Cô Trần Thị Thanh Huyền: Nghiên cứu khoa học có nhiều ích lợi đối với giảng viên
Nhân dịp chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam, ULIS Media trân trọng giới thiệu về một gương mặt cán bộ nữ của trường là cô Trần Thị Thanh Huyền. Chỉ mới về công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ được một năm, với 2970 giờ khoa học, ThS. Trần Thị Thanh Huyền là một trong những giảng viên có thành tích cao nhất trong hoạt động khoa học công nghệ năm học 2020-2021.
Lý lịch trích ngang: Họ tên: Trần Thị Thanh Huyền Nơi sinh: Văn Yên – Yên Bái Học vấn: Thạc sĩ ngành Châu Á học Đơn vị: Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á |
PV: Xin chào chị. Đầu tiên chị có thể cho biết điều chị tự hào nhất đã làm được liên quan đến nghiên cứu khoa học (NCKH) trong năm học vừa qua được không ạ?
Chị mới về làm việc ở Trường Đại học Ngoại ngữ từ tháng 7 năm 2020. Năm đầu tiên được làm việc ở trường, có nhiều thầy cô đạt điểm NCKH rất cao và được là một trong những giảng viên có thành tích NCKH cao chị khá bất ngờ và cảm thấy rất vui mừng.
PV: Là một trong những cán bộ có số giờ khoa học cao nhất trong năm học 2020-2021 của ULIS, chị có thể chia sẻ những hoạt động khoa học mình đã tham gia trong năm học vừa rồi?
Trong năm học 2020-2021, chị đã hoàn thành 2 bài báo đăng tạp chí quốc tế, 2 bài báo đăng tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước. 3 báo cáo đăng toàn văn kỷ yếu hội thảo quốc tế, 1 báo cáo đăng tóm tắt hội thảo quốc tế, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và tham gia một số hội thảo cũng như những hoạt động khác của trường.
Để hoàn thành các công trình chị trên cũng cần nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng bản thân mình rất vui khi có được thành tựu nhất định trong năm học vừa qua.
PV: Làm thế nào chị có thể hoàn thành nhiều sản phẩm mang tính quốc tế như vậy trong vòng có một năm học?
Chị đang là nghiên cứu sinh ngành Đông Nam Á học tại Trường ĐHKHXH&NV, việc NCKH cũng là một điều kiện để hoàn thành luận án và cũng may mắn được sự định hướng và khuyến khích của thầy hướng dẫn nên chị tham gia vào nhóm nghiên cứu, làm việc với các TS và NCS khác để học hỏi kinh nghiệm, và hoàn thiện các sản phẩm khoa học.
Cũng may mắn là trong năm học vừa rồi những công trình đó đã được công nhận.
PV; Chị cho rằng nghiên cứu khoa học có ích lợi gì đối với mình hay giảng viên nói chung?
Đối với giảng viên nói chung ở bất cứ trường đại học nào cũng đều có hai nhiệm vụ chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây là nhiệm vụ chung của mỗi giảng viên. Việc NCKH sẽ tạo cơ sở cho việc giảng dạy được tốt hơn và ngược lại việc giảng dạy cũng sẽ phản ánh kết quả nào đó của hoạt động NCKH.
Vì vậy, NCKH cũng có nhiều lợi ích như: giúp cho giảng viên nghiên cứu sâu rộng hơn về những vấn đề chuyên môn và bổ sung vào nội dung giảng dạy của mình. Trong quá trình NCKH giảng viên cũng có thể phát triển các kỹ năng cho việc giảng dạy và nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu có những sản phẩm khoa học có kết quả được đánh giá tốt cũng góp phần tạo động lực để giảng viên tiếp tục NCKH và khẳng định mình…
PV: Ở ULIS có nhiều chính sách và hoạt động đẩy mạnh và khuyến khích giảng viên nghiên cứu, trong đó chị ấn tượng nhất là điều gì?
Tuy mới về trường nhưng chị thấy Nhà trường rất quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện hết sức cho các hoạt động của giảng viên từ giảng dạy đến NCKH. Để khuyến khích giảng viên nghiên cứu nhà trường còn khen thưởng và giảm giờ tiêu chuẩn cho giảng viên có thành tích NCKH cao. Đặc biệt với đặc thù của các môn học ở Bộ môn chị làm việc thì điều này rất ý nghĩa. Nếu mà được quy đổi số giờ NCKH vượt định mức thành giờ chuẩn giảng dạy, chị nghĩ đó chắc sẽ là động lực lớn không chỉ cho chị mà cho cả các giảng viên khác có nhiều sản phẩm khoa học hơn đấy 🙂
PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
ULIS Media