Chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các vấn đề về dịch thuật
Ngày 23/1/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Trao đổi các vấn đề về dịch thuật”.
Tham dự có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Ngoại ngữ, Ngôn ngữ và Quốc tế học Nguyễn Ngọc Anh; các giảng viên và cán bộ quan tâm trong và ngoài trường.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết ULIS là trường chuyên về ngoại ngữ nên dịch thuật là một công việc thường xuyên của các cán bộ giảng viên. Do đó, các buổi trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm dịch thuật này là vô cùng cần thiết, giúp các thầy cô tháo gỡ các khó khăn trong quá trình dịch. PGS. TS. Lâm Quang Đông cũng đưa ra một số gợi ý đề tài, sách nghiên cứu về dịch thuật để các thầy cô tham khảo. Phó Hiệu trưởng mong rằng qua buổi tọa đàm, các thầy cô sẽ có thêm những ý tưởng mới để nghiên cứu nên những công trình giúp quảng bá cho Nhà trường và phục vụ xã hội.
Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông gợi ý đề tài nghiên cứu cho các thầy cô
TS. Nguyễn Ngọc Anh hy vọng đây không chỉ là buổi chia sẻ kinh nghiệm một chiều mà còn là tọa đàm để các thầy cô trao đổi, góp ý, phản biện
Mở đầu bài thuyết trình đồng thời là buổi chia sẻ kết quả của công trình nghiên cứu mới với chủ đề “Nghiên cứu dịch thuật và phê bình đánh giá dịch thuật”, PGS. TS. Lê Hùng Tiến đã khẳng định vai trò của dịch thuật bằng việc trích dẫn câu nói “Sẽ không có lịch sử thế giới nếu không có dịch thuật” (Without translation, there is no history of the world) của nhà nghiên cứu L.G. Kelly.
Ông cho biết nghiên cứu dịch thuật chia làm 2 mảng là nghiên cứu dịch thuật thuần túy (mô tả những hiện tượng của dịch thuật, thiết lập những nguyên tắc chung để giải thích và tiên đoán những hiện tượng dịch thuật) và nghiên cứu dịch thuật ứng dụng (đào tạo dịch thuật, trợ giúp dịch thuật, phê bình dịch thuật).
PGS. TS. Lê Hùng Tiến đã giải thích các khái niệm và đưa người nghe đi theo chuyến tàu lịch sử ngành dịch thuật với các nhà phiên dịch nổi tiếng. “Người dịch đã lập ra chữ cái, giúp xây dựng ngôn ngữ và các từ điển. Họ đóng góp vào việc hình thành các nền văn học dân tộc; truyền bá kiến thức và tôn giáo; là người du nhập văn hóa và các giá trị chủ chốt của các thời điểm lớn của lịch sử. Biên dịch và phiên dịch viên đã đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của xã hội và hình thành lịch sử tri thức.” – Deslisle và Woodsmonth đã chỉ ra tầm quan trọng của dịch thuật và thông dịch viên như vậy.
Nghiên cứu của PGS. TS. Lê Hùng Tiến cho thấy các quan điểm và lý thuyết ngôn ngữ học cơ sở của những lý luận và mô hình phê bình đánh giá dịch thuật đã được khảo cứu, phân tích, phê phán, đánh giá và tổng kết lại thành một hệ thống làm nền tảng lý luận cho việc chọn lựa, điều chỉnh và đề xuất những mô hình thích hợp với những mục đích và thực tiễn phê bình đánh giá dịch thuật Anh-Việt. Nghiên cứu điều tra khảo sát hiện trạng dịch thuật và phê bình đánh giá chất lượng dịch thuật ở trong nước qua bảng hỏi và phỏng vấn chuyên gia, dịch giả chuyên nghiệp và độc giả cho những thông tin sát thực về hiện trạng và những bất cập về lý luận và thực hành dịch thuật nói chung và phê bình đánh giá dịch thuật Anh-Việt nói riêng ở Việt Nam.
Trong phần sau của chương trình, PGS. TS. Lê Hùng Tiến và các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình dịch thuật, trao đổi về các khó khăn trong quá trình dịch của bản thân. Buổi tọa đàm trao đổi các vấn đề về dịch thuật đã thu hút khoảng 40 người tham gia với phản hồi tích cực.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media