Chủ tịch Hội Sinh viên chia sẻ về mô hình cộng đồng ngoại ngữ tại ULIS
Nâng cao bản lĩnh, trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên để hội nhập quốc tế là một trong những vấn đề được các đạị biểu nêu ra tại phiên thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam” diễn ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 10/12.
Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ chương trình của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kì 2018-2023. Tại đây, Chủ tịch Hội Sinh viên ULIS Đặng Huyền Thư đã có những chia sẻ về mô hình cộng đồng ngoại ngữ được triển khai tại trường.
Hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại trên thế giới.
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Trong những năm qua, các cấp bộ Hội đã chú trọng tổ chức các hoạt động tạo môi trường giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, trang bị kiến thức nhằm nâng cao khả năng hội nhập quốc tế. Các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về hội nhập, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế được các cấp bộ Hội triển khai theo nhiều hình thức như: Hội thi Olympic tiếng Anh sinh viên toàn quốc; Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh toàn quốc; Chương trình giao lưu “Gặp gỡ Việt Nam”; Chương trình Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu quốc tế giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên nước ngoài được Hội Sinh viên các cấp quan tâm thực hiện, góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hoá, con người Việt Nam. Các hoạt động trang bị, huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội, các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động… cho sinh viên được nhiều cơ sở Hội chú trọng, bước đầu triển khai có hiệu quả thông qua việc bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết trong quá trình học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng, để hội nhập của Hội Sinh viên chưa thực sự toàn diện, chưa đầu tư đúng mức và đồng đều. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên học tập, rèn luyện kỹ năng thực hành tiếng Anh được nhiều đơn vị tổ chức nhưng có sức thu hút chưa cao, chỉ dừng lại ở nhóm sinh viên có khả năng tiếng Anh tốt.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung để trao đổi, thảo luận, chia sẻ các mô hình sôi nổi các nội dung như: nâng cao bản lĩnh, trang bị kiến thức, kỹ năng cho sinh viên để hội nhập tốt; đẩy mạnh phong trào học tập ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong sinh viên; tăng cường hoạt động giao lưu, đối ngoại thanh niên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất kết nối, phối hợp giữa Hội Sinh viên các tỉnh, trường trong nước với các Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Trọng Hoàng Nam, sinh viên Thạc sĩ ngành Chính sách Công, ĐH Bristol, thành viên Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Trọng Hoàng Nam, sinh viên Thạc sĩ ngành Chính sách Công, ĐH Bristol, thành viên Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh khẳng định: “Trước hết, muốn hội nhập được phải biết tôn trọng. Phải biết tôn trọng bản thân, trường học, tổ chức, văn hóa đất nước mình để không đánh mất bản sắc dân tộc, sau đó là tôn trọng đất nước bạn. Muốn để người khác tôn trọng mình thì chúng ta phải có các kỹ năng khác như: kỹ năng mềm, kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng chuyên môn, văn hóa ứng xử…
Việc triển khai tiếng Anh trong các trường đại học, có thể thấy số lượng cao nhưng chất lượng chưa cao. Rào cản ngôn ngữ để tiến tới hội nhập khá lớn. Rất mong các bạn sinh viên thật sự tâm huyết với chuyên ngành mình theo học có thể tập trung giao lưu và đưa ra quy chuẩn hơn về ngành mình học để có thể mở rộng hội nhập hơn”.
Đại biểu Đặng Huyền Thư – Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Đại biểu Đặng Huyền Thư – Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia gia Hà Nội chia sẻ về mô hình cộng đồng ngoại ngữ của Đại học Ngoại ngữ, nhằm lan tỏa hình thức hội nhập hiệu quả. Đây cũng là mô hình được Hội Sinh viên TP Hà Nội công nhận là mô hình tiêu biểu trong 2 năm liền.
Theo đó, mô hình được hoạt động theo hình thức lớp học miễn phí, tại lớp học này chính sinh viên lại là giáo viên của các bạn sinh viên và xây dựng cộng đồng hỗ trợ cùng nhau phát triển. Trong sinh viên nhà trường không chỉ cùng nhau phát triển ngôn ngữ mà thông qua đó đã trang bị cho các bạn sinh viên các kiến thức mềm về các quốc gia trên thế giới và quan trọng hơn nữa là bồi dưỡng cho các bạn những kỹ năng hội nhập cần thiết để các bạn sinh viên có thể sẵn sàng để hội nhập với thế giới; đồng thời mô hình cộng đồng ngoại ngữ này có thể giúp mỗi bạn sinh viên phấn đấu để rèn luyện trở thành Sinh viên 5 tốt, tạo môi trường để cho các bạn sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ sư phạm và tích lũy kiến thức học học lẫn nhau .
Đồng chí Nguyễn Đức Cương, Phó Trưởng Ban thanh niên Quân đội |
Đồng chí Nguyễn Đức Cương, Phó Trưởng Ban thanh niên Quân đội khẳng định: “Hội nhập quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, muốn hội nhập phải có ngoại ngữ”. Đồng chí Nguyễn Đức Cương dẫn chứng ở trường Quân đội, ngoại ngữ được đưa vào học từ năm đầu tiên nhưng năm cuối mới thi, làm như vậy để đòi hỏi sinh viên phải tự học tập, trau dồi trong suốt quá trình.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thành lập các Câu lạc bộ tiếng Anh, đưa tiếng Anh vào môi trường làm việc như: lịch đào tạo, huấn luyện đều được triển khai song ngữ, bản tin nội bộ phát bằng tiếng Anh, sáng tạo và ứng dụng tiếng Anh trong nghệ thuật như sáng tác nhạc, tiểu phẩm… để tạo môi trường học tập, rèn luyện cho các học viên.
Tham gia phiên thảo luận còn có ý kiến của cán bộ đoàn, hội đến từ khắp các miền của đất nước nhằm phát huy trí tuệ tinh thần trách nhiệm giúp Hội sinh viên Việt Nam nhận ra được nhiều vấn đề thực trạng trong hội nhập quốc tế, từ đó đề ra hướng giải quyết để đưa đất nước mở rộng hội nhập quốc tế.