Gặp gỡ nữ sinh ULIS chiến thắng cuộc thi Tìm hiểu về Azerbaijan
Vượt qua nhiều bài dự thi, Lê Hiền Anh đã xuất sắc trở thành một trong những người chiến thắng tại cuộc thi “Bạn biết gì về Azerbaijan” và được Chính phủ Azerbaijan tài trợ một chuyến đi trong vòng một tuần sang đất nước này. Cùng với gần 40 bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới đi tới một đất nước xa lạ, cô nữ sinh của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã có những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa.
Hãy cùng trò chuyện với Hiền Anh để tìm hiểu về quá trình dự thi cũng như chuyến đi thú vị của bạn nhé.
PV: Xin chào Hiền Anh. Em có thể giới thiệu vài nét về bản thân được không?
Xin chào thầy cô và các bạn. Em tên là Lê Hiền Anh, sinh viên lớp 16F5 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp và là sinh viên bằng kép khoa Kinh tế quốc tế thuộc trường ĐH Kinh tế.
PV: Từ đâu mà em biết thông tin về cuộc thi này và quá trình viết bài của em như thế nào?
Cuộc thi “Bạn biết gì về Azerbaijan” được tổ chức nhân dịp 25 năm thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao Cộng hòa Azerbaijan và là một phần của Chương trình quốc gia về Thanh thiếu niên giai đoạn 2016 – 2020; thể hiện nỗ lực và sự quan tâm của Chính phủ Azerbaijan đối với giới trẻ, không chỉ với thế hệ trẻ ở Azerbaijan mà cả những sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ trên thế giới. Cuộc thi “Tìm hiểu về đất nước Azerbaijan” đã được tổ chức ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2019, cuộc thi đã chọn ra khoảng 40 người thắng cuộc từ 10 quốc gia ở khắp các châu lục như Hoa Kỳ, Uruguay, Việt Nam, Pakistan, Ba Lan, Hy Lạp, Ethiopia, Lithuania…
Em biết đến cuộc thi này nhờ một người anh làm trong mảng báo chí. Bên báo có nhận được thông cáo về cuộc thi này do Đại sứ quán gửi để quảng bá và anh có chia sẻ lại cho em. Em sau đó cũng tự tìm hiểu trên mạng thì cũng thấy cuộc thi này đã từng được tổ chức và được Nhà trường đăng tải (năm 2014), dù giải thưởng có giá trị rất cao nhưng tiếc là chưa phủ sóng rộng để nhiều bạn trẻ biết đến và tích cực tham gia. Đợt đó khá may mắn là vào đợt nghỉ hè của em nên em đã muốn thử sức cũng như thử thách bản thân một chút.
Lúc bắt tay vào tìm tư liệu để viết bài thì tài liệu tiếng Việt khá là hạn chế, tài liệu tiếng Anh thì lại không ‘trúng’ chủ đề mà em đã lựa chọn. Lúc đó em cũng đã khá đắn đo, không biết nên chọn chủ đề mà tư liệu nghiên cứu phong phú hơn hay không. Cuối cùng thì em đã cố gắng thử liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam. Rất may mắn là phía Đại sứ quán nói chung và anh Lãnh sự phụ trách mảng báo chí truyền thông nói riêng đã rất nhiệt tình cung cấp và gửi cho em nhiều sách báo kiến trúc Azerbaijan (chủ đề em lựa chọn) để em có tư liệu phân tích và viết bài.
Đoàn Việt Nam
Ảnh chụp tại Bộ Thanh niên và Thể thao Azerbaijan cùng những người thắng giải
PV: Khi biết tin trở thành người chiến thắng cuộc thi tại Việt Nam, em cảm thấy như thế nào?
Thực sự khi nhận được cuộc gọi từ phía Đại sứ quán thông báo em đã thắng cuộc, em cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Khi viết về kiến trúc của Azerbaijan, em đã rất thích nét hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, lai giữa Á – Âu và lúc đó cảm giác sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt quả thực rất khó diễn tả.
PV: Một điều mọi người đều thắc mắc là ấn tượng của em về Azerbaijan trong một tuần tại đây như thế nào?
Một tuần ở Azerbaijan, giờ nhìn lại, em thấy hơi ngắn và chưa đủ để đi hết, trải nghiệm hết đất nước và con người nơi đây.
Trong vòng 7 ngày, đoàn được đi thăm đài tưởng niệm Lãnh tụ Heydar Aliyev của Azerbaijan, thăm khu phố cổ Icheri Sheher, tháp Maiden tại thủ đô Baku, làng cổ 3000 năm tuổi Lahic ở Ismailli, Caravansary và Cung Điện Sheki Khan…. Càng đi, em càng thấy Azerbaijan là một địa điểm thú vị và nhiều tiềm năng với khách du lịch Việt Nam. Azerbaijan có nét cổ kính đan xen với hiện đại. Khí hậu ở Azerbaijan cũng mát mẻ, trong lành, rất thích hợp cho đoàn vì toàn người trẻ rất thích chụp ảnh ‘sống ảo’. Vì đi đến một đất nước xa lạ nên em thường xuyên gửi ảnh cập nhật về để bố mẹ yên tâm, bố mẹ em đều ngạc nhiên không nghĩ cảnh vật ở đây lại đẹp thế. Ngồi trên xe trao đổi với các cán bộ Azerbaijan phụ trách đoàn, em được biết là đất nước này có rất nhiều vùng khí hậu khác nhau nữa.
Ấn tượng của em về ẩm thực Azerbaijan thì cảm xúc khá lẫn lộn. Thức ăn chủ đạo của họ là thịt cừu, loại thịt không phổ biến lắm tại Việt Nam, khẩu vị của người Azerbaijan mặn hơn người Việt nữa nên những ngày đầu đoàn Việt Nam có chút khó khăn để làm quen. Tuy nhiên thì phía BTC đã rất chu đáo, quan tâm và đa dạng hóa thực đơn để tất cả các đoàn đều thấy thoải mái.
Ngoài các bữa ăn chính được BTC đài thọ, do bọn em cũng có thời gian riêng để thăm thủ đô nên em cũng có cơ hội đi ‘ăn vặt’ ở bên ngoài, thử trà bánh của nước bạn. Em rất ấn tượng buổi cả đoàn Việt Nam đi thưởng trà Azercay dùng cho bữa trà chiều ăn kèm với đồ ngọt tại một quán nhìn ra biển Caspi ven thủ đô Baku. Cảm giác thời gian lúc đó trôi rất chậm và bản thân được hòa vào nhịp sống của con người nơi đây, hiểu hơn về văn hóa Azerbaijan.
Món thịt cừu nướng
Thời gian đoàn thăm quan cũng vô tình trùng với Lễ hội Rượu vang của Azerbaijan. BTC đã cố gắng thu xếp để đoàn có khoảng 2 tiếng đồng hồ tham dự lễ khai mạc cũng như có cơ hội thưởng thức một số loại rượu nho, rượu lựu đặc trưng. Azerbaijan là một trong những nơi sản xuất rượu nho đầu tiên trên thế giới với chất lượng rất cao
Con người Azerbaijan cũng rất thân thiện. Đoàn Việt Nam thường xuyên được người dân địa phương xin chụp ảnh cùng. Ban đầu là về ngoại hình châu Á khác biệt. Sau khi hỏi và biết được bọn em đến từ Việt Nam thì có người còn rủ thêm bạn bè họ hàng ra chụp cùng nữa, vừa chụp vừa giơ ngón tay cái nói “yaxşı” (good/tốt) rất vui. Em được biết là Azerbaijan đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều thế hệ sinh viên, kỹ sư cán bộ, giúp Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Đây là một tình hữu nghị rất quý báu dù khoảng cách địa lý giữa hai nước là khá xa.
PV: Cảm ơn Hiền Anh về những câu chuyện thú vị. Trước khi chia tay, em có thể chia sẻ một vài cảm nhận về thời gian học tại ULIS của mình được không?
Những năm ở ULIS đã cho em rất nhiều điều, từ vốn kiến thức về tiếng và văn hóa đến những người bạn tốt và đặc biệt là các thầy cô nhiệt huyết và tận tâm. Các thầy cô luôn hết lòng và nhiệt tình với sinh viên. Học ở ULIS không chỉ bó buộc trong mỗi việc học, các bạn còn được tham gia vô vàn các hoạt động của khoa và của trường như: các ngày hội văn hóa các thứ tiếng, ngày hội sinh viên sáng tạo – nghiên cứu – khởi nghiệp, ngày hội việc làm, hoạt động các câu lạc bộ,…
Đặc biệt em thấy một điểm ưu thế nổi bật của ULIS là rất nhiều hoạt động giao lưu với sinh viên quốc tế, cơ hội thực tập tại nước ngoài và đa dạng các suất học bổng trao đổi, học bổng khuyến học,… ULIS đã làm em trưởng thành hơn, trở thành người tự tin, biết tự học và rèn luyện để phát triển bản thân.
PV: Cảm ơn Hiền Anh về cuộc trò chuyện!