Chương trình Lạng Sơn: Làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT và các trường THPT
Ngày 23/10/2018, đoàn công tác của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN do Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Chuyến đi nằm trong kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác chính thức về việc hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng giảng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là “Chương trình Lạng Sơn”). Chương trình này nhằm triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh bậc THPT với sự đổi mới, tăng cường thực hành, thực nghiệm, thực địa theo phương châm “3 cùng” phù hợp đặc thù cơ sở địa phương của Lạng Sơn. Tham dự đoàn cùng với Hiệu trưởng còn có Chủ tịch Hội đồng Tư vấn HTPT Nguyễn Lân Trung, các thành viên trong Ban Chỉ đạo và đại diện cán bộ tham gia chương trình.
Đầu tiên, đoàn đã tới thăm Trường THPT Hữu Lũng. Sau khi gặp mặt lãnh đạo trường, đoàn đã triển khai khảo sát ngay tình hình giảng dạy của giáo viên để tìm hiểu về hoạt động dạy và học tiếng Anh tại đây cũng như ghi nhận các đề xuất, đóng góp của ngôi trường có hơn 50 năm lịch sử này. Đoàn đã nhận được sự phản hồi nhiệt tình từ phía lãnh đạo, giáo viên và học sinh Hữu Lũng. Đặc biệt, các lãnh đạo và giáo viên Trường THPT Hữu Lũng đã đưa ra một số đề xuất giá trị liên quan đến việc triển khai Chương trình Lạng Sơn.
Làm việc tại Trường THPT Hữu Lũng
Tặng kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia 2018 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” cho trường
Chụp ảnh lưu niệm với trường
Điểm làm việc thứ hai của đoàn là tại Trường THPT Chuyên Chu Văn An, ngôi trường mũi nhọn trong hệ thống giáo dục và đào tạo THPT ở Lạng Sơn. Tại đây, đoàn cũng đã gặp mặt lãnh đạo và giáo viên ngoại ngữ của trường để ghi nhận hoạt động đào tạo ngoại ngữ ở trường. Trường Đại học Ngoại ngữ là lựa chọn đại học của nhiều học sinh Trường THPT Chuyên Chu Văn An trong những năm qua. Do đó, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã bày tỏ mong muốn Nhà trường giúp đỡ cũng như tạo điều kiện chia sẻ thông tin tuyển sinh tới các em. Nhân dịp này, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ Nguyễn Phú Chiến cũng đã chia sẻ về lịch sử, hoạt động đào tạo, thành tích của trường để tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa hai trường THPT chuyên sau này.
Làm việc tại Trường THPT Chuyên Chu Văn An
Hai bên trao quà tặng
Chụp ảnh lưu niệm với Nhà trường
Trong buổi làm việc tại Sở GD&ĐT Lạng Sơn với sự tham gia của lãnh đạo 11 Trường THPT (thuộc huyện Hữu Lũng, Lộc Bình và Thành phố Lạng Sơn), Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Trần Quốc Tuấn đã giới thiệu, nhấn mạnh về ý nghĩa của Chương trình Lạng Sơn. Sở GD&ĐT Lạng Sơn đặt nhiều kỳ vọng và đánh giá cao sự tích cực, hiệu quả hoạt động của Trường Đại học Ngoại ngữ.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lạng Sơn và lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết “Chương trình Lạng Sơn” là một hoạt động nằm trong chức năng phục vụ cộng đồng của Nhà trường với mong muốn từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên cả nước. Hiệu trưởng cũng khẳng định chương trình được Nhà trường hết sức coi trọng và Ban Giám hiệu cũng như các thầy cô trong trường sẽ đồng hành để hiện thực hóa mong muốn nâng cao năng lực tiếng Anh hơn nữa của tỉnh. Nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy và học ngoại ngữ cho hơn 80 giáo viên và hàng nghìn học sinh tại 12 trường THPT và 3 huyện thị ở Lạng Sơn. Giáo viên sẽ được bồi dưỡng theo mô hình mới, trong môi trường thực hành giảng dạy với mục tiêu, kết quả cụ thể.
Trong buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Lân Trung đã trình bày những hoạt động mà Trường Đại học Ngoại ngữ đã triển khai trong thời gian vừa qua trong khuôn khổ chương trình đặc biệt là với sự thành lập 9 nhóm chuyên trách. Đoàn cũng làm việc trực tiếp với lãnh đạo 11 Trường THPT để thảo luận về các hoạt động triển khai tiếp theo.
Chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Sở GD&ĐT và các trường THPT
Hoạt động làm việc tại Lạng Sơn với các trường THPT địa phương trong ngày 23/10 đã kết thúc với kết quả tốt đẹp, làm bước đệm để Nhà trường tiếp tục triển khai các hoạt động khảo sát, thực địa, bồi dưỡng tiếp theo.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media