Khoa học và Cảm xúc
Sáng ngày 18/3, bộ môn Giáo dục khai phóng tổ chức tọa đàm cho sinh viên đang học môn Trí tuệ cảm xúc va Giao tiếp xã hội học kỳ mùa Xuân. Tọa đàm lần này có chủ đề “Biết yêu thương để trưởng thành” với sự có mặt của các diễn giả vừa có chuyên môn cao vừa có những trải nghiệm sống giá trị. Key-note speaker của tọa đàm chính là PGS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Như lời giới thiệu của thầy Hoàng Hải, đây là lần đầu tiên thầy nói chuyện cho đối tượng sinh viên và về một chủ đề không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành Vật lý của thầy, và thầy sẽ nói sao cho các bạn có thể tiếp cận dễ nhất, trên nền tảng những kiến thức vật lý, hóa học và sinh học bậc phổ thông. Thế rồi các cô giáo và các em sinh viên đã bị cuốn đi bởi dòng kiến thức và thông tin mà thầy sắp xếp và chuyển tải vừa sâu sắc vừa hóm hỉnh. Những nội dung được đưa vào môn học Trí tuệ cảm xúc, đặc biệt trong Module 1- Nhận diện bản thân và quản trị bản thân, trong đó có nhận diện và quản trị, chuyển hóa cảm xúc, đã được nhìn từ góc độ khoa học thật thú vị và đầy thuyết phục.
Hóa ra cảm xúc chính là các tín hiệu điện mà cơ thể tiếp nhận được thông qua các giác quan, hay các tế bào thần kinh cũng hoạt động dựa trên nguyên tắc số đông, ví dụ nểu bị đinh đâm vào chân chảy máu nhưng phía trước có ô tô lao tới, thì các tế bào thần kinh sẽ bỏ phiếu rất nhanh là chạy đi để tránh (một nguy cơ chưa xảy ra) thay bằng việc đứng lại cố rút cái đinh khỏi chân (một nguy cơ đang hiện hữu). Và các quyết định được đưa ra “trong mỗi sát na” của đời người này được vận hành dựa trên việc các chất dẫn truyền thần kinh gửi tín hiệu kích thích hoặc ức chế các tế bào thần kinh, các tín hiệu kích thích thì nhiều hơn, nhưng các tín hiệu ức chế lại gần “trung ương” hơn, chắc để quá trình ra quyết định chính xác hơn. Có những thông tin thú vị như con người chúng ta không được tự quyết cho sự sống hay cái chết của các tế bào cơ thể mình, mà chính là do một vi khuẩn “ngoại lai” xâm nhập vào tế bào, gọi là “ti thể”.
Công thức “agent + mindfulness = mindful response” mà các cô đưa vào môn học TTCX cũng được thầy Hoàng Hải minh họa một cách rất dễ hiểu. Tại sao mình không thể có quyết định đúng đắn và quản trị cảm xúc của mình nếu không thực sự hiểu mình. Và để có không gian cho sự hiểu thấu đáo ấy, thì mình cần dừng lại và thấu hiểu đổi phương, trước khi ra quyết định ứng xử thế nào. Ví dụ của thầy là gặp 1 người lạng lách đánh võng trên đường rồi còn gây hấn (chắc là kiểu “mù à?” “đi kiểu gì thế”) thì mình chọn phản ứng ngay mắng/quát/muốn đánh… hay ngừng lại để hiểu có khi người kia đang vội về có người nhà cấp cứu… thì mình sẽ có thể bao dung hơn. Ở bậc thấu cảm cao hơn nữa, mình hiểu người kia cũng là 1 phần trong mình, như chai nước kia chứa những phân tử hydro hay oxy đã từng có trong hàng nghìn hàng triệu người sống trên trái đất từ hàng trăm nghìn năm qua…
Ở phần hỏi đáp, có một câu hỏi rất hay là cảm xúc có di truyền không? Thì thầy trả lời là có, tuy nhiên có 1 loại gen là “biểu sinh” chịu sự tác động của môi trường, nên sẽ giúp chúng ta thay đổi nếu có sự thay đổi về bối cảnh sống.
Còn rất nhiều thông tin và câu chuyện vừa khoa học vừa gần gũi với đời sống nữa, nhưng điều đáng trân trọng nhất trong phần giảng của thầy Hoàng Hải là những góc nhìn trí tuệ và khoa học, khiến nhóm giảng viên Giáo dục khai phóng thêm tự tin về những lựa chọn nội dung và cách tiếp cận trong phương pháp truyền đạt các môn học mới, trong đó có Trí tuệ cảm xúc và Giao tiếp xã hội. Những môn học vừa cung cấp những nội dung đã được kiểm nghiệm qua không gian và thời gian, vừa giúp kết nối thế giới nội tâm của người học, giúp họ xây dựng nội lực vững vàng để sẵn sàng ứng phó với những thách thức và thay đổi trên bình diện toàn cầu. Mong một dịp gần nhất, cộng đồng chuyên môn Giáo dục khai phóng và giảng viên ĐHNN quan tâm, sẽ được nghe thêm các bài nói về những nghiên cứu và thực hành giảng dạy mới nhất của PGS. Nguyễn Hoàng Hải.
Tác giả: TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng Bộ môn Giáo dục Khai phóng