Chiến dịch Điện Biên Phủ: Thắng lợi vẻ vang của chiến tranh nhân dân
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã đập tan kế hoạch Nava của Pháp, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta. Chiến thắng đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, là kết quả của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và tận dụng thời cơ biến khó khăn thành thuận lợi.
Thực hiện kế hoạch Nava từ giữa năm 1953, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh”. Tuy nhiên đánh giá tình hình thực lực của hai bên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra quyết định khó khăn: dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc” nhằm bảo toàn lực lượng và cắt đường tiếp viện của địch, đẩy địch vào thế cô lập.
Trung tướng Đặng Quân Thụy khi đó làm nhiệm vụ nắm tình hình của địch ở Điện Biên Phủ cho biết: “Quyết tâm rất cao và rất linh hoạt, đã thay đổi chiến lược từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Vì lúc đầu địch còn ít, sau này tăng cường lên được đến 12 tiểu đoàn rồi, công sự đã được xây dựng chắc chắn. Nếu ta vẫn đánh nhanh thì có thể có thiệt hại. Cho nên ta phải chuyển sang đánh chắc tiến chắc, đánh từng bước một, đánh từ ngoài vào trong.”
Với tinh thần tất cả dồn sức cho Điện Biên Phủ, trong chiến dịch, nhân dân các địa phương đã đóng góp hàng chục nghìn tấn gạo, hàng nghìn tấn thực phẩm, trên 26.400 lượt dân công, gần 21.000 xe đạp thồ, hàng trăm ngựa thồ… Đồng bào Tây Bắc đã giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch, để bộ đội ăn no, đánh thắng. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã được đẩy lên một tầm cao mới góp phần hóa giải khó khăn thành thuận lợi.
PGS.TS Nguyễn Đình Lê, nguyên giảng viên khoa Lịch sử Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đánh giá: “Trong 9 năm kháng chiến, từng bước một ta giữ lực lượng, nhưng đấy phải là cuộc chiến tranh nhân dân, của toàn dân, không của ai hết, lực lượng vũ trang chỉ là lực lượng trụ cột cho toàn dân đánh giặc thôi. Chính vì thế nên giành thắng lợi ở ĐBP chính là cuộc chiến tranh nhân dân vô địch.”
Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trong tháng 4, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Theo Đại tá Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ viện Lịch Sử quân sự, đây còn là chiến thắng của chiến thuật: “Chúng ta vẫn kém xa Pháp và Mỹ, nhưng cái quan trọng là cái cách sử dụng binh hỏa lực như thế nào để giành chiến thắng, thì về mặt chiến thuật nó có bước phát triển mới, chúng ta đánh diệt từng cứ điểm một, theo phương án đánh chắc thắng chắc.”
Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chiến thắng mang ý nghĩa biểu tượng lớn: “Là quân đội của một nước nhược tiểu, Việt Nam ở thời điểm đó lại đánh thắng và bắt sống toàn bộ quân đồn trú trong tập đoàn cứ điểm ĐBP. Điều này có ý nghĩa biểu tượng rất lớn, là trước các thế lực xâm lược mạnh như thế, thì quân và dân Việt Nam vẫn có thể chiến thắng được.”
55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn, thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975./.