Gặp gỡ “Bà Liên Xô” vinh dự được trao tặng Huy chương Pushkin
Những ngày đầu tháng 10/2017, căn nhà nhỏ của PGS. Viện sĩ. TSKH Nguyễn Tuyết Minh – cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội – tràn ngập hoa và lời chúc mừng. Bà là người Việt Nam duy nhất được vinh dự nhận Huy chương Pushkin do Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trao tặng. PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh sinh trưởng trong gia đình cách mạng, bố là Tướng Nguyễn Chánh – nguyên Chính ủy kiêm tư lệnh liên khu V trong kháng chiến chống Pháp, mẹ là cụ bà Phạm Thị Trinh – một lão thành cách mạng từng làm Hội trưởng Phụ nữ khu V, Ủy viên tỉnh ủy Quảng Ngãi. Bà đã gắn bó với tiếng Nga từ thời trẻ, từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bà đã dành 26 năm để tham gia biên soạn cuốn Đại từ điển Việt Nga – công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Những người lãnh đạo đầu tiên của công trình này là hai nhà khoa học xuất sắc của hai đất nước, GS. Viện sỹ Vadim Solntsev, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là LB Nga) và GS. Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Bà Nguyễn Tuyết Minh, học trò của GS. Vadim Solntsev và nhà Việt ngữ học Valentina Andreeva là hai biên tập viên chính của cuốn từ điển này. Các nhà Nga ngữ học đều đánh giá cao công trình Đại từ điển Việt – Nga và coi đây là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành từ điển học Việt – Nga và thế giới. PGS.TS. Bùi Hiền, nhà Nga ngữ học hàng đầu tại Việt Nam, khẳng định: “Đây không đơn thuần là cuốn Đại từ điển mà là Từ điển “vĩ đại” bao gồm 4 cái nhất: nhiều đơn vị từ vựng nhất (80.000 từ), nhiều thông tin nhất, dùng được đại trà nhất và được cập nhật từ mới nhiều nhất. Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất thân mật và cởi mở với PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh về sự nghiệp gắn bó với tiếng Nga và các thành tích đáng trân trọng của bà.
PV: Thưa PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh, nhân duyên nào đã đưa bà đến với giải thưởng cao quý này?
– Có lẽ đây là phần thưởng lớn dành cho tôi, cho sự nghiệp giáo dục, làm nghiên cứu khoa học của tôi. Cả cuộc đời tôi gắn bó với tiếng Nga từ lúc mái tóc còn xanh cho đến giờ ngót nghét 80 tuổi. Tôi bắt đầu sang Liên Xô học lần đầu năm 1954, được phong chức danh Phó Giáo sư năm 1984 và đến năm 2000 bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Khoa học. Hai công trình mà tôi dành tâm huyết cũng như công sức nhiều nhất chính là bộ giáo trình tiếng Nga dành cho các học sinh chuyên ngữ và nhất là Bộ từ điển Việt-Nga. Công trình này đã đi cùng thời thanh xuân, gắn bó với tuổi trẻ không chỉ của cá nhân tôi mà còn của gia đình và con gái tôi. Tôi rất vinh dự được nhận giải thưởng này nhưng hơn hết là nhận được sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp và của các thế hệ học sinh. Tại sao lại là các thế hệ? Ngày xưa, tôi được gọi là “Bà Liên Xô”, tôi dạy học sinh, dạy con và cháu của các học sinh đó, chẳng phải là bà giáo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng sao?
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh và con gái, cô Mai Nguyễn Tuyết Hoa
PV: Bà có thể chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm nhà giáo cũng như làm nhà khoa học của mình? Và bà có thể cho các thế hệ trẻ ngày nay đang học ngoại ngữ, đặc biệt các em sinh viên đang theo học ngôn ngữ Nga, một lời nhắn nhủ không ạ?
– Kỷ niệm thì nhiều lắm, kể không hết, nhưng có một điều tôi không bao giờ quên – đó là may mắn được sự hướng dẫn, chỉ bảo của GS. Viện sỹ Vadim Solntsev và GS. Hoàng Tuệ trong công trình gần 30 năm của tôi. Tôi học được rất nhiều từ hai người thầy, người anh và cảm thấy mình cần phải tiếp tục nỗ lực đến chừng nào còn có thể để xứng đáng với sự tin tưởng của hai bậc tiền bối đã dành cho tôi.
Tiếng Nga vốn là một trong số những ngôn ngữ khó nhất, tuy nhiên cũng là thứ tiếng có hệ thống ngữ pháp rất chặt chẽ. Đó chính là lý do những ai đã học tiếng Nga khi chuyển sang học hay nghiên cứu một ngôn ngữ khác đều không gặp trở ngại gì. Học Ngoại ngữ cũng giúp cho mình hiểu tiếng mẹ đẻ tốt hơn. Thi hào Goethe có câu rất nổi tiếng: “Ai không biết gì về tiếng nước ngoài thì cũng không biết tiếng của chính mình“. Hãy mạnh dạn giao tiếp bằng ngoại ngữ các em đang học, đừng sợ sai. Ngoại ngữ không chỉ cửa sổ mở ra những nền văn hoá mới, mà về mặt sinh học còn giúp não phát triển, khoẻ mạnh, tăng khả năng tập trung, quan sát. Tôi là một minh chứng nhé, dù đã ngót nghét 80 tuổi mà vẫn hàng ngày đọc sách, viết sách và chưa hề bị quên điều gì.
PV: Xin bà cho biết dự định sắp tới của bà trong công việc nghiên cứu khoa học và trong việc gìn giữ, phát triển Tiếng Nga tại Việt Nam?
– Tôi rất mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga. Tôi đang tổng hợp mọi tài liệu để hoàn thành nốt công trình tiếp theo, viết về Hình thái học Tiếng Việt từ góc độ đại cương và đối chiếu. Ngoài ra tôi cũng chuẩn bị cho chuyến công tác sang Liên Bang Nga tham dự Lễ trao tặng Huy chương Pushkin năm 2017 sẽ diễn ra tại Điện Kremlin vào ngày 4/11 tới đây.
PV: Xin chân thành cảm ơn PGS. TSKH Nguyễn Tuyết Minh vì những chia sẻ của bà trong buổi nói chuyện ngày hôm nay. Kính chúc bà và gia đình thật nhiều sức khỏe!
Lê An Na (Khoa NN&VH Nga)