Chương trình Phát triển kỹ năng mềm – ULIS đồng hành cùng sinh viên trong hành trình trưởng thành
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG MỀM – TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ, ĐHQGHN ĐỒNG HÀNH CÙNG SINH VIÊN TRONG HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH
Trong cuộc sống hiện đại mà bạn đang trải nghiệm, xã hội không chỉ lấy tiêu chí bằng cấp để đánh giá mà quan trọng hơn là năng lực thực tế và hiệu quả công việc bạn hoàn thành, các chỉ số sáng tạo trong công việc bạn đã triển khai. Khi học tập ở Trường Đại học Ngoại ngữ, có lúc nào các bạn tự hỏi: Sinh viên ULIS đang ở đâu trong thị trường lao động hiện nay? Các bạn định vị mình như thế nào trong một thế giới toàn cầu đang xoay chuyển hàng ngày?
Theo như định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc), kỹ năng của thế kỷ 21 bao gồm 4 nhóm kỹ năng chính.
- Thứ nhất là nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ.
- Thứ hai là nhóm các kỹ năng tư duynhư sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.
- Thứ ba là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.
- Cuối cùng là kỹ năng sống (thích nghi) trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa.
Những kỹ năng của thế kỷ 21 được nhiều nước xác nhận nhất: Giao tiếp; Sáng tạo; Tư duy phản biện; Giải quyết vấn đề. Nguồn: Trung tâm Giáo dục Toàn cầu tại Viện Brookings.
Với mục tiêu của Trường Đại học Ngoại ngữ luôn đồng hành cùng hành trình trưởng thành của Sinh viên, trong học kì tới, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên thuộc Phòng Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên sẽ triển khai ba chương trình phát triển kĩ năng mềm hỗ trợ các bạn phát huy tổng hợp năng lực cá nhân, phát triển tố chất đáp ứng yêu cầu cao của xã hội.
SINH VIÊN ULIS THÀNH THẠO CÔNG NGHỆ
(trong đó có công nghệ dạy học)
Cụm từ “Cách mạng công nghệ 4.0” hiện đang được nhắc liên tục trong đời sống hiện đại. Trên các phương tiện truyền hình, báo chí, người ta cũng nhắc nhiều hơn tới “trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things), tới Robot, in 3D, tới rất nhiều thứ nghe rất xa lạ với môi trường học tập và sinh hoạt với sinh viên Ngoại ngữ. Thế nhưng, những thứ đó đều hoàn toàn trở thành hiện thực trong xã hội hiện tại. Bạn có tin chỉ nay mai khi ra trường, bạn có thể bị thay thế, đào thải khỏi công việc bạn đang làm nếu bạn không giỏi hơn, xuất sắc hơn. Vì vậy hãy nỗ lực xác lập vị trí của mình khi còn thời gian.
Cách mạng công nghệ 4.0 vừa là cơ hội cũng là thách thức vô cùng lớn đối với tất cả chúng ta, nếu Sinh viên ULIS không sẵn sàng, chủ động thay đổi cách sống, cách làm việc của mình trước đây và trong hiện tại. Bạn đã chứng kiến ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ đời sống xã hội và giáo dục trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 kéo dài. Ngành giáo dục trong thời đại cách mạng 4.0, học sinh sẽ không còn phải nghỉ học vì thời tiết khắc nghiệt hay dịch bệnh? Chỉ cần ở một nơi nhất định, bạn có cơ hội với các thầy cô đến từ khắp các châu lục và vẫn có thể tương tác với nhau như đang ngồi trong cùng một nơi. Khoảng cách về không gian, địa lý và thời gian không phải là rào cản. Nếu bắt kịp kiến thức về những công nghệ mới nhất, quan trọng nhất, dù bạn không phải đã từng là lập trình viên hay chuyên gia máy tính, bạn vẫn có thể thích ứng với mọi thay đổi về công nghệ và làm chủ nó dễ dàng.
SINH VIÊN ULIS – VÌ SAO CHÚNG TÔI CHỌN BẠN
Đây là một chương trình thực hành, thực tế khá lí thú. Trong chương trình này, chúng tôi mời các chuyên gia, nhà giáo dục và đại diện doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm tới các bạn sinh viên, đồng thời cùng có những thử thách nho nhỏ để SV ULIS trải nghiệm, phát hiện tố chất, năng lực tiềm ẩn trong bản thân, tự tin trước nhà tuyển dụng và khẳng định thực tế: Vì sao các nhà tuyển dụng cần chọn Sinh viên ULIS.
KĨ NĂNG TRỞ THÀNH CÔNG DÂN TOÀN CẦU
Ngày nay, thế hệ trẻ có xu hướng định hình bản thân trở thành công dân toàn cầu. Để vượt thoát khỏi vùng an toàn hay không gian nhỏ bé quanh bản thân, mỗi người trẻ đều cần phải tự khai phá tiềm năng, mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ mang tầm quốc tế. Với mong muốn xây dựng môi trường bứt phá của cá nhân, chương trình được xây dựng nhằm giúp sinh viên Trường rèn luyện trong môi trường giáo dục đạt được những tiêu chuẩn của công dân toàn cầu.
Một trong những đặc điểm công dân toàn cầu là trở thành một công dân tích cực, đó là những cá nhân có kiến thức và hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội của toàn cầu; có kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo; có bản sắc cá nhân và tôn trọng sự đa dạng, biết chung sống trong và đóng góp cho cộng đồng. Chương trình “Công dân tích cực, Doanh nghiệp xã hội” mà Trường Đại học Ngoại Ngữ hợp tác cùng Hội đồng Anh Việt Nam hiện đã triển khai các khóa đào tạo cho sinh viên và giảng viên Nhà trường và còn nhiều chương trình tiếp nối hình thành năng lực, phẩm chất công dân toàn cầu cho Sinh viên.
Nghiên cứu của các nhà xã hội học cho thấy, người thành công chỉ có 25% là do kiến thức chuyên môn 75% còn lại là do nắm bắt, sử dụng thành thục những kỹ năng mềm. Trước nhu cầu phát triển, hội nhập của Việt Nam với thế giới kinh tế tri thức, với kỷ nguyên Internet đã khiến cho giới hạn địa lý, giới hạn dân tộc ngày càng thu hẹp. Trong thời đại toàn cầu, công dân toàn cầu, những kỹ năng mềm (kỹ năng sống) như giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, chấp nhận sự khác biệt, ứng xử đa văn hóa,… càng trở thành hành trang không thể thiếu với bất cứ một người nào, đặc biệt là học sinh, sinh viên- nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Thực tế trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường đặt những câu hỏi tưởng chừng không ăn nhập gì với vị trí tuyển dụng nhưng đó lại là cách để “đo” kỹ năng mềm, mức độ thích nghi công việc của ứng viên, như vậy kỹ năng mềm ngày càng được coi trọng. Ngoài bằng cấp chuyên môn, việc bổ sung, học hỏi thêm các kỹ năng bổ trợ cho công việc sẽ giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm được việc làm, mở ra nhiều cơ hội tốt trong quá trình phát triển sự nghiệp.
Theo ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc ngân hàng Mitsubishi UFJ Việt Nam, hầu hết các công ty, doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ sự tiếc nuối về nguồn nhân lực của Việt Nam chưa thể hiện được ưu thế vì kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm của người Việt Nam chưa tốt: “Tôi rất tiếc là các sinh viên học được rất nhiều ở trường, nhưng để chuyển giao kiến thức thành kĩ năng làm việc lại không làm được, không áp dụng được thực tế và khi có một vấn đề gì, các bạn cũng không nói chuyện hay trao đổi được với cấp trên”. Điều đáng tiếc ở sinh viên hiện nay cũng trở thành động lực mạnh mẽ để Nhà trường và sinh viên Ngoại ngữ cùng đồng hành trên con đường bứt phá năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách sống trong tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình.
Sinh viên quan tâm tới các khóa đào tạo kĩ năng mềm, xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ: Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên (Phòng Chính trị và Công tác Học sinh sinh viên).
Địa điểm: P.304 A1 Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Điện thoại: 024 6683216