dựng thành nhiều ban có các vị trí quan trọng khác nhau, như: Ban Tuyên huấn, Ban Văn hóa, Ban Nghiên cứu văn học, lịch sử, địa lý, Ban Khoa giáo, Ban Văn nghệ, Ban Tư tưởng – Văn hoá… Công tác tuyên giáo bao quát nhiều mặt trong lãnh đạo, quản lý đất nước và trong đời sống xã hội: nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền, cổ động; văn hóa – văn nghệ, báo chí – xuất bản, thông tin đối ngoại; giáo dục, khoa học, công nghệ, các vấn đề xã hội…
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo. |
Những đóng góp toàn diện, quan trọng của công tác tuyên giáo đã góp vào quá trình đổi mới tư duy, hình thành đường lối Đổi mới của Đảng; xây dựng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giáo dục, bồi dưỡng, xây đắp và củng cố niềm tin, định hướng giá trị, xây dựng thế giới quan khoa học cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy mọi người hành động tích cực, sáng tạo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trải qua quá trình phát triển, công tác tư tưởng, lý luận ngày càng được đẩy mạnh: tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tích cực đổi mới về nội dung và phương pháp học tập, tuyên truyền; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…; góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, có ý nghĩa quan trọng, toàn diện đối với công tác xây dựng Đảng.
Nhiều bài học kinh nghiệm quý
Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, từ những phân tích, đánh giá về thành tựu của Ngành Tuyên giáo, rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá về sự kiên định, kiên trung và kiên trì, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Nhiều tham luận đã phân tích, nêu lên những bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác tuyên giáo trong mọi hoàn cảnh. Đó là: Kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, khu vực và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể; Coi trọng công tác tổng kết thực tiễn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận, góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách, giải đáp kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới, bức xúc mà thực tiễn đặt ra; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác tuyên giáo; Làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng chính trị tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống giáo điều, cơ hội, xét lại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Gắn công tác Tuyên giáo với công tác tổ chức, cán bộ và phong trào quần chúng. Công tác tuyên giáo là công tác với con người, vì con người, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; Nêu cao vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, sự phối hợp thường xuyên của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội để huy động các nguồn lực trí tuệ, con người cho công tác tư tưởng của Đảng, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng.
Một số tham luận khẳng định các thế hệ cán bộ ngành Tuyên giáo là những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, nối bước nhau, kiên định và trung thành với mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn; sáng tạo trong giáo dục, tuyên truyền, cổ động nhân dân tin tưởng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hết lòng vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.
Nhiệm vụ của công tác tuyên giáo trong bối cảnh mới
Các tham luận đã chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên giáo trong bối cảnh mới khi thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn của toàn ngành Tuyên giáo. Từ đó, đề xuất những định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Hội thảo nhận được hơn 90 bài tham luận và 12 ý kiến trực tiếp. |
Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, cũng như yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, các tham luận đã đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới. Đó là phải: Tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị; Tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân; Góp phần trực tiếp hơn nữa trong giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định về bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, khoa giáo, báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại, văn hoá, văn nghệ, nắm bắt dư luận xã hội và góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm…
Từ những yêu cầu đặt ra cho ngành Tuyên giáo trong tình hình mới, các tham luận đã đề xuất những phương hướng, giải pháp tiếp tục đổi mới, sáng tạo để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả công tác tuyên giáo. Những định hướng, giải pháp được đề xuất tập trung vào các vấn đề: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo, kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc đã được khẳng định trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng; Gắn chặt công tác Tuyên giáo với thực tế đời sống, lấy thực tiễn làm gốc, đồng hành, tham gia trực tiếp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Chủ động dự báo và định hướng thông tin, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào các hoạt động tuyên giáo; Khẳng định: công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, các cấp, các ngành, không thể “khoán trắng”, “phó mặc” cho cơ quan tuyên giáo các cấp; Mong muốn cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Với nội dung phong phú, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, Hội thảo khoa học hôm nay đã góp phần làm sáng tỏ hơn vị trí, vai trò và những thành tựu quan trọng của công tác tuyên giáo đã đạt được trong 90 năm qua. Kết quả của Hội thảo thực sự là những đóng góp có ý nghĩa cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Ngành; củng cố và nâng cao trách nhiệm, khơi dậy lòng tự hào và niềm tin của đội ngũ làm công tác tuyên giáo vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, kính trọng và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy vĩ đại của Ngành Tuyên giáo, đồng thời tri ân công lao của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành Tuyên giáo như: các đồng chí Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Hà Xuân Trường, Trần Trọng Tân… Tấm gương của các đồng chí lãnh đạo tiền bối chính là động lực, khích lệ tinh thần, truyền thêm nhiệt huyết, thôi thúc sự dấn thân hành động trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động ngành Tuyên giáo, tiếp bước, cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc./.