Hạnh phúc lớn nhất là được đứng trên bục giảng – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hạnh phúc lớn nhất là được đứng trên bục giảng

Phan Thị Ngọc Lệ là một gương mặt giảng viên trẻ nổi bật tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Xuất sắc bảo vệ luận án Tiến sĩ trước thời hạn ở tuổi 29, cô đã được Nhà trường khen thưởng tại Hội nghị giao ban quý IV/2017. Cô cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2018 cho cán bộ trẻ có thành tích xuất sắc trong công tác.

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với nữ giảng viên tận tâm này nhé.

PV: Bạn có thể giới thiệu đôi điều về bản thân?

Chào bạn, mình tên là Phan Thị Ngọc Lệ. Hiện nay mình đang công tác tại Bộ môn Xã hội Nhân văn, Khoa Tiếng Anh, ULIS. Đam mê của mình là được đi dạy để hàng ngày gặp gỡ học trò, trao đổi truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên. Ngoài ra, mình cũng rất thích đọc sách và nghiên cứu những lĩnh vực mình quan tâm.

PV: Chia sẻ về những hoạt động công tác trong năm 2018 để được ghi nhận là một trong các gương mặt trẻ tiêu biểu của ĐHQGHN?

Trong năm 2018 vừa qua, mình đã luôn trau dồi kiến thức để mỗi một giờ lên lớp luôn tạo một không khí vui vẻ, gần gũi với học sinh để các em có thêm đam mê và hứng thú trong việc học tiếng Anh. Ngoài tham gia giảng dạy, thì mình cũng tích cực nghiên cứu để tham gia các hội thảo và đăng bài trên các tạp chí trong và ngoài nước.

Năm 2018, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm nghiên cứu. Bên cạnh đó, các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Anh Văn (nay là ba khoa Sư phạm tiếng Anh, Khoa Tiếng Anh và Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Các nước nói tiếng Anh) cùng với việc Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài xuất bản đều đặn 6 số đã tạo cơ hội cho mình và các giảng viên trẻ dễ dàng tiếp cận các hoạt động nghiên cứu khoa học. Khoa Tiếng Anh cũng là đơn vị tích cực trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Mình nghĩ rằng những nghiên cứu này sẽ giúp mình tích lũy được thêm vốn kiến thức và kinh nghiệm để giúp cho việc giảng dạy của mình mỗi ngày được tốt hơn.

PV: Cảm xúc của bạn khi được nhận danh hiệu này?

Mình cảm thấy vô cùng tự hào khi được nhận danh hiệu này vì đây là một sự nỗ lực của cá nhân mình trong suốt những năm công tác tại trường. Bên cạnh đó, mình cũng nhận được sự cổ vũ rất lớn từ các đồng nghiệp trong trường. Có thể nói, danh hiệu này là một động lực giúp cho mình phấn đấu hơn trong việc giảng dạy và nghiên cứu sau này.

Cô Phan Thị Ngọc Lệ tại Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHQGHN năm 2018

Cô Pham Thị Ngọc Lệ được khen thưởng tại Hội nghị giao ban công tác quý IV/2017

PV: Chia sẻ quá trình gắn bó với ULIS?

Mình đã có một quãng thời gian gắn bó lâu dài với ULIS. Ngay từ khi còn là một cô bé học cấp 2, mình đã ấp ủ giấc mơ được trở thành học sinh tại mái trường cấp 3 Chuyên Ngoại ngữ. Và sau nhiều năm cố gắng, điều đó đã trở thành hiện thực khi mình nhận được giấy báo đỗ vào trường cấp 3 Chuyên Ngoại Ngữ với số điểm rất cao vào năm 2003. Chính mái trường Chuyên ngữ đã nuôi nấng cho mình giấc mơ trở thành sinh viên ngành Sư phạm và trở thành một giảng viên ULIS sau này. Có thể nói, 15 năm gắn bó với ULIS khiến cho mình càng thêm yêu mái trường này. Và mình luôn tự nhủ với bản thân là luôn phải học hỏi, trau dồi kiến thức để cống hiến cho mái trường ULIS được nhiều hơn nữa.

PV: Bạn có thể chia sẻ đôi chút về luận án Tiến sĩ của mình được không?

Đề tài luận án của mình có tên là Nghiên cứu ảnh hưởng tiêu cực của khác biệt ngữ pháp giữa tiếng Việt và tiếng Anh đến diễn đạt tiếng Anh trong luận văn của học viên cao học Việt Nam. Qua khảo sát cách biểu đạt ý nghĩa số của danh từ tiếng Anh trong luận văn cao học, luận án đã bước đầu chứng minh được học viên Việt Nam có xu hướng phức hóa những danh từ không đếm được trong tiếng Anh. Luận án đã rút ra được một số những ảnh hưởng tiêu cực như sau: (1) Ảnh hưởng tiêu cực từ sự khác biệt về loại hình ngôn ngữ; (2) Ảnh hưởng tiêu cực từ sự khác biệt trong quan niệm về quan hệ thượng hạ danh trong nghĩa học giữa tiếng Anh và tiếng Việt; (3) Ảnh hưởng tiêu cực từ những tình huống phụ thuộc vào ngữ cảnh xảy ra ở cả tiếng Anh và tiếng Việt; (4) Ảnh hưởng tiêu cực từ sự khác biệt trong cách dùng danh từ chỉ vật chất của người Việt.

Để xác định được những ảnh hưởng tiêu cực của khác biệt ngữ pháp giữa tiếng Việt và tiếng Anh đến cách dùng quán từ trong tiếng Anh, luận án đã phân loại các quán từ dùng sai thành 6 nhóm lỗi và rút ra được một số nhận định chung như sau: (1) Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của khác biệt ngữ pháp đến cách dùng quán từ của học viên có thể xếp theo thứ tự: the > zero > null > a.; (2) Học viên gặp khó khăn khi phải lựa chọn quán từ dựa trên ngữ cảnh.

Liên quan đến những ảnh hưởng tiêu cực của khác biệt ngữ pháp giữa tiếng Việt và tiếng Anh đến cách biểu đạt thì trong tiếng Anh, luận án đã phân loại được 4 nhóm lỗi chính về cách biểu đạt thì. Qua số liệu thống kê thu được từ luận văn và phiếu điều tra cho học viên, luận án đã chỉ ra được khuynh hướng hay dùng vị từ tĩnh ở thể tiếp diễn của học viên Việt Nam với tần suất mắc nhóm lỗi này cao hơn hẳn các nhóm lỗi về thì khác.

Những kết quả thu được sẽ góp phần minh chứng cho luận điểm về những chuẩn mực không theo quy tắc bản ngữ của các loại biến thể tiếng Anh trên thế giới. Bên cạnh đó, những kết quả này có tính thực tiễn lớn trong việc dạy – học tiếng Anh như một ngoại ngữ tại Việt Nam.

PV: Kinh nghiệm bảo vệ luận án Tiến sĩ trước thời hạn và lời khuyên cho các giảng viên đang trong quá trình bảo vệ khác?

Mình nghĩ muốn có kết quả tốt trong học tập thì việc đầu tiên là phải tham gia đầy đủ các buổi học chuyên đề, lắng nghe và ghi chép tất cả các kiến thức mà các thầy cô truyền đạt. Sau đó, về nhà mình đọc thêm nhiều tài liệu liên quan đến đề tài. Trong quá trình đọc, nếu mình có điều gì không hiểu, thì mình thường đánh dấu lại và xin phép gặp giáo viên hướng dẫn để nhờ thầy chỉ bảo thêm. Lời khuyên của mình đối với những giảng viên khác đang đi học là cần phải luôn lắng nghe những đóng góp của các thầy cô để khi viết luận án được đúng hướng.

PV: Bạn có thể chia sẻ về một số công trình nghiên cứu mình đã thực hiện được không ?

Các nghiên cứu của mình tập trung vào các vấn đề về tiếng Anh và ngôn ngữ học. Ví dụ như: “Ảnh hưởng của thói quen sử dụng tiếng Việt tới cách viết tiếng Anh học thuật của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội”, (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống); “Những lỗi cơ bản về cách sử dụng quán từ trong văn bản học thuật tiếng Anh của người Việt” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống); “Nghiên cứu chuyển di tiêu cực từ tiếng Việt tới cách sử dụng cấu trúc câu trong văn bản học thuật tiếng Anh của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội” (Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt Nam); “Nghiên cứu chuyển di tiêu cực từ tiếng Việt tới cách sử dụng cấu trúc câu trong văn bản học thuật tiếng Anh của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội” (Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ & quốc tế học tại Việt Nam) ; “Lỗi ngữ pháp cơ bản trong văn bản học thuật tiếng Anh của người Việt” (Từ điển học và Bách khoa thư); “Sự chuyển di tiêu cực trong cách biểu đạt Thời và Thể từ tiếng Việt sang tiếng Anh”) (Từ điển học và Bách khoa thư); “Ảnh hưởng tiêu cực của sự khác biệt tri nhận về ý nghĩa số trong danh từ đối với việc diễn đạt tiếng Anh của người Việt” (Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống); “Nghiên cứu sự chuyển di tiêu cực về phạm trù số trong danh từ từ tiếng Việt sang tiếng Anh” (Tạp chí nghiên cứu nước ngoài);…

PV: Bạn cảm thấy điều tuyệt vời nhất khi trở thành giảng viên là gì?

Điều tuyệt vời nhất của một nhà giáo với mình là hàng ngày được đứng trên bục giảng, truyền cảm hứng và sự đam mê học tiếng Anh cho các em sinh viên.

PV: Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện.

Theo Bản tin ĐHQGHN