Cựu sinh viên ULIS: Học Trường ĐH Ngoại ngữ giúp gì cho tôi? – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cựu sinh viên ULIS: Học Trường ĐH Ngoại ngữ giúp gì cho tôi?

ULIS Media trân trọng giới thiệu bài chia sẻ của chị Chu Phương Nhung, một cựu sinh viên ULIS hiện đang đảm nhiệm chức vụ CEO của hai công ty trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản, về quá trình lập nghiệp của mình:

Xin chào các bạn trẻ! 

Chắc hẳn giờ này các bạn đang phải cân nhắc nung nấu trước rất nhiều các sự lựa chọn liên quan đến nghề nghiệp tương lai sau này đúng không?

Tôi chỉ xin được kể câu chuyện của chính mình. 

Tôi là Chu Phương Nhung – 35 tuổi, đang làm CEO điều hành cho 2 công ty của chính tôi trong lĩnh vực Đầu tư và phát triển BĐS: Một công ty BĐS trong nước và một công ty BĐS phục vụ cho thị trường ở Châu Âu. Trước đó, tôi có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực chính trị quốc tế, thường xuyên tháp tùng các lãnh đạo cấp cao của Đức và Việt Nam trong các chuyến công du và trực tiếp đàm phán nhiều dự án giữa hai quốc gia. 

Và đương nhiên, khởi đầu của tất cả những câu chuyện trên chính là Trường Đại học ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, cái nôi trưởng thành của chính tôi. 

Câu chuyện trong lĩnh vực chính trị. Cuối năm 2015, theo yêu cầu của Bộ Kinh tế và Năng lương Đức – cơ quan chủ quản của tôi, tôi được giao tư vấn tổ chức buổi gặp gỡ cấp Nhà nước giữa 2 Bộ Đức va Việt Nam tại Berlin để đàm phán về 1 dự án và số tiền ngân sách cần giải ngân lên đến vài chục triệu EUR. Trong cuộc gặp đó, tôi vừa đóng vai trò là Điều phối viên trưởng của dự án, vừa đóng vai trò kỹ thuật của dự án. Trước khi bước vào đàm phán, tất cả các bên đã chỉnh tề tại bàn bầu dục, phía Việt Nam có nhắc tôi 1 câu “Nhung ơi, máu đỏ da vàng nhé!”. Tôi quay lại mỉm cười, vâng nhẹ! Liền ngay sau đó, phía Đức cũng dõng dạc “Nhung ơi, làm cho đúng bổn phận công việc nhé!” Vậy là làm sao thì làm, phải được việc cho cả hai bên. Trong suốt buổi đàm phán, không ít lần phải quay qua hỗ trợ đồng chí phiên dịch vì họ vừa không thật chắc ngôn ngữ chuyên ngành vừa không nắm được nội tình kỹ thuật nên cũng khó để hiểu được bối cảnh. Tuy nhiên cuối cùng mọi việc cũng diễn ra tốt đẹp. 

Còn một câu chuyện khác khi sau này khi tôi rời xa sự nghiệp chính trị của mình. Bước chân vào lĩnh vực làm BĐS tại nước ngoài, may nhờ có vốn liếng ngoại ngữ khá của mình, tôi cũng tự mày mò về luật của nước sở tại, đàm phán với các Chủ đầu tư tầm cỡ của Châu Âu về từng dự án, về từng điều khoản và quan trọng là luôn được làm vị trí lead trong các thương thảo triệu đô đại diện cho các nhà đầu tư Việt Nam. 

Như vậy, từ việc nắm chắc và thuần thục ngoại ngữ trong tay, bản thân tôi cảm thấy tự tin vượt ra khỏi vùng an toàn của mình và tự tin bước chân vào các lĩnh vực khác mà ngoại ngữ chính là công cụ cần thiết. Khi biết nhiều hơn 1 ngoại ngữ, bạn sẽ có nhiều hơn 1 cơ hội về nghề nghiệp vì ngoại ngữ là cánh cửa giúp bạn tiến gần hơn với lựa chọn đó. 

Chúc các bạn tự tin lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình nhé. 

Thân mến

Phương Nhung