Hội thảo khoa học quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm 2023 (2023 IGRS)
Ngày 29/10/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm 2023 (International Graduate Research Symposium – 2023 IGRS).
Đây là chương trình thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu ở bậc đào tạo sau đại học, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu, và công bố các nghiên cứu cho học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Với mong muốn hội tụ, kết nối và đáp ứng rộng rãi hơn các học viên, giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, hội thảo năm nay được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp tại trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.
Tham dự hội thảo có đại diện ĐANNQG, ĐHQGHN, các trường đối tác. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cùng đại diện các đơn vị, lãnh đạo và cán bộ Khoa Sau Đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh, học giả đến từ nhiều trường đại học trong nước và nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết hội thảo IGRS là diễn đàn tổng hợp và công bố những kết quả đạt được sau thời gian dài nghiên cứu, khai thác, và chia sẻ, thảo luận về các nghiên cứu mới của nhiều vấn đề liên quan tới ngôn ngữ học, giáo dục học hay những vấn đề xã hội khác của các học viên cao học, nghiên cứu sinh. Phó Hiệu trưởng cũng tin rằng đây cũng là cơ hội vàng để Trường Đại học Ngoại ngữ được kết nối và hợp tác với các trường đại học khác trên thế giới, đồng thời cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên và học viên được tiếp cận và nâng cao hiểu biết về các vấn đề học thuật quốc tế, cũng như trên toàn thế giới. PGS.TS. Lâm Quang Đông hy vọng rằng với sự chuẩn bị kỹ càng và tận tâm của các báo cáo viên; sự cống hiến hết mình của Ban Tổ chức, sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Đại học Quốc gia Hà Nội có thể kiến tạo nên một 2023 IGRS thành công và tốt đẹp, dần dần gây dựng nên tiếng vang tới khu vực và trên quốc tế.
Phát huy thành công của các hội thảo trước đó, hội thảo IGRS năm nay tập trung vào chủ đề giáo dục, ngôn ngữ học, xã hội và các vấn đề khác.
Trong phiên toàn thể có phần báo cáo của 4 diễn giả. Với báo cáo “Tranh biện về khái niệm bản sắc ngôn ngữ và sự cố chấp của quan niệm phát âm chuẩn mực” (Contesting Linguistic Identities and the Persistence of Standardised Pronunciation), TS. Raqib Chowdhury (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Monash, Australia) đã trình bày về vấn đề tiếng Anh “chuẩn mực” ở các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, như Việt Nam là ví dụ điển hình. Bài thuyết trình thảo luận về cách thức phương tiện truyền thông chính thống và xã hội (phi chính thống), cũng như giáo dục chính quy củng cố áp lực tuân theo cách phát âm chuẩn và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhân dạng của người học ngôn ngữ như thế nào. Thông qua các ví dụ dân tộc ký và đối chiếu giai thoại từ những chuyến du lịch, TS. Raqib Chowdhury quan niệm rằng với tư cách là những nhà giáo dục ngôn ngữ, bên cạnh việc học ngôn ngữ và văn hóa tiếng Anh, chúng ta phải có trách nhiệm làm cho người học nhận thức và giữ gìn bản sắc ngôn ngữ và văn hóa đất nước của họ.
Đến với hội thảo, TS. Edwin Creely (Đại học Monash, Melbourne, Australia) đã có bài báo cáo “Khả năng, hạn chế và nguy cơ của trí tuệ nhân tạo cải biến tạo sinh trong việc học ngôn ngữ và thực hành các kỹ năng ngôn ngữ” (The possibilities, limitations, and dangers of generative AI in language learning and literacy practices). Báo cáo tập trung phân tích những khả năng cải biến của các công cụ học ngôn ngữ do AI điều khiển, góp phần cải thiện quá trình học ngôn ngữ và nâng cao khả năng ngôn ngữ cho người học. Tuy nhiên, cũng cần bàn tới rất nhiều điểm hạn chế của AI tạo sinh trong giáo dục ngôn ngữ. Trên tinh thần hiểu rõ về những bất cập của AI tạo sinh trong việc học ngôn ngữ, báo cáo cũng đề xuất một số gợi ý để giải quyết các vấn đề về đạo đức. Thông qua việc phân tích cụ thể từng lợi ích, hạn chế và các nguy cơ của AI tạo sinh trong việc học ngôn ngữ, TS. Edwin Creely đã nêu bật những vấn đề cần lưu ý trong quá trình tích hợp AI tạo sinh, hướng tới một cách tiếp cận hài hòa nhằm tối đa hóa lợi ích của AI trong giáo dục ngôn ngữ, đồng thời giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn và thúc đẩy xu thế giáo dục ngôn ngữ hòa nhập và có trách nhiệm trong kỷ nguyên số do trí tuệ nhân tạo điều khiển.
“Chương trình và cải cách chương trình: Chất vấn và định hướng chương trình giảng dạy để thúc đẩy công bằng xã hội và kết quả học tập” (Curriculum and curriculum reform: Interrogating and navigating curriculum to promote social equity and learning outcomes) là chủ đề phần chia sẻ của PGS.TS. Melissa Barnes (Trường Đại học Giáo dục – Đại học La Trobe, Australia). Diễn giả cho biết vấn đề xoay quanh nguyên nhân chương trình nói chung và chương trình giảng dạy ngôn ngữ nói riêng luôn gây tranh cãi, cùng lý do một số lĩnh vực kiến thức được coi là “có sức ảnh hưởng mạnh mẽ”, còn những lĩnh vực khác lại bị bỏ ngỏ. Đặc biệt, nghiên cứu cũng đưa ra một số đề xuất cho giáo viên và các nhà nghiên cứu xem xét và định hướng cho công tác xây dựng, cũng như cải cách chương trình nhằm thúc đẩy công bằng xã hội và nâng cao kết quả học tập.
Báo cáo “Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh: Khả năng hỗ trợ của Khung 4 cấu phần của Nation” (Stepping up the quality of English language teaching: How can Nation’s 4-strands framework help?) của PGS.TS. Jonathan Newton (Đại học Victoria Wellington) đã đem đến một góc nhìn mới về lý thuyết và thực tiễn trong chương trình giảng dạy Tiếng Anh dựa trên Khung 4 cấu phần của Nation (2007). Đồng thời, xuyên suốt báo cáo, diễn giả đã phác thảo và minh họa Khung cấu phần, cũng như định hướng phương thức sử dụng và tối ưu hóa, phối kết hợp giữa học tập trên lớp và tự học tại nhà. Ngoài ra, báo cáo viên cũng cung cấp thông tin về tiếng Anh như một phương tiện giảng dạy (EMI), phương pháp dạy học tích hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL) và các đường hướng dạy học dựa trên nhiệm vụ và dựa trên dự án trong việc giảng dạy ngôn ngữ.
Ngoài phiên toàn thể, các đại biểu đã có cơ hội tham gia và lắng nghe báo cáo, trao đổi tại 11 tiểu ban song song với 123 báo cáo được lựa chọn trình bày.
Các báo cáo khoa học có nội dung đa dạng và phong phú, tập trung vào nhiều lĩnh vực cụ thể như: ngôn ngữ học, giảng dạy ngôn ngữ cho người học ở các cấp học, cải tiến phương pháp dạy-học ngoại ngữ, quốc tế học, tâm lý học, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ, công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ, ứng dụng trong dạy học ngôn ngữ học, văn hoá và dịch thuật… đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy và học tập cũng như trao đổi khoa học trong bối cảnh toàn cầu hóa và việc tích cực hội nhập quốc tế của đất nước.
Tham dự 2023 IGRS với vai trò báo cáo viên, Nguyễn Thị Ngọc Mai cho biết cô đánh giá cao sự nâng cấp và đầu tư về quy mô, chất lượng hơn trong việc tổ chức chương trình cũng như phần nội dung của các báo cáo. Đặc biệt với vấn đề ngôn ngữ học mà bản thân đang tìm hiểu, cô nhận định các bài tham luận đã đưa ra lời giải đáp về những thắc mắc đang bỏ ngỏ, và cần được tìm hiểu sâu, khai thác kỹ.
IGRS là hoạt động dành cho người học, công tác tổ chức phần lớn do học viên cao học và nghiên cứu sinh thực hiện. Khẩu hiệu hành động của ULIS “Creating Opportunities Together – Cùng nhau kiến tạo cơ hội” và chủ trương “Entrusting Graduate Students with IGRS organization – Trao việc tổ chức hội thảo cho chính học viên cao học và nghiên cứu sinh” của lãnh đạo Nhà trường đã được “nhất hô bá ứng – One Call, All Support”, và chính họ – học viên cao học và nghiên cứu sinh đã làm nên thành công của hội thảo quốc tế thường niên này.
Hội thảo 2023 IGRS khép lại sau một ngày làm việc tích cực và sôi nổi. Qua đây, nhiều học viên, nghiên cứu sinh đã được tiếp cận và lắng nghe nhiều vấn đề nghiên cứu khác nhau và đúc kết nhiều kiến thức mới.
Trước đó, cũng trong hai ngày 27-28/11/2023, Ban Tổ chức đã tổ chức nhiều hoạt động tiền hội thảo với những thông tin bổ ích về nghiên cứu, giảng dạy được các diễn giả trong và ngoài nước chia sẻ.
Một số hình ảnh khác:
Xem thêm ảnh tại ĐÂY.
Hương Giang-Đình Hưng-Phương Anh-Kiều Vân/ĐSTT