Cô giáo Việt dạy sư phạm tiếng Anh ở đại học Ivy League – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cô giáo Việt dạy sư phạm tiếng Anh ở đại học Ivy League

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa hiện là người Việt duy nhất giảng dạy tại trường Sư phạm, Đại học Columbia – một trong tám đại học tinh hoa của nước Mỹ.

Chị Hoa, 42 tuổi là giảng viên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại đây từ năm 2014. Ngôi trường của chị ở thành phố New York, đứng thứ hai cùng với Harvard trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu nước Mỹ năm 2022, theo US News & World Report.

“Trở thành giảng viên của một trường Ivy League giống như một giấc mơ, nhất là với một người xuất thân khiêm tốn, từ một gia đình thuộc tầng lớp lao động như tôi”, chị Hoa nói.

Trước khi sang Mỹ, chị Hoa có 5 năm giảng dạy tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi ấy, cô giáo trẻ chưa từng đi nước ngoài hay trò chuyện với một giáo sư người Mỹ. Vì vậy, chị luôn khát khao bước ra thế giới để học hỏi và thử thách bản thân.

Năm 2008, chị Hoa nộp hồ sơ xin học bổng nghiên cứu sinh 6 năm ngành Ngôn ngữ học giáo dục của Đại học Pennsylvania (UPenn) ở thành phố Philadelphia. Trong bốn người trúng tuyển, chị là nghiên cứu sinh quốc tế duy nhất, ba người còn lại mang quốc tịch Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa trong khuôn viên Đại học Columbia, New York, Mỹ, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa trong khuôn viên Đại học Columbia, New York, Mỹ, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 2014, khi chuẩn bị bảo vệ luận án, chị Hoa biết tin Đại học Columbia tuyển một giảng viên. Nhìn nhận mình còn ít kinh nghiệm, lại chưa có bằng tiến sĩ, nhưng chị Hoa vẫn nộp hồ sơ để thử sức. Ngoài Columbia, chị còn nộp hồ sơ vào một số trường khác tại Mỹ, Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Nagoya (Nhật Bản).

Theo chị Hoa, mỗi trường có yêu cầu khác nhau nhưng đều phải có thư giới thiệu từ ba giáo sư. Với các trường Ivy League, tên tuổi trong ngành của người giới thiệu là tiêu chí rất quan trọng. Thư giới thiệu chị Hoa đến từ vị trưởng khoa ở UPenn và ba giáo sư nổi tiếng trong chuyên ngành ngôn ngữ học ứng dụng là Diane Larsen-Freeman, Nancy Hornberger và Yuko Butler. Cả bốn người đều là thành viên hội đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ của chị Hoa.

“Tôi không được biết nội dung thư, nhưng chắc chắn họ đã viết về tôi rất tỉ mỉ”, chị Hoa nhận định.

Ngoài ra, chị Hoa cũng minh chứng kinh nghiệm dạy học ở Việt Nam, kinh nghiệm giảng dạy độc lập một số lớp trong chương trình thạc sĩ của UPenn về phương pháp giảng dạy tiếng Anh và giao tiếp giao văn hóa.

Tháng 6 cùng năm, chị Hoa bảo vệ luận án tiến sĩ tại UPenn với điểm xuất sắc và được mời trình bày tại Đại học Quốc gia Singapore. Do đó, chị tranh thủ bay về Hà Nội thăm gia đình. Trong mấy ngày ngắn ngủi này, chị nhận được thư mời đến New York phỏng vấn ngay lập tức. Cuộc phỏng vấn sau đó phải thực hiện qua Skype, khiến chị lo lắng mình không thể hiện được hết ưu thế so với các ứng viên khác.

Hội đồng gồm bốn giáo sư của Đại học Columbia đã hỏi rất nhiều về chuyên ngành tiếp thụ ngôn ngữ thứ hai mà chị đang theo đuổi, cũng như kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo giáo viên tiếng Anh của chị.

Chị Hoa ấn tượng khi một giáo sư bất ngờ hỏi chị đã đọc cuốn Nhập môn tiếp thụ ngôn ngữ thứ hai của Susan Gass chưa?.

“Tôi trả lời câu hỏi này rất tốt vì may mắn đã đọc cuốn này rồi”, chị Hoa nói, cho biết đây là cuốn sách nhập môn với ngôn ngữ hàn lâm ở cấp độ khó. Khi đọc cuốn này lần đầu, chị Hoa đọc chậm, nhiều phần phải đọc đi đọc lại, tra cứu thêm các tài liệu khác mới có thể hiểu hết.

Chị Hoa nhìn nhận, trường tuyển vị trí giảng viên nên việc ứng viên nói năng trôi chảy, tự tin rất quan trọng. Nhờ kinh nghiệm nói chuyện trước đám đông, am hiểu kiến thức và sử dụng từ chuyên ngành tự nhiên, chính xác, chị Hoa đã có phần phỏng vấn suôn sẻ.

Dù vậy, chị không kỳ vọng nhiều vì nghĩ khó cạnh tranh được với các ứng viên khác để trở thành giảng viên ở một trường Ivy League. Nhưng một tuần sau, chị nhận được tin trúng tuyển.

Chị Hoa (áo đỏ) trong một buổi học của lớp Thực tập sư phạm tại trường sư phạm, Đại học Columbia, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Hoa (áo đỏ) trong một buổi học của lớp Thực tập sư phạm tại trường sư phạm, Đại học Columbia, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhận được lời mời ở hầu hết trường đại học đã ứng tuyển, chị Hoa quyết định chọn ngôi trường trong Ivy League.

Nhưng học kỳ đầu tiên ở Đại học Columbia đầy khó khăn. Chưa quen với môi trường mới, phải soạn bài nhiều, tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ, hướng dẫn sinh viên thạc sĩ khiến chị sụt 8 kg trong mấy tháng đầu.

“Mỗi bài chỉ dạy trên lớp hai tiếng nhưng tôi soạn mấy ngày không xong vì phải đọc nhiều tài liệu, rồi tổ chức các hoạt động và tìm nhiều cách để chuyển tải kiến thức khó cho sinh viên đến từ nhiều nơi trên thế giới”, chị Hoa nhớ lại.

Những ngày đầu tiên đứng lớp, chị Hoa khiến sinh viên bất ngờ vì quá trẻ. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy bằng tiếng Anh ở Việt Nam, chị vượt qua áp lực về tuổi tác, bước lên bục giảng tự tin, gần như không gặp khó khăn về giao tiếp.

Các môn học mà chị giảng dạy là Lý thuyết tiếp thụ ngôn ngữ thứ hai, Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, Giao tiếp giao văn hóa, Ngữ pháp tiếng Anh, dành cho sinh viên từ bậc thạc sĩ trở lên.

Theo truyền thống trong giới hàn lâm Mỹ, giáo viên tốt nghiệp trường nào sẽ mặc lễ phục của trường đó trong ngày tốt nghiệp của sinh viên mình. Chị Hoa (giữa) mặc lễ phục của UPenn, còn sinh viên của chị mặc áo cử nhân của Đại học Columbia năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo truyền thống trong giới hàn lâm Mỹ, giáo viên tốt nghiệp trường nào sẽ mặc lễ phục của trường đó trong ngày tốt nghiệp của sinh viên mình. Chị Hoa (giữa) mặc lễ phục bậc tiến sĩ của UPenn với ba sọc ngang đặc trưng ở tay, còn sinh viên mặc áo thạc sĩ của Đại học Columbia, năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhận xét trên hệ thống của trường sau học kỳ vừa qua, một sinh viên viết: “Tiến sĩ Nguyễn là một kho tàng kiến thức về lĩnh vực Tiếp thụ ngôn ngữ thứ hai và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Trước khi học lớp này, tôi tưởng rằng mình biết rất nhiều về giảng dạy ngoại ngữ qua 15 năm dạy học nhưng các hoạt động mà cô ấy giới thiệu trên lớp thật sự rất mới lạ, đặc sắc, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc học ngoại ngữ. Ngoài ra, tôi luôn cảm thấy mình và bạn bè được tôn trọng. Các ý kiến đều được cô ấy thành tâm lắng nghe, khen ngợi và góp ý để chúng tôi làm tốt hơn”.

Dự giờ tiết dạy của chị Hoa hôm 15/2, giáo sư Kelly Parkes, trưởng khoa Nghệ thuật và Nhân văn, trường Sư phạm, Đại học Columbia, nhận xét giảng viên người Việt đã “liên hệ lý thuyết với giảng dạy, thu hút học sinh qua các hoạt động thảo luận, viết trên bảng và trên bàn; sử dụng công nghệ mới để tạo ra các hoạt động trò chơi hoá lý thuyết, cùng sinh viên kiến tạo kiến thức, tạo ra sự phấn khởi trong học tập, giúp sinh viên hiểu các khái niệm khó một cách dễ dàng”.

Chị Hoa nói những phản hồi như thế là động lực để chị nỗ lực hơn trong công việc. Theo chị, làm giảng viên của đại học hàng đầu là vinh dự nhưng cũng áp lực.

“Quan trọng là phải có kiến thức. Kiến thức này được tích lũy qua thời gian dài mới giúp tôi có được sự tự tin trong lĩnh vực của mình. Khi giao tiếp, ngôn ngữ và phong cách thể hiện kiến thức đó phải ở đẳng cấp cao nhưng cũng phải cho thấy sự khiêm tốn, cầu thị và sẵn sàng học hỏi”, chị Hoa chia sẻ.

Thời gian tới, chị Hoa cho biết sẽ tham gia nhiều buổi chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cùng các đồng nghiệp trong nước.

Theo VNExpress