Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế

SVVN – Mặc dù việc theo học hai trường Đại học khác nhau chiếm phần lớn thời gian của Ngọc Anh, song cô bạn vẫn luôn là một gương mặt năng nổ trong các hoạt động ngoại khoá.

Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 2002, hiện đang là sinh viên năm 3 – Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là sinh viên chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại tại Trường Đại học Ngoại thương. Từng đạt được nhiều thành tích nổi bật trong học tập và hoạt động ngoại khoá, Ngọc Anh còn sở hữu kênh Youtube, Tiktok chia sẻ quá trình học tập và những khoảnh khắc đời thường của một sinh viên học song bằng Đại học.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 1
Ngọc Anh hiện đang là sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Ngoại thương.

Chia sẻ về lý do lựa chọn theo học hai trường Đại học khác nhau, Ngọc Anh cho biết: “Ngoại thương là ước mơ của mình từ khi còn bé, thậm chí khi đăng ký nguyện vọng vào đại học, cả 4 nguyện vọng của mình đều là các khoa của Đại học Ngoại thương. Bên cạnh ước mơ đó, mình còn có một sở thích khác, đó chính là tìm hiểu về văn học Trung Quốc. Qua những bài học trên lớp hồi cấp 2, cấp 3 như “Tĩnh dạ tứ”, “Xa ngắm thác núi Lư”…, mình đã dần nuôi dưỡng tình yêu đối với Trung Quốc nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng. Cho đến tận năm 2020, mình tham gia kỳ thi đại học và có nộp đơn tuyển thẳng vào Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Mình cần xác nhận nhập học trước cả khi Bộ Giáo dục công bố kết quả. Lúc đó, bản thân mình thật sự vô cùng phân vân, nhưng cuối cùng mình vẫn quyết định nhập học tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Và bây giờ khi đã trở thành sinh viên năm 3 của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc, mình đã không ngần ngại đăng ký học song bằng Kinh tế Đối ngoại ở Trường Đại học Ngoại thương để viết tiếp ước mơ còn dang dở”.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 2

Cho tới thời điểm hiện tại, điều mà cô bạn cảm thấy tự hào nhất đó chính là có thể đạt được những mục tiêu mà mình đã đề ra. “Mỗi ngày dành phần lớn thời gian để ngồi trên giảng đường của hai trường Đại học tuy rất mệt, nhưng cảm giác bản thân mình của ngày hôm nay luôn “biết”, luôn “hiểu” nhiều hơn một chút so với bản thân mình ngày hôm qua là thứ cảm xúc tuyệt vời nhất mà mình từng có”, Ngọc Anh tâm sự.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 3
Ngọc Anh luôn khát khao được phát triển bản thân ở nhiều khía cạnh.

Đối với Ngọc Anh, khó khăn lớn nhất mà cô bạn phải trải qua khi cùng lúc theo học hai trường Đại học đó là khi lịch thi giữa kỳ và cuối kỳ của cả hai trường trùng nhau. Theo học hai chuyên ngành khác biệt nên đồng nghĩa với việc trong cùng một học kỳ, số lượng kiến thức Ngọc Anh phải dung nạp, ôn tập và kiểm tra đều tăng lên gấp đôi.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 4
Khoảng thời gian đầu Ngọc Anh khá chật vật để có thể học cách cân bằng thời gian.

Vì thời gian học của Ngọc Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ chiếm phần lớn các buổi sáng và một số buổi chiều, còn thời gian học bên Đại học Ngoại thương lại kín tất cả các buổi tối và các ngày cuối tuần nên Ngọc Anh có khá ít thời gian dành cho bản thân.

Ngọc Anh bộc bạch: “ Khoảng thời gian đầu tiên, thú thật là mình cũng cảm thấy mất cân bằng và có những lúc vô cùng mệt mỏi. Nhưng sau đó, mình dần dần học được cách sắp xếp thời gian. Trong bất kể giờ học nào, dù ở bên Trường Đại học Ngoại ngữ hay Đại học Ngoại thương, mình đều cố gắng chăm chú nghe giảng để hiểu ngay những kiến thức mà thầy/cô vừa nói. Sau mỗi giờ học, mình sẽ làm ngay bài tập để ôn luyện lại những kiến thức đó. Vì một số buổi chiều trong tuần được nghỉ, nên đây là khoảng thời gian mình dành cho bản thân và làm nốt các bài tập được giao, chỉnh sửa video, nghe nhạc, xem một bộ phim yêu thích, tập thể dục, học ngoại ngữ…”. Cô bạn luôn cố gắng để có thể cân bằng giữa việc học mà vẫn duy trì những sở thích, thói quen của bản thân.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 5

Bên cạnh việc học tập, Ngọc Anh còn là một cô gái năng nổ trong các hoạt động ngoại khoá. Cô bạn từng được Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam trao tặng chứng nhận vì sự đóng góp tích cực vào việc quảng bá Ireland tại Việt Nam và mối quan hệ giữa Ireland – Việt Nam. Tham gia Chương trình “Đại sứ ULIS 2021” với danh hiệu “Đại sứ lan toả”; tham gia Cuộc thi “Tranh biện tiếng Hoa” lần thứ 7 với chủ đề “Biến đổi xã hội – Bắt kịp thời đại, kiến tạo tương lai” do Câu lạc bộ tiếng Trung trường Đại học Ngoại thương tổ chức; tham gia Chương trình “Virtual Diversity SENsation” được tổ chức bởi VolTra Hong Kong,..

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 6

Để học tốt một ngành học đã khó, việc học song bằng còn đòi hỏi sinh viên phải đầu tư phần lớn thời gian của mình cho học tập, sinh viên theo học phải chịu đựng một áp lực vô cùng lớn. Tuy nhiên với Ngọc Anh, việc học song bằng cũng đem đến cho cô bạn rất nhiều cơ hội. Đầu tiên là cơ hội được tìm tòi và học hỏi những kiến thức mới. Ngọc Anh luôn tâm niệm rằng “Học không bao giờ là đủ”, nên đối với mỗi một kiến thức được tiếp thu hàng ngày, cô bạn đều vô cùng trân quý. Ngọc Anh hào hứng chia sẻ: “Gần đây, mình nhận ra rằng, hai chuyên ngành mình đang theo học cũng không hoàn toàn khác biệt, đâu đó vẫn tồn tại những điểm “giao nhau”. Ví dụ như khoảng thời gian trước, mình có học môn “Giao dịch thương mại quốc tế” bên Đại học Ngoại thương, và nó đã bổ trợ rất nhiều kiến thức, giúp mình học tốt môn “Tiếng Trung Quốc giao tiếp trong kinh doanh” bên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Thuận lợi thứ hai mà Ngọc Anh nhắc tới đó chính là cơ hội được mở rộng mối quan hệ, được quen biết với nhiều người bạn mới. Ở Đại học Ngoại thương, những người “bạn” của Ngọc Anh đa phần là các anh/chị lớn tuổi, hầu hết mọi người đã đi làm. Qua đó mà cô bạn thường được lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức công ty, môi trường làm việc,… Những điều tưởng chừng như ít sách vở nào có thể giải thích một cách cặn kẽ. Điều này đã giúp đỡ cô bạn rất nhiều trong việc áp dụng những kiến thức vào thực tế.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 7

Với ý tưởng xây dựng kênh Youtube, Tiktok bắt nguồn từ việc ghi lại những thước phim về cuộc sống thường ngày và chia sẻ kinh nghiệm xét tuyển Đại học, chương trình học bổng cho các em học sinh lớp 12. Dần dần Ngọc Anh đã phát triển kênh Youtube của mình như một kênh “tư vấn”, chia sẻ thông tin về hai ngôi trường mà cô đang theo học và những chủ đề liên quan tới việc học song bằng,… Những nội dung Ngọc Anh chia sẻ thường nhận được rất nhiều sự quan tâm và đón nhận của các bạn trẻ.

Gặp gỡ nữ sinh xứ Tuyên học song bằng Ngoại ngữ và Kinh tế ảnh 8
Ngọc Anh và kênh Youtube “ngocanh.wander”.

Lời cuối, cô bạn gửi tới độc giả của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong lời chúc: “Chúc cho tất cả các bạn đều sẽ trở thành những người trẻ dám dấn bước trên hành trình của riêng mình. Mình tin tưởng rằng, nơi cuối con đường, mặt trời sẽ lại tỏa sáng khắp mọi nơi và bạn cuối cùng cũng phát hiện ra bản thân mỗi ngày đều đã trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.”

Theo SVVN