Đa dạng hóa phương pháp kiểm tra đánh giá trong môn học Tiền tệ và Ngân hàng của sinh viên ngành Kinh tế – Tài chính – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đa dạng hóa phương pháp kiểm tra đánh giá trong môn học Tiền tệ và Ngân hàng của sinh viên ngành Kinh tế – Tài chính

Tiền tệ và Ngân hàng (Money and Banking) là 1 trong 40 môn học trong chương trình học ngành Kinh tế – Tài chính tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Mục tiêu của môn học là giúp sinh viên hiểu những kiến thức cơ bản của thị trường tài chính, các chính sách tiền tệ và sự tương tác giữa thị trường tài chính và nền kinh tế; và đặc biệt là sự tác động vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và phát triển kinh tế.

Để giúp sinh viên có thể tiếp cận kiến thức môn học dễ dàng và thực tế hơn, ngoài những buổi tọa đàm, được giao lưu với diễn giả về các nội dung trong môn học, các giảng viên luôn có những phương pháp kiểm tra đánh giá mới, qua đó sinh viên dễ dàng ghi nhớ kiến thức chuyên môn và được kết hợp với thực tế kiến thức xã hội.

Đối với sinh viên khóa QH.2021, trong môn học Tiền tệ & Ngân hàng, giảng viên TS. Lê Thùy Anh đã cho các nhóm sinh viên tự do tìm hiểu về một hình thức cấp tín dụng tại Việt Nam. Sinh viên sẽ tới tận cơ sở để nghe tư vấn thông tin, xin tài liệu và làm bài phân tích; để đảm bảo việc đi tới các cơ sở lấy dữ liệu và tìm hiểu thông tin là chính xác, sinh viên cần phải có đầy đủ minh chứng gửi tới giảng viên.

Những hình thức cấp tín dụng mà sinh viên hướng tới và đi thực tế như: vay vốn sinh viên, vay ngân hàng, trả góp điện thoại máy tính, cầm đồ,… Để tìm hiểu về các hình thức cũng như đáp ứng yêu cầu của giảng viên để có cơ sở dữ liệu để làm bài phân tích và thuyết trình trước giảng viên và lớp, sinh viên đã đi tìm hiểu tại các cơ sở như Phòng HSSV của nhà trường; các ngân hàng: BIDV, MB Bank, TP Bank, Techcombank, Agribank; các trung tâm bán đồ điện tử có chính sách trả góp, cửa tiệm cầm đồ…

Dưới đây là chia sẻ của sinh viên Dương Thu Huyền – khóa QH.2021 ngành Kinh tế – Tài chính trong bài khảo sát về việc áp dụng đổi hình thức kiểm tra đánh giá với sinh viên Chương trình Quốc tế tại ULIS.

Đầu kỳ, khi chúng em nhận nhận được syllabus môn ECO306, điều làm em bất ngờ là hình thức thi của môn, vì bọn em chưa từng được thử cảm giác vừa được trải nghiệm thực tế mà vẫn có điểm như vậy trước đây. Em đã rất háo hức mong đợi đến bài kiểm tra giữa kì vì em muốn được trực tiếp trải nghiệm cảm giác vừa lo sợ vừa háo hức khi đến các cơ sở, tổ chức để hỏi về các thủ tục vay vốn. Ở môn học này, em được học các kiến thức liên quan đến dòng tiền, ngân hàng và các khoản vay nợ thường gặp. Điểm khác biệt nhất của hình thức kiểm tra này so với thi trên giấy thông thường là chúng em được cọ sát với thực tế, những kiến thức phức tạp trên sách vở dường như đã phát huy đúng tác dụng của nó. Vì thế, em nghĩ rằng phương pháp đổi mới này sẽ giúp ích được chúng em nhiều hơn trong cuộc sống. Ngoài việc thực hành liên quan trực tiếp đến nội dung bài học, còn giúp em ghi nhớ sâu, và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của môn học trong xã hội cũng như làm dày thêm khối kiến thức tài chính của bản thân.

Qua những buổi đi thực tế, em cảm nhận rõ ràng về kết quả mà nó mang lại. Ban đầu, em còn rất sợ vì nghĩ rằng mình chưa từng đến các công ty tài chính để hỏi về thủ tục hay quá trình vay vốn ra sao. Nhưng khi đến đó chúng em hầu hết không còn cảm giác lo lắng mà chuyển sang trạng thái đầy tự tin, vì một phần khi đến các cơ sở như vậy chúng em đều có kỹ năng chuyên ngành trên lớp. Đầu tiên, em thấy mình khám phá được nhiều điều mới mà nội dung trong sách không miêu tả hết được. Có một số hạn chế như việc chúng em theo học chương trình Mỹ nên các hình thức vay vốn và cơ chế pháp lý ở Việt Nam cũng có thủ tục tương đối khác. Trong quá trình lắng nghe tư vấn, em tiếp thu được các kiến thức mới khá thú vị. Thứ hai, là việc làm bài nhóm cũng dễ dàng hơn, khi tất cả mọi người trong nhóm đều được hiểu sâu rộng về kiến thức của môn học. Thứ ba, với hình thức thi này, tinh thần học và làm bài nhóm của chúng em cũng được nâng cao hơn vì cá nhân mỗi bạn đã được tự mình trải nghiệm từ đó hiểu rõ hơn tầm quan trọng của môn học này.

Đào tạo gắn với thực tiễn, giảng dạy theo tinh thần đổi mới không ngừng. Với chủ trương đó, công tác dạy và học tại Trường Đại học Ngoại ngữ luôn có những thay đổi thích ứng với thị trường lao động và nhu cầu của xã hội.

FLE