Gặp gỡ nam sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật Hosei Cup 2021
Ngày 27/11 vừa qua, Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hosei Nhật Bản đã phối hợp thành công tổ chức chung kết cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật cúp Đại học Hosei với chủ đề “Chúng ta thời hậu Covid”. Đây là cuộc thi thường niên được tổ chức bởi hai trường, quy tụ thí sinh đến từ các trường THPT, Đại học trên toàn quốc. Năm nay, cuộc thi đã thu hút 250 thí sinh tham gia nhưng chỉ có 20 thí sinh có cơ hội tiến đến thềm Chung kết. Giải Nhất chung cuộc ở khối đại học đã gọi tên bạn Đào Hoàng Long – sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giành giải Nhất ở cuộc thi hùng biện tiếng Nhật nhưng ít ai biết rằng xuất phát điểm trước khi vào trường của Long là một học sinh chuyên Anh. Vì gia đình có người thân là người Nhật và thỉnh thoảng có được sang Nhật thăm họ hàng nên từ những năm cấp II Long đã có hứng thú với tiếng Nhật. Tuy nhiên phải đến lúc đại học, cậu mới quyết tâm theo đuổi ngôn ngữ này. Long chọn ULIS là bến đỗ cho bốn năm thanh xuân của mình vì cậu biết bên cạnh việc là một ngôi trường có truyền thống đào tạo các ngành ngôn ngữ vô cùng chất lượng, ULIS cũng là một trường thuộc khối Đại học Quốc gia nên sẽ có nhiều cơ hội về việc làm và học bổng cho sinh viên.
Đào Hoàng Long trong buổi chung kết cuộc thi
Ban đầu Long biết đến và tham gia cuộc thi là vì đây là bài tập về nhà cô giao cho sinh viên. Sau khi nộp bài xong cũng có nhiều người bạn khác của Long đăng ký dự thi cuộc thi. Đề tài năm nay – “Chúng ta hậu Covid” được Long đánh giá khá mở và sát với thực tế hiện nay. Với đề bài này, Long đã chọn chủ đề về tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến trẻ em, xuất phát từ mong muốn công việc của bản thân trong tương lai sẽ liên quan đến trẻ em. Trong thời gian đó, cậu đã gặp rất nhiều khó khăn với việc dịch khi phải sử dụng nhiều thuật ngữ và từ vựng khó. Bên cạnh đó, Long chia sẻ bản thân đã phải tự luyện tập ngữ điệu và ngôn ngữ cơ thể rất nhiều để có thể thể hiện tốt nhất ở buổi Chung kết.
Qua câu chuyện về em Võ Thị Quỳnh Giao – 5 tuổi – một trong hơn 1500 đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh mồ côi do Covid-19 được ghi nhận riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Long đã kêu gọi cộng đồng có những hành động thiết thực để xoa dịu những đau thương, mất mát, giúp các em có thể sống cuộc sống hạnh phúc và trở thành những công dân có ích cho xã hội. Có lẽ chính nội dung nhân văn, ý nghĩa, phong thái đĩnh đạc, tự tin, phát âm và trả lời câu hỏi rõ ràng đã giúp chàng trai này ghi điểm trong mắt Ban Giám khảo, giành chiến thắng thuyết phục trước những đối thủ nặng ký khác. Có được thành tích này, Long cũng muốn gửi lời cảm ơn đến cô Thẩm Thuý Hồng – người tận tình chỉ bảo Long từ những ý tưởng đầu tiên, thầy Masutani – người thầy kiên nhẫn hỗ trợ Long hoàn hiện bản tiếng Nhật, đặc biệt là gia đình “mẹ tớ luôn ở bên cạnh, mẹ hay ngồi nghe tớ nói dù không hiểu gì, chăm sóc tớ mỗi khi tớ bị rát cổ họng, những điều đó thật sự tạo động lực to lớn cho tớ tiếp tục cố gắng”.
Giải Nhất trong cuộc thi lần này đã giúp Long có cơ hội được tham quan đất nước Nhật Bản xinh đẹp trong 4 – 5 ngày vào tháng Tư năm sau. Hy vọng đến lúc ấy dịch bệnh sẽ ngừng tiếp diễn để chàng trai này có thể thực hiện chuyến đi của mình một cách thuận lợi.
Khi được hỏi về phương pháp học tập của bản thân, Long chia sẻ: “Tớ luôn cố gắng lên kế hoạch chi tiết nhất có thể, hướng tới những mục tiêu ngắn hạn như của năm, quý, tháng, ngày. Khi đã có kế hoạch, tớ chỉ cần nhìn vào đó rồi vào theo nên nhanh và vui lắm. Tớ cũng tạo ra hai động lực học tập chính, đó là tự nguyện và cưỡng ép. Tự nguyện là những điều tốt đẹp mà tớ sẽ nhận được khi hoàn thành mục tiêu. Còn cưỡng ép chính là tớ sẽ tưởng tượng ra một khó khăn lớn tớ sẽ gặp phải khi không đạt được những điều tớ đặt ra. Hai động lực này sẽ cân bằng, giúp tớ học tập hiệu quả hơn. Ngoài ra tớ còn sử dụng ứng dụng Notion để quản lý ghi chép các đầu việc cần làm nữa nên có thể dễ dàng chủ động trong việc học vì biết mình cần làm những gì và làm gì đầu tiên.”
Dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong hơn 1 năm học tập tại ULIS như từng đạt Học bổng Khuyến khích học tập 1 kỳ vào năm nhất, hay gần đây nhất là giải Nhất hùng biện tiếng Nhật, tuy nhiên Long cũng đã từng gặp không ít khó khăn khi bắt đầu theo đuổi tiếng Nhật: “Bởi vì tiếng Nhật là một ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp ngược hoàn toàn so với tiếng Việt nên khi ban đầu,, tớ gặp khá nhiều khó khăn trong lúc dịch câu từ tiếng Nhật sang tiếng Việt và ngược lại. Bên cạnh đó, người Nhật có thói quen nuốt chữ và bỏ trợ từ khi nói nên những lúc giao tiếp hay học nghe đối với tớ là một thử thách khá lớn. Ngoài ra thì deadlines trường mình cũng khá nhiều nên trong năm Nhất thỉnh thoảng tớ đã bị lệch nhịp khi phân bổ thời gian”.
Bên cạnh việc chăm chỉ và đạt kết quả cao trong học tập, Long cũng là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ tiếng Nhật của trường. Việc tham gia câu lạc bộ đã giúp Long kết bạn với rất nhiều anh chị, bạn bè tài năng, có kinh nghiệm trong học tập cũng như trong cuộc sống – những “tấm gương” để cậu học tập, noi theo. Đồng thời, tham gia câu lạc bộ cũng giúp Long tập cho bản thân sự kỷ luật, nghiêm túc khi làm việc cùng tập thể.
Long cùng các thành viên của Câu lạc bộ tiếng Nhật (UJC)
Trong cuộc sống đời thường, Long cũng được bạn bè đánh giá là một người hài hước, hiền lành, thường xuyên giúp đỡ bạn bè. Với mọi chuyện trong cuộc sống, Long luôn giữ tâm thái ung dung, thoải mái, vui vẻ làm việc vì cho rằng “luôn có cách cho mọi việc”. Chàng trai này cũng có những lời nhắn nhủ đến những bạn còn đang gặp khó khăn trong việc học tiếng Nhật:
“Tiếng Nhật quả thật rất khó nhưng nếu biết chia nhỏ ra để học dần dần thì sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trước khi học những kiến thức mới, nhất định phải ôn lại kiến thức cũ để tránh tình trạng học trước quên sau. Ngoài ra, khi học những kiến thức mà bản thân cảm thấy khó hiểu, ví dụ việc phân biệt ý nghĩa của nhiều cấu trúc ngữ pháp na ná nhau, đừng nên lao vào đào xới sự khác nhau đó khiến bản thân dễ nản lòng. Tiếng Nhật cũng như tiếng Việt, cũng là 1 ngôn ngữ có nhiều nét đặc trưng và độc đáo. Việc chúng ta có thể làm là hãy chấp nhận sự khó hiểu đó, hội thoại thực tế, ngữ cảnh và kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta biết cách sử dụng chúng.”
Đào Hoàng Long cùng tập thể lớp 20J4
Với những điều đã và đang làm được, ULIS Media tin rằng Long sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.
Mai Ngọc