Học tiếng Ả Rập để lập nghiệp
TTO – Biết thêm một ngôn ngữ là sống thêm một cuộc đời. Đối với nhiều bạn sinh viên trẻ ở Hà Nội, học ngôn ngữ Ả Rập, một trong những ngoại ngữ khó nhất thế giới, còn mở ra cho họ rất nhiều cơ hội.
“Trước khi đến Việt Nam, tôi không nghĩ rằng đất nước các bạn có nhiều sinh viên theo học tiếng Ả Rập đến vậy.”—Giảng viên MUSTAFA HELIL.
Nhiều lựa chọn nghề nghiệp
Tiếng Ả Rập có thể được coi là tiếng “hiếm” ở Việt Nam bởi số lượng người Việt Nam biết tiếng Ả Rập không nhiều. Trong số những bạn trẻ hiếm hoi học tiếng Ả Rập và đạt được những thành công ban đầu có bạn Phạm Thị Thùy Vân, 29 tuổi.
Năm 2007, Vân quyết định thi vào ngành Ngôn ngữ Ả Rập thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội với lý do Ả Rập là ngôn ngữ hiếm và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
“Thời điểm đó, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Ả Rập rất ít. Gia đình, bạn bè của tôi lúc đó không biết nhiều về Ả Rập. Họ chỉ biết người phụ nữ Ả Rập bịt mặt từ đầu đến chân. Gia đình tôi cũng nghĩ đơn giản rằng thi vào khoa này dễ đỗ đại học” – Vân cười kể.
Cô gái quê Thái Nguyên cho biết trong hai năm đầu tại trường đại học, những sinh viên như cô tập trung rèn luyện bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. Hai năm cuối thì tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, và biên – phiên dịch.
Xen kẽ bốn năm học đại học, nhiều sinh viên được cấp học bổng toàn phần một năm để học tập tại các nước Ả Rập nhằm rèn luyện kỹ năng phản xạ qua giao tiếp với người bản địa. Riêng Vân được học bổng một năm đi học ở Ai Cập niên học 2009-2010 và tham dự một khóa học được tài trợ toàn phần ở Oman trong hai tháng vào năm 2015.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Vân quyết định ở lại trường làm giảng viên tại Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập vì một phần được trường giữ lại nhờ kết quả học tập tốt và một phần thấy công việc giảng dạy ổn định, phù hợp với phụ nữ và có địa vị xã hội.
Vân nói đến nay đã có khoảng 200 người tốt nghiệp đại học Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, và ước lượng 80% trong số đó làm các công việc có liên quan đến tiếng Ả Rập như làm cán bộ nhà nước ở Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao (Vụ Trung Đông – châu Phi), sứ quán các nước Ả Rập ở Việt Nam, một số làm việc cho các hãng hàng không Ả Rập, các công ty, khách sạn… Ngoài ra, sứ quán các nước Ả Rập thường lưu danh sách những người Việt giỏi tiếng để thuê làm phiên dịch trong các sự kiện với mức phí từ 50-70 USD/ngày.
Vân cho biết hầu như mỗi năm cô đều đi một quốc gia Ả Rập do các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và thế giới Ả Rập ngày càng nhiều, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay.
“Ví dụ như cách đây hai năm, tôi dẫn một đoàn sinh viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập sang Qatar dự một cuộc thi hùng biện tiếng Ả Rập. Tất cả chi phí, trong đó có khách sạn 5 sao, đều do Qatar tài trợ” – Vân kể.
Nhu cầu học tiếng Ả Rập ngày càng tăng
Theo ông Nguyễn Quang Khai – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông, nhằm góp phần tăng cường giao lưu với các nước Hồi giáo, năm 1996 Chính phủ Việt Nam đã cho phép tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Ả rập tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU).
Nguyễn Linh Chi, giáo viên đang giảng dạy tại Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, cho biết ngành ngôn ngữ Ả Rập là một ngành đặc thù. Trước đây, cách 3, 4 năm mới tuyển sinh một khóa, mỗi khóa một lớp với 20-25 sinh viên. Do nhu cầu ngày càng tăng nguồn nhân lực biết tiếng Ả Rập, năm học 2017-2018, Nhà trường quyết định tuyển sinh thường niên để nâng cao số lượng sinh viên – người học tiếng Ả Rập.
Cô giáo Linh Chi chia sẻ rằng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập có quan hệ tốt và thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của nhiều đại sứ quán các nước Ả Rập tại Việt Nam. Hằng năm, chính phủ các nước Ả Rập cung cấp khá nhiều học bổng cho sinh viên đi học tiếng Ả Rập tại nước ngoài. Có rất nhiều học bổng khác nhau như học bổng học một năm tại các trường đại học Ai Cập, Kuwait, Qatar; học bổng học hai tháng cho đến bốn năm tại Vương quốc Oman, học bổng bốn tháng tại UAE…
Ngoài ra, với sự giúp đỡ của Chính phủ Ai Cập, hằng năm đều có chuyên gia người Ai Cập đến giảng dạy tại trường và nâng cao trình độ chuyên môn của các giáo viên Việt Nam. Bên cạnh đó, các Đại sứ quán cung cấp sách, tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy tiếng Ả Rập, cho phép sinh viên thực tập tại Đại sứ quán, mời sinh viên tham gia các sự kiện do đại sứ quán tổ chức nhằm giúp sinh viên có thêm cơ hội giao tiếp, làm quen với phong tục tập quán Ả Rập.
Trường Giang, sinh viên năm 2 Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, cho biết: “Càng tìm hiểu và học tập chuyên sâu, chúng tôi càng thêm yêu thứ tiếng đặc biệt này và càng khám phá ra những khía cạnh mới lạ của con người và văn hóa Ả Rập”.
Còn Phạm Thị Vui và Lưu Phương Anh, hai nữ sinh viên của Bộ môn được trao học bổng Chính phủ Kuwait năm 2017-2018, chia sẻ: “Đa phần chúng tôi đều nghĩ Ả Rập là thế giới của dầu mỏ, siêu xe và trang phục bịt kín người, nhưng từ khi mắt thấy tai nghe, chúng tôi mới vỡ lẽ ra nền văn hóa của họ rộng lớn hơn nhiều…”.
Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Thùy Vân cho biết điều cô quý nhất về các nước Ả Rập chính là tấm lòng hiếu khách của người dân: “Trong thời gian học ở Oman, tôi hầu như không bao giờ đi xe buýt hay taxi mà chỉ đi nhờ người dân trên đường.
Có lần, tôi vẫy xe đi nhờ và gặp hai bố con người Oman. Họ đưa tôi về nhà mời ăn bánh và uống trà, sau đó đưa tôi về ký túc xá. Người Ả Rập rất quý người nước ngoài và nếu tin tưởng ai, họ sẽ tin tưởng tuyệt đối” – Vân kể.
Ngôn ngữ linh thiêng của Hồi giáo
Tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức tại 22 quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước phát triển như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait, Qatar… và được xem là ngôn ngữ linh thiêng của Hồi giáo.
Ả Rập là ngôn ngữ lớn nhất trong nhóm gốc Semit của hệ ngôn ngữ Á – Phi, một trong sáu ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất thế giới gắn liền với Hồi giáo và được sử dụng trong kinh Koran.