Dạy và học trực tuyến: Đừng ngại thay đổi
Là một trong những giảng viên của Khoa Sư phạm tiếng Anh, cũng như nhiều đồng nghiệp trong trường, thời gian qua cô Đặng Thị Phượng đã rất tích cực trong công tác dạy học trực tuyến.
Dạy Thực hành tiếng, điều này khiến cô cũng gặp một số khó khăn nhất định. Dù vậy, với sự nỗ lực của chính bản thân trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, sự hỗ trợ của Khoa và Nhà trường, sự ủng hộ của các các em sinh viên, cô cảm thấy cách dạy học này cũng có những ưu thế riêng, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay. “Đừng ngại thay đổi” là chia sẻ của cô giáo trẻ với tình yêu ULIS đậm sâu từ những ngày ngồi trên ghế Nhà trường với tư cách sinh viên.
Hãy cùng đọc những chia sẻ của cô về trải nghiệm dạy học trực tuyến những ngày vừa qua và lời khuyên dành cho các em sinh viên nhé:
Cô Đặng Thị Phượng
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo chỉ đạo từ phía Nhà trường, thời gian vừa qua mình cùng với các giảng viên khác trong Khoa Sư phạm tiếng Anh đã tiến hành dạy online qua Zoom và Office cùng một số công cụ hỗ trợ khác.
Nói thật lòng thì ban đầu mình đã hơn e ngại, đặc biệt khi mình chủ yếu dạy thực hành tiếng – bộ môn đòi hỏi rất nhiều tương tác giữa giảng viên và người học và giữa người học với nhau, cũng như sự kết hợp nhiều hoạt động đa dạng. “Liệu học online có đảm bảo được những điều đó?” Bên cạnh đó, việc quản lý sinh viên một cách hiệu quả trong quá trình học cũng đã là một vấn đề khiến mình suy nghĩ rất nhiều trước lúc bắt đầu. Đó là chưa kể, mình sẽ phải chuẩn bị một diện mạo ổn để có thể xuất hiện qua camera mỗi ngày trước mặt sinh viên.
Nhưng bắt đầu rồi, dần dần cô trò đều quen với guồng quay mới và luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Trường từ Khoa thì cho đến giờ phút hiện tại, mình thấy khá hài lòng với những giờ học online.
Dịch bệnh căng thẳng, khó mà lường trước bất cứ một điều gì, mình có thể hình dung được những khó khăn mà ban lãnh đạo Trường và Khoa phải gồng gánh trong giai đoạn đầy thử thách này. Mình rất biết ơn Trường và Khoa vì đã luôn rất sâu sát và kịp thời trong các chỉ đạo cũng như hỗ trợ về công cụ giảng dạy cho giảng viên. Mình rất thật lòng khi nói những điều trên. Vẫn rất yêu mến và tự hào về Trường và Khoa kể từ khi mình còn là một sinh viên của Trường.
Một buổi học online của cô Phượng
Mình thừa nhận học online, đặc biệt đối với một bộ môn đặc thù như Bộ môn thực hành tiếng mà mình đang phụ trách giảng dạy, chưa thể nào đạt được mức độ hiệu quả như hình thức lên lớp truyền thống. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là nếu biết tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ và có sự đồng lòng của cả giảng viên và sinh viên thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có những giờ học online chất lượng, đạt mục tiêu giảng dạy, chuẩn đầu ra môn học.
Để học online hiệu quả, cả người dạy và người học cần có những sự chuẩn bị cần thiết. Tất nhiên đầu tiên để dạy, học online được thì cả giảng viên và sinh viên cần có máy tính/điện thoại với kết nối mạng ổn định rồi. Nhắc điều đó thì hơi cơ bản nhưng quả thực phần nhiều các vấn đề xảy ra khi học online theo trải nghiệm của mình là do các vấn đề về đường truyền mạng thiếu ổn định. Mình luôn đảm bảo là có gói 4G hỗ trợ nếu như wifi nhà mình có vấn đề trong quá trình giảng dạy.
Sau điều cơ bản trên thì người học cần chuẩn bị một thái độ học tập đúng đắn cùng tính kỷ luật cao và kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Nếu các em cứ giữ khư khư quan điểm học online là thiếu hiệu quả, là nhàm chán thì dù giảng viên có cố gắng đến đâu các em vẫn sẽ rất khó tìm thấy hứng thú ở những giờ học online. Tập trung lắng nghe giảng viên, làm theo chỉ dẫn, tích cực tham gia các hoạt động thì mình tin các em sẽ dần cảm nhận được sự hiệu quả của hình thức học này. Còn về tính kỉ luật và kỹ năng quản lý thời gian thì học trực tiếp trên lớp đã cần giờ học online sinh viên chúng ta sẽ còn cần hơn.
Sinh viên tham gia tiết học trực tuyến của cô Phượng
Cũng xuất thân là một sinh viên của Khoa Sư phạm Tiếng Anh, mình cũng đã “nếm” đủ mùi vị món đặc sản mang tên deadlines. Mình vẫn thường kể cho sinh viên câu chuyện mình chạy deadlines ngày đêm, không hề động vào một hình thức giải trí nào mà vẫn không xong hết bài, có khoảng thời gian sụt xuống còn 39 kg. Nhưng đổi lại mình được gì? Bây giờ khả năng chống chịu áp lực công việc của mình rất tốt, và trong quá trình hoàn thiện vô số bài tập đó, mình trau dồi thêm vô cùng nhiều kiến thức cũng như kĩ năng khác cần thiết cho công việc hiện tại. Vậy nên mình hi vọng các em sinh viên của mình có thể xem thời điểm khó khăn này là cơ hội rèn dũa thêm các kiến thức, kĩ năng cho tương lai. Mọi kết quả tích cực đều xuất phát từ một thái độ tích cực.
Từ vị trí là một giảng viên, mình và các đồng nghiệp đều đang cố gắng rất nhiều để ngày càng cải thiện thêm chất lượng các giờ dạy. Sau giờ dạy là những lúc bọn mình chia sẻ với nhau về những khó khăn gặp phải khi dạy online rồi mọi người cùng nêu ý tưởng để khắc phục. Cùng với đó là chia sẻ về những hoạt động online hiệu quả, các mẹo để tăng hứng thú, duy trì sự chú ý của người học. Quả thực, khi đại dịch này kết thúc, mình tin là bản thân các giảng viên chúng mình cũng sẽ đã trau dồi được rất nhiều kinh nghiệm, kĩ năng mới.
Vậy nên cả giảng viên và sinh viên, mình đều nghĩ đừng ngại thay đổi mà hãy tích cực tìm cách sao cho những giờ dạy trực tuyến đạt được hiệu quả tối đa.
Tình hình dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp, mong rằng tất cả chúng ta giữ gìn sức khỏe và giữ vững một tinh thần lạc quan để cùng nhau cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
*Bài đăng trên Báo Sinh viên Việt Nam – Tiền phong: Link.