Hội thảo “Mô hình học cùng cộng đồng (CEL/SL)” tại Trường Đại học Ngoại ngữ
Trong hai ngày từ 23 đến 24/1/2021, tại hội trường Vũ Đình Liên đã diễn ra Hội thảo “Mô hình học cùng cộng đồng (CEL/SL)” tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Tham dự hội thảo có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh; Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Đào tạo; các cán bộ, giảng viên và giáo viên quan tâm. Về phía nhà tài trợ và khách mời có đại diện Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) và các diễn giả.
Mô hình Học cùng cộng đồng – Community-Engaged Learning (CEL) hoặc Service Learning là một phương pháp dạy và học kết hợp với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, thông qua sự hướng dẫn của người dạy và sự tự phản ánh (Reflection) của người học, làm giàu thêm những trải nghiệm học tập và xây dựng trách nhiệm công dân và làm vững mạnh cộng đồng.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích: Giới thiệu những ứng dụng mô hình CEL/SL; Tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên về ứng dụng mô hình CEL/SL trong giảng dạy, nghiên cứu và thực hiện dự án; Giao lưu, kết nối, mở rộng mạng lưới CEL/SL; Thảo luận, xây dựng hướng phát triển của Liên minh các trường đại học tham gia mô hình Học cùng cộng đồng tại Việt Nam (CELA) trong tương lai.
Đại diện nhà tài trợ, ông Đôn Tuấn Phương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững (CSDS) khẳng định “Mô hình học cùng cộng đồng (CEL/SL)” rất phù hợp ứng dụng tại các trường đại học. Với mô hình này, cộng đồng được lợi, giảng viên được trải nghiệm, người học được tiếp cận thực tế và thực hành để phát triển kỹ năng cần thiết. Trùng hợp với khẩu hiệu của ULIS là “Cùng nhau kiến tạo cơ hội”, mô hình tối ưu hóa các cơ hội cho giảng viên, sinh viên. Ông hy vọng tất cả các thầy cô sẽ cùng nhau tạo ra hệ sinh thái để đồng hành xây dựng mạng lưới thúc đẩy việc áp dụng mô hình CEL/SL, góp phần đổi mới nền giáo dục đại học tại Việt Nam.
Đại diện Trường Đại học Ngoại ngữ, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết hội thảo nằm trong định hướng đổi mới giảng dạy của Nhà trường, nhằm làm mới những môn học đã có và tạo nên sự khác biệt cho các em sinh viên ULIS. Đây là mô hình đúng đắn, phù hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ và hy vọng qua hội thảo, các thầy cô có thể biết cách lồng ghép mô hình này vào chương trình giảng dạy.
Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nhắn nhủ các thầy cô: “Hãy biến giờ giảng của chúng ta thành những tiết học thực sự được sinh viên mong chờ”.
Chương trình hội thảo được chia làm 2 phần. Trong phần hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các bài trình bày về chủ đề “Mô hình Học cùng Cộng đồng (CEL/SL) trên thế giới và Việt Nam” và “Ứng dụng mô hình Học cùng cộng đồng (CEL/SL) tại các trường đại học Việt Nam” do các báo cáo viên ngoài trường có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực CEL/SL chia sẻ. Những kiến thức được chia sẻ là các khái niệm, kinh nghiệm và ví dụ ứng dụng vào thực tiễn đầy giá trị.
Tổng quan service-learning/ community engaged-learning – ThS. Trần Thị Thanh Hương, GĐ Trung tâm Vietnam Campus Engage (VCE)
Ứng dụng mô hình Học cùng cộng đồng (CEL/SL) tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng – ThS. Phan Trần Kiều Trang, GĐ Trung tâm CELC-DAU
Service Learning và một số ứng dụng thực tiễn trong dạy và học tại Bộ môn Giáo dục toán học – ThS. Phan Nguyễn Ái Nhi, Trưởng nhóm nghiên cứu SL-STEAM – Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM
Ứng dụng CEL vào giảng dạy học phần tiếng Anh và lợi ích nghề nghiệp đối với người học – ThS. Nguyễn Trần Lan Chi, Phó phòng KHCN&HTQT – DAU
Nghiên cứu mô hình tích hợp Service Learning phù hợp cho sinh viên chuyên ngành Quan hệ công chúng – ThS. Hoàng Mi, Trưởng Ngành CNTT – Khoa QHCC&TT – UEF
Giới thiệu kế hoạch hỗ trợ của IrishAid và Trung tâm CSDS cho hoạt động phát triển CEL/SL tại các trường Đại học Việt Nam – Ông Đôn Tuấn Phương – GĐ Trung tâm CSDS
Phần 2 là chương trình tập huấn dành cho các đại biểu. Trong đó, các thầy cô đã được tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng và giao lưu kết nối như: Phân tích các mẫu syllabus môn học/chương trình SL/CEL; Hướng dẫn 6 bước xây dựng đề cương hoạt động CEL/s; Chọn định hướng và xây dựng mục tiêu, đầu ra; Làm việc với cộng đồng và điều chỉnh mục tiêu – Tình huống giả định. Các bài tập nhóm cùng hoạt động thảo luận là cơ hội để các đại biểu cùng học tập, chia sẻ góc nhìn và giúp đỡ lẫn nhau.
Chương trình Hội thảo “Mô hình học cùng cộng đồng (CEL/SL)” tại Trường Đại học Ngoại ngữ diễn ra trong 2 ngày với khoảng 80 đại biểu tham dự.
Một số hình ảnh khác:
ULIS Media