“Không phải công nghệ mà chính giáo viên mới là những người hùng” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Không phải công nghệ mà chính giáo viên mới là những người hùng”

ULIS Media trân trọng giới thiệu bài phát biểu cảm nhận của bạn Vũ Quỳnh Anh về khóa Nghiệp vụ Sư phạm Ngoại ngữ khóa 2:

Kính thưa các thầy cô và các bạn sinh viên khóa Nghiệp vụ Sư phạm Ngoại ngữ khóa 2,

Em là Vũ Quỳnh Anh, sinh viên Văn bằng 2 VLVH ngành Ngôn ngữ Anh tại Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Là sinh viên ngoài chính quy duy nhất trong khóa học này, việc phát biểu đại diện cho các bạn sinh viên của khóa là một điều ngoài mong đợi đối với em. Tuy nhiên, em tin rằng mình không quá khác biệt so với bất cứ bạn sinh viên nào: chúng em đã cùng nhau vượt qua những khó khăn của chính mình, cùng học tập và thực hành, giúp đỡ nhau trong suốt hơn 3 tháng của khóa học này; và điểm chung lớn hơn cả những điều đó là một ước mơ và một niềm tin với nghề giáo–công việc vừa đẹp vừa khiêm nhường, và cần nhiều tình yêu thương.

Kính thưa các thầy cô và các bạn,

Được biết mình đạt kết quả cao nhất toàn khóa, cảm xúc đầu tiên trong em là lòng biết ơn đối với các thầy cô và các bạn, mà lời cảm ơn đầu tiên em xin dành cho cô Tạ Nhật Ánh. Em có duyên được học môn Tâm lí học Đại cương do cô Ánh giảng dạy trong chương trình Văn bằng 2, và đã yêu quý cô từ lần đầu tiên gặp cô trên giảng đường. Nếu không có cô, chắc chắn em đã không được biết tới khóa Nghiệp vụ Sư phạm này, và cũng không kịp ghi danh để trở thành một thành viên của khóa. Em vẫn còn nhớ như in cảm giác “gặp lại” cô Ánh trong bài giảng e-learning của học phần 1; dù thiết kế dạng thức blended của khóa học (online kết hợp offline) và mô hình lớp học đảo ngược làm cho chúng em ít được gặp các thầy cô hơn, nhưng chúng em luôn biết rằng các thầy cô luôn đồng hành với sự trưởng thành và học tập chuyên sâu của mình, và khuyến khích chúng em chủ động học tập, tìm tòi và đặt câu hỏi.

Lời cảm ơn tiếp theo em muốn dành cho các thầy cô Bộ môn Tâm lý Giáo dục học, Khoa Sư phạm Tiếng Anh và trường THCS Ngoại ngữ. Em sẽ ghi nhớ mãi những buổi thực hành đầy thực tiễn và nhiều niềm vui trong lớp học của cô Thắng, cô Ánh, thầy Giang, cô Diệu Linh và cô Nhung, những buổi thuyết trình về bài giảng các kĩ năng tiếng được cô Hà, cô Lan Anh, cô Thủy và cô Mai góp ý và chỉnh sửa từng li từng tí, cũng như những buổi kiến tập, giảng thử dưới sự hướng dẫn của các thầy cô tại Trường THCS Ngoại ngữ, trong đó có cô Huệ, cô Hương và cô Nguyệt. Nhờ có sự đồng hành và nỗ lực của các thầy cô, chúng em giờ đây đã gặt được ít nhiều thành công trong sự nghiệp giảng dạy mới chớm bắt đầu của mình, dù đó chỉ là một công việc dạy học bán thời gian, một tiết dạy phụ đạo hiệu quả, một buổi chữa bài tập có ý nghĩa với học sinh, hay một lời gửi gắm, một câu cảm ơn nho nhỏ từ học sinh hay cha mẹ các em. Đặc biệt, em xin gửi lời biết ơn chân thành tới cô Thắng – cô giáo trẻ nhất, khỏe nhất, vui nhất em từng gặp trên đời: Em cảm ơn cô đã có niềm tin ở em và động viên em phải ước mơ lớn hẳn cho “bõ” công sức bước vào ngành học thuật, phải vươn tới những môi trường học tập mới, và phải mạnh dạn mà cố gắng, dù mọi người vẫn quan niệm rằng con gái đã lập gia đình như em thì cần gì phải đi du học, hay làm nghiên cứu sinh để đạt tới bậc học tiến sĩ.

Và lời cảm ơn cuối cùng, mình sẽ dành tới các bạn “đồng môn” yêu quý, những người đã đồng hành vượt qua từng bài tập nhóm, từng buổi thuyết trình cùng mình; cùng nhau lên lịch làm bài, tập thuyết trình, “nhắc vở” những mục kiến thức dễ nhầm khó thuộc và cùng hoàn thiện lẫn nhau. Nếu không có các bạn, chắc chắn mình sẽ không thể có được kết quả như hôm nay.

Các thầy cô và các bạn thân mến,

Em biết rằng với nhiều bạn ở đây thì trở thành giáo viên ngoại ngữ là niềm đam mê ấp ủ từ lâu, với nhiều bạn thì đó như một mối duyên, hay có thể là một lựa chọn–hoặc không. Nhưng tất cả chúng ta đều có chung một mục đích tìm kiếm bản ngã của chính mình, cùng nhau kiến tạo cơ hội, cùng nhau lan tỏa tri thức và tinh thần học tập.

Những gì chúng em được học và thực hành qua 4 học phần cùng các thầy cô Bộ môn Tâm lý – Giáo dục học, Khoa Sư phạm Tiếng Anh và Trường THCS Ngoại ngữ là hành trang quý giá chúng em sẽ mang theo khi dấn bước vào nghề giáo. Nhưng em tin rằng sự nghiệp này đòi hỏi từ những người thầy/cô tương lai chúng em nhiều hơn thế: thầy cô không thể lặp lại những kiến thức đã được chứng minh là đúng suốt hàng trăm năm như một cái máy, mà thay vào đó, cần dạy cho học sinh cách đặt câu hỏi, cách lật ngược những kiến thức, niềm tin và quan niệm xưa cũ để cân nhắc những góc nhìn và những khả thể khác. Việc học ngoại ngữ không chỉ là học cách nghe-nói-đọc-viết theo đúng quy tắc ngữ pháp và sử dụng lượng từ vựng đồ sộ; mà học ngoại ngữ chính là để hiểu được rằng có quá nhiều điều chúng ta không biết rằng chúng ta chưa biết, có quá nhiều khả thể tồn tại song song với những gì ta đã nghe lặp lại suốt cả đời mình. Và là một giáo viên, dù ở bất kì bộ môn nào, chúng ta cũng cần rất nhiều sự nhạy cảm, tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và sự thấu hiểu đối với học trò – những điều mà chính học trò sẽ là người dạy cho chúng ta, những người thầy, người cô, để chúng ta thực hiện tròn trịa hơn sứ mệnh của mình.

Dưới bối cảnh dịch bệnh, công việc của những người thầy, người cô của chúng ta trên giảng đường và công việc giảng dạy của chính chúng ta – những giáo viên tương lai – đang bị thách thức hơn bao giờ hết. Điều không thể bàn cãi là rất nhiều giáo viên ở mọi học khu trên cả nước và trên thế giới đã nắm bắt và sử dụng được những ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học mà họ không có trước đại dịch. Tuy nhiên, theo công bố chính sách của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) về hợp lý số hóa: “Môi trường học tập tối ưu không thể thiếu công nghệ nhưng cũng không được hoàn toàn trực tuyến cũng như thiếu sự tương tác của giáo viên và đồng nghiệp”. Công việc toàn thời gian đầu tiên em có được sau khi hoàn thành khóa học Nghiệp vụ Sư phạm Ngoại ngữ là vị trí giảng dạy tiếng Anh và chủ nhiệm lớp 20 học sinh tại một trường cấp 2 tư thục, khi đó công việc dạy và chủ nhiệm lớp được thực hiện hoàn toàn trực tuyến là một thách thức vô cùng lớn đối với em, mà trong đó khó khăn lớn nhất là sự kết nối giữa em và học sinh của mình. Chỉ trong một học kì ngắn ngủi, đã có học sinh nhắn tin tâm sự với em về sự bí bách em ấy đang trải qua khi cả gia đình phải cùng ngồi học tập và làm việc trong một không gian hẹp trong giai đoạn giãn cách xã hội, cũng đã có học sinh kể rằng em ấy quá căng thẳng và muốn tự tử vì phải học online quá lâu dài và không được tiếp xúc với thầy cô và các bạn. Từ đó em nhận ra rằng, không phải công nghệ, mà chính giáo viên mới là những người hùng.

Khóa học Nghiệp vụ Sư phạm Ngoại ngữ của chúng ta bắt đầu khi dịch bệnh đã tạm ổn định và chúng ta có thể gặp nhau mỗi ngày thứ 7 cuối tuần để thực hành; và cũng như thế, khóa học kết thúc với một tuần thực tập trực tiếp đầy ý nghĩa tại Trường THCS Ngoại ngữ. Vậy nhưng chúng ta buộc phải tổ chức lễ tổng kết khóa học qua Zoom do dịch bệnh lại trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, em tin rằng điều đó không làm buổi lễ mất đi ý nghĩa của nó trong lòng chúng em, mà trái lại, chúng em sẽ càng phải suy nghĩ sâu sắc hơn về những gì chúng em cần phải phấn đấu trong tương lai rất gần, để có thể trở thành những nhà giáo có năng lực làm nghề và luôn dũng cảm trước bất cứ thử thách nào trong những tháng ngày sắp tới.

Thay cho lời kết, thay mặt sinh viên khóa Nghiệp vụ Sư phạm Ngoại ngữ khóa 2, em xin kính chúc tất cả những người thầy cô kính yêu và những người thầy cô tương lai luôn mạnh khỏe, bình an, và chân cứng đá mềm.

Em xin trân trọng cảm ơn.