Cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt – Người mẹ từ tâm của hơn 1.000 sinh viên nghèo
Với tôi, mẹ Nguyệt đã để lại một cái gì đó thân thiện, gần gũi, đầy hơi ấm lan tỏa từ trái tim của một phụ nữ giàu lòng nhân hậu.
Có bao giờ bạn tự đặt cho mình một câu hỏi nghị lực là gì? Có ai thiếu hẳn nghị lực không? Khi một ai đó nhắc đến từ nghị lực, chắc hẳn bạn hiểu ngay người đó có một ý chí và đủ năng lực thắng mọi trở ngại, vấp váp để đạt chí hướng ấy. Nghị lực có phải chăng là một năng lực kỳ diệu trời phú mới có thể giúp ta làm những việc phi thường.
Có ư? Vậy đó, nghị lực trong mỗi chúng ta đều có, quan trọng bạn nhìn nhận nó lớn lao hay phi thường với từng người mà thôi. Nó sẽ bình thường với người này, nhưng lại là nghị lực với người khác.Vậy bạn hãy tự cho mình một chút thời gian để lặng thầm suy nghĩ, cuộc sống chỉ cho bạn những con người đầy nghị lực, giản dị đến bất ngờ. Ai là người mỗi ngày hoặc mỗi tuần không suy nghĩ, quyết định rồi thực hành một việc gì đó nhỏ hay lớn? Sáng chủ nhật tuần rồi, bạn thức dậy, do dự không biết nên đi thăm một người quen hay đi xem một buổi hoà nhạc, sau đó bạn quyết định đi thăm người quen, ăn sáng xong, bạn thay quần áo đi liền. Như vậy là bạn có nghị lực rồi đấy. Bạn cũng đã có lần nào chân mỏi rã rời trong một chuyến du lịch bụi mà cũng ráng quẩy đồ trên vai, lết từng bước hàng mấy cây số nữa để tới chỗ nghỉ không?
Biết bao tấm gương nghị lực đã và đang xây nên một giấc mơ đời. Với hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng sáng lập trung tâm Nghị Lực Sống: “Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết. Nhưng chỉ cần như vậy thôi thì cuộc sống vẫn là điều tươi đẹp”. Như nghệ sĩ Hà Chương “Dẫu ta hình hài không nguyên, dẫu ta là vầng trăng khuyết – Tim ta ngập tràn hy vọng, tim ta đầy nghị lực sống”. Hay doanh nhân thành đạt Nguyễn Sơn Lâm từng nói “Chỉ khi bạn quan tâm đến những gì bạn cho đi, bạn mới là người hạnh phúc”.
Cuối năm 2012 khi tôi ra Hà Nội, cơ duyên đã cho tôi biết đến mẹ – cô giáo Tôn Thị Thu Nguyệt giảng viên tiếng Anh Trường Đại học Ngoại Ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi với tuổi thơ đầy gian khó, cũng phải từng vật lộn mưu sinh, bằng mọi giá nuôi dưỡng giấc mơ đại học của mình. Chính đôi mắt long lanh, vẻ đẹp nhân hậu đã in sâu trong trái tim cô nữ sinh Thu Nguyệt thời đó – điềm báo một vầng trăng rạng ngời mai sau.Vâng, biết bao tấm gương nghị lực, nhiều vô kể. Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến một người mẹ từ tâm: “Trong chuyên môn, cần phải nhìn lên để thấy mình còn thiếu nhiều, cần học, rèn luyện nhiều. Còn trong cuộc sống, cần phải biết nhìn xuống, để thấy còn nhiều người khốn khó hơn mình, thiệt thòi hơn mình”. Chỉ cần có thế, với 18 năm cô Nguyệt đã tiếp thêm cho hàng ngàn nghị lực. Và nghị lực của cô trong việc truyền nghị lực cho sinh viên nghèo còn đong đầy con tim…
Với tôi, mẹ đã để lại một cái gì đó thân thiện, gần gũi, đầy hơi ấm lan tỏa từ trái tim của một phụ nữ giàu lòng nhân hậu. Sau lần tiếp xúc trò chuyện, biết được tâm tư nguyện vọng của tôi, mẹ đã khuyên tôi học ngoại ngữ, đã sẽ chia, an ủi trong lúc khó khăn. Những khoản trợ cấp nho nhỏ của mẹ, từng là bục nâng đỡ tôi qua những lúc cùng cực nhất. Đó là khi tôi từ Hà Nội quay về Sài Gòn tìm việc làm, là một người khuyết tật, trong người không có một xu dính túi, những khoản học phí còn đang phía trước (tôi đang theo học đại học từ xa hệ trực tuyến trường khoa học tự nhiên TP HCM). Khi đó, kinh tế gia đình đã dành hết cho tôi trong ca phẫu thuật cột sống.Năm 1996, cô đã sáng lập ra chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên người dân tộc thiểu số quê vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một người mẹ từ tâm hơn 18 năm qua đã không ngừng giúp đỡ những sinh viên nghèo. Báo chí đã ca ngợi mẹ nhiều, nhiều lắm. Ngay cả khi đã về hưu, với đồng lương hưu ít ỏi, mẹ đã một phần nào đó làm nên những doanh nhân, nhạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân…
Xin cảm ơn nghị lực của mẹ đã tiếp truyền cho muôn vàn nghị lực khác!
Nguồn: vnexpress.net