Định hướng chương trình học tiếng Anh cho tân học sinh khối 10 Chuyên Ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Định hướng chương trình học tiếng Anh cho tân học sinh khối 10 Chuyên Ngoại ngữ

Vào ngày 20/08 và 21/08 vừa qua, Tổ tiếng Anh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã tổ chức buổi định hướng chươg trình học tiếng Anh 10 cho toàn thể tân học sinh K50 khối chuyên Anh. Các em học sinh đã được giới thiệu và chia sẻ nhiều điểm mới trong chương trình học, từ nội dung, phương pháp dạy học đến hình thức kiểm tra đánh giá.  

Phương pháp dạy và học ngoại ngữ luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục của nhà trường. Do đó, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ luôn là đơn vị tiên phong trong quá trình nắm bắt các định hướng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Xuất phát từ những nhìn nhận về xu thế toàn cầu hoá mà ở đó tiếng Anh chính là công cụ để hội nhập, Nhà trường đã đi đến quyết định đổi mới phương pháp giảng dạy với mong muốn trang bị cho học sinh những kiến thức và kĩ năng cần thiết.

Học sinh tập trung tại buổi định hướng để được hướng dẫn cụ thể

Trong phần đầu của buổi định hướng, học sinh được giới thiệu những thay đổi về việc dạy và học tiếng Anh có thể được tóm gọn trong 3 yếu tố sau đây. Thứ nhất, thay vì chia đôi lớp học văn hoá trong giờ ngoại ngữ, hiện nay, học sinh toàn bộ khối 10 đã được phân chia theo trình độ, dựa trên chính kết quả thi môn ngoại ngữ đầu vào của các em. Các lớp từ Anh 1 đến Anh 10 được phân ra thành hai hệ – hệ nâng cao và hệ cơ bản. Việc chia lớp học theo trình độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn tài liệu và thiết kế bài giảng, cũng như quá trình tiếp thu của học sinh.

Thứ hai, học sinh học hoàn toàn 4 kĩ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết theo hướng tích hợp và kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, phát âm sẽ được lồng ghép trong quá trình học kĩ năng, thay vì có sự phân tách rõ rệt như trước. Việc phối hợp và lồng ghép như vậy sẽ giúp việc tiếp thu, ghi nhớ và tái sử dụng ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn, bởi lẽ học sinh được tiếp xúc với ngôn ngữ ở góc độ chân thực nhất – đó là thực sự nghiên cứu và sử dụng nó thông qua 4 kĩ năng nêu trên.

Yếu tố cuối cùng trong chuỗi đổi mới mà chúng ta không thể không đề cập tới, đó là hình thức kiểm tra đánh giá thông qua “Dự án học tập”. Thay vì phải làm bài kiểm tra học kì, học sinh sẽ thực hiện các thử thách trong “Dự án học tập” của các em, để từ đó, giáo viên có thể đánh giá sự tiến bộ của học sinh theo quá trình. Có thể nói, sự thay đổi về phương pháp kiểm tra-đánh giá này đã giúp công cuộc đổi mới được đồng bộ hoá.

Các thầy cô giáo giới thiệu về các chương trình học 

Trong phần tiếp theo của buổi định hướng, TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – Giám đốc Trung tâm Khảo thí Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã giới thiệu một số bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh trong nước và quốc tế cho học sinh. Theo đó, năng lực tiếng Anh của học sinh có thể được đo bằng bài thi VSTEP (bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh chuẩn hóa của Việt Nam), bài thi IELTS,….

TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cũng đã cung cấp cho học sinh lộ trình để “chinh phục đỉnh IELTS” cho học sinh khối chuyên Anh. Tùy theo trình độ xuất phát điểm của học sinh, các chương trình học được thiết kế tương ứng và do giảng viên tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ giảng dạy. Theo đó, lịch kiểm tra trình độ đầu vào để xếp lớp là 30/8/2018 (đăng ký trước ngày 29/8/2018); khai giảng từ ngày 4-9/9/2018 (theo lịch học của từng khóa); thông tin chi tiết liên hệ tại P.106- nhà A4- Trường Đại học Ngoại ngữ.

Với đích đến cuối cùng là trang bị đầy đủ cho các em học sinh cả về kiến thức lẫn kĩ năng cho quá trình hội nhập trong tương lai, Nhà trường hi vọng thông điệp này sẽ được lan toả và thấu hiểu, bởi đó chính là nền móng đầu tiên dẫn tới những chuyển biến tích cực và thành công của sự đổi mới này.

Ngọc Anh/ FLSS Media