Chân dung 5 nhóm/cá nhân đạt danh hiệu Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2022 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chân dung 5 nhóm/cá nhân đạt danh hiệu Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2022

Ngày 11/01/2023, ĐHQGHN đã công bố trao Giải thưởng “Nhà giáo ĐHQGHN của năm 2022” cho 10 cá nhân. Trong đó, có 5 cá nhân/nhóm xuất sắc được nhận giải đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ ở nội dung “Nhà giáo đổi mới sáng tạo”.

Đó là:

  1. Nhóm Cộng đồng chuyên môn Giáo dục khai phóng 

Tham gia ở hạng mục “Đổi Mới Sáng Tạo Trong Xây Dựng Và Phát Triển Cộng Đồng Chuyên Môn Giáo Dục Khai Phóng Hướng Tới Kết Nối Và Lan Tỏa Giá Trị Tới Cộng Đồng”, nhóm gồm 10 thành viên:

  • TS Nguyễn Thu Lệ Hằng (Trưởng nhóm) – GV Khoa SPTA – ĐHNN
  • PGS. TS Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN-ĐHQGHN
  • TS Nguyễn Thị Linh Yên – GV Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá các nước nói tiếng Anh, trường ĐHNN
  • TS Tạ Nhật Ánh – Phó Trưởng BM Tâm lý – Giáo dục, ĐHNN-ĐHQGHN
  • TS Đào Thị Diệu Linh – Trưởng BM Tâm lý-Giáo dục, ĐHNN-ĐHQGHN
  • TS Phạm Dương Hồng Ngọc – Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, ĐHNN-ĐHQGHN
  • TS Nguyễn Thị Thơm Thơm – GV Khoa SPTA – ĐHNN-ĐHQGHN
  • TS Nguyễn Thị Thu Dung – Phòng Khoa học Công nghệ
  • ThS Văn Thị Thanh Bình – GV Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá các nước nói tiếng Anh, trường ĐHNN
  • ThS Nguyễn Thị Hợp – GV Khoa tiếng Anh, trường ĐHNN

Với hạng mục tranh giải này, nhóm đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Thứ nhất, về mặt học thuật, cộng đồng chuyên môn (CĐCM) Giáo dục khai phóng đã có nhiều công bố đa dạng được đăng tải trong các hội thảo quốc gia, quốc tế, tạp chí khoa học. Chẳng hạn như trong Hội thảo Quốc Gia UNC 2022, Hội thảo Quốc tế VietTesol 2022, cộng đồng chuyên môn giáo dục khai phóng đã có nhiều bài viết về nội dung sức khoẻ tinh thần, trí tuệ cảm xúc của người dạy và người học.

Thứ hai, về hoạt động đào tạo, nhóm đã xây dựng và nghiệm thu thành công đề cương học phần Trí tuệ cảm xúc và giao tiếp xã hội dành cho sinh viên, hiện tại đã đưa vào giảng dạy đến lần thứ 3.

Thứ ba, cộng đồng chuyên môn giáo dục khai phóng đã hướng tới thay đổi một cách tích cực từng thành viên trong nhóm giáo dục khai phóng theo triết lý “thầy cô giáo hạnh phúc thay đổi thế giới”. Do vậy, cộng đồng chuyên môn giáo dục khai phóng thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ chuyên môn, các buổi retreat, đặc biệt là cộng đồng duy trì các hoạt động chia sẻ và thực hành trong chuỗi hoạt động Calm Cafe đều đặn theo tháng, cho đến nay đã tổ chức được 7 buổi Calm Cafe (5/ 2022 – 11/2022).

Và rất nhiều thành tích của nhóm đã được ghi nhận theo 3 lĩnh vực chính: nghiên cứu khoa học, đào tạo và phục vụ cộng đồng. Ở lĩnh vực Nghiên cứu khoa học:

  • Tháng 4 năm 2022, CĐCM Giáo dục khai phóng chủ trì 1 tiểu ban- TB số 18 trong Hội thảo thường niên của ĐHNN – ĐHQGHN (UNC 2022) với 12 bài báo cáo của cả giảng viên và sinh viên, đón nhận trung bình 40 lượt người tham dự cho mỗi báo cáo. 06 thành viên của Cộng đồng chuyên môn giáo dục Khai phóng có bài trình bày trong phiên của TB 18.
  • Thành viên của CĐCM Giáo dục khai phóng tham gia báo cáo tại Hội thảo quốc tế Viettesol VIC 2022 tháng 9/2022 về đề tài: Tác động của ‘Hiểu mình – Thương mình’ tới tính tự lập của người học
  • Nhóm giảng viên CĐCM Giáo dục khai phóng đang hoàn thành nghiệm thu dự án nhiệm vụ 844 về Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp năm 2021 và được phê duyệt nhiệm vụ 844 năm 2022.
  • CĐCM Giáo dục khai phóng tham gia dự án SILKEN (Social Innovation Linkages for Knowledge Exchange Network) Vietnam là dự án được triển khai bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam, kết hợp với các đối tác là một số trường đại học tại Vương quốc Anh và 06 trường đại học tại Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Mục tiêu của dự án là triển khai và vận hành các đơn vị đổi mới sáng tạo xã hội trong các trường đại học, hướng tới phát triển chương trình giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật, quốc tế hoá. Dự án được hỗ trợ khoản tiền: 53.948.985 VND. Nhằm cung cấp những thông tin liên quan tới dự án cho các đơn vị, nhóm đã tổ chức Toạ đàm Giới thiệu về dự án SILKEN Vietnam cùng các Thầy cô lãnh đạo toàn trường ngày 06/10/2022.
  • CĐCM Giáo dục khai phóng tổ chức 2 đợt retreat (dã ngoại kèm tập huấn viết giáo trình và báo cáo Hội thảo) cho các thành viên tại Ninh Bình tháng 5/2022 và Hạ Long 6/2022

Ở lĩnh vực đào tạo:

  • Trong năm học 2022-2023 thành viên CĐCM Giáo dục khai phóng đã tham gia điều chỉnh các môn học mới và giảng dạy các môn như sau (tính đến hết HK1)
  • ​Trí tuệ cảm xúc và Giao tiếp xã hội: số lượng các lớp là 03 lớp với 77 sinh viên
  • ​Thiết kế cuộc đời: 2 lớp với 61 sinh viên
  • ​Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp: 14 lớp với 757 sinh viên
  • Bên cạnh đó, nhóm các thành viên CĐCM Giáo dục khai phóng phụ trách các học phần đã hoàn thành giáo trình giảng dạy slide và tài liệu bài giảng, hoàn thành việc nghiệm thu thành công 3 môn học.
  • Về xây dựng môn học mới, 01 thành viên CĐCM Giáo dục khai phóng đang chủ trì việc xây dựng môn học mới Giáo dục cách tân cho khoa SPTA và 04 thành viên đang tham gia xây dựng môn học Phát triển nghề nghiệp và Đạo đức nhà giáo cho Bộ môn Tâm lý – Giáo dục.

Ở lĩnh vực Phục vụ Cộng đồng và các Hội thảo:

  • CĐCM Giáo dục khai phóng tổ chức khóa bồi dưỡng về Trí tuệ cảm xúc và giao tiếp xã hội cho cán bộ và giảng viên các trường trong khối Đại học Quốc gia, thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 năm 2022.
  • Tọa đàm cho các trường ĐH Sư Phạm 2 (tháng 3/2022), THPT Lương Thế Vinh (14/05/2022), THCS UMS (8/10/2022) và ĐH Hải Phòng (24/10/2022). Ngoài ra CĐCM Giáo dục khai phóng tổ chức thành công Tọa đàm ứng dụng Trí tuệ cảm xúc trong cuộc sống và nghề nghiệp, với sự tham gia của khách mời là các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước.
  • Tổ chức thành công trại hè Khơi nguồn yêu thương dành cho con em ULIS và VNU+ (mở rộng) tháng 8/2022
  • Phối hợp cùng với Tổ chức Wake up schools và Doanh nghiệp Xã hội Anban tổ chức The Calm Café định kỳ, triển khai từ tháng 5 đến tháng 11 với 7 tọa đàm, dành cho giảng viên và giáo viên, sinh viên đến từ các Trường: ĐH Công nghệ, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương Mại, Viện hàn lâm khoa học xã hội, lãnh đạo trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành … Từ Calm Café, tháng 12/2022, CĐCM Giáo dục khai phóng tổ chức thành công khóa học mở rộng, phiên bản 1 ngày có tên là Mindfulness 9. Chuỗi hoạt động này cũng gắn với dự án Hạnh phúc là con đường dành cho cộng đồng giáo viên, giảng viên trên toàn quốc, thu hút đông đảo lượt người tham gia.

  1. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Hà

Hiện là giảng viên Bộ môn Dịch của Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Hà tham gia giải thưởng với nhiều hạng mục tranh giải: Hạng mục 1 Đổi mới sáng tạo trong thiết kế và xây dựng học phần. Hạng mục 2: Đổi mới sáng tạo trong xây dựng bài giảng điện tử trong môn Biên Dịch Nâng Cao tại tổ Dịch, khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hạng mục 3: Đổi mới sáng tạo trong áp dụng phương pháp dạy học và công nghệ giáo dục.

Với những hạng mục tranh giải này, Thạc sĩ đã đạt được những thành tích nổi bật. Giảng dạy, đào tạo xuất sắc: Cô luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sau 15 tuần của học kỳ 1 năm học 2022-2023 đã hoàn thành việc dạy 225 tiết học/ 270 tiết học định biên của năm học. Nghiên cứu khoa học xuất sắc khi đã hoàn thành xuất sắc: 01 hội thảo quốc tế “International Meet of Educators for Preparing the Learners for Tomorrow” (23/07/2022) (IISER, Kolkata Campus, India); 01 hội thảo quốc tế “ Exploring Boundaries of Global Citizenship International Education Conference” (29/07/2022) (Swinburne Vietnam), 01 hội thảo quốc gia “UNC 2022-2023 của ULIS” (07/10/2022) (VietTel Campus) ( 1000 giờ Nghiên cứu khoa học/ 600 giờ Nghiên cứu khoa học định biên).

Đặc biệt, Thạc sĩ Hải Hà đã và đang có nhiều đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam từ năm 2015 đến nay khi tham gia các diễn đàn giáo dục Việt Nam và toàn cầu; các đợt tập huấn hàng năm; các cuộc chia sẻ thường kỳ cũng như tăng cường đợt Covid chung tay cùng itrithuc. Cô là Chuyên gia/Nhà giáo dục Sáng tạo của Microsoft từ năm 2015, tham gia Ban Cố Vấn của Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo của Microsoft Việt Nam từ năm 2015, là thành viên Ban Quản trị Cộng đồng Giáo viên Sáng tạo Việt Nam với 127.3 nghìn thành viên.

Đặc biệt gần đây là sự tham gia cố vấn cho Imagine Cup Junior 2022 góp phần đưa học sinh phổ thông Việt Nam chạm tới các nghiên cứu khoa học và trải nghiệm cùng học sinh quốc tế.

Ngoài ra, sau khi đi học tập và trao đổi tại TESOL 2017 tại Seattle, cô có tham gia đóng góp xây dựng hiệp hội VietTesol và sau đó từ năm 2018 đến nay, tham gia điều phối cùng tổ chức GEIST International Foundation (https://geistfoundation.org/vietnam/) của USAlumni trong đó có nhiều hoạt động ý nghĩa cho các nhà giáo dục, giáo viên và học sinh các cấp trong khối hơn 14 nước tham gia cộng đồng GEIST International Foundation. Năm 2019, cô Hải Hà đã tổ chức thành công International Olympiad of English Language and Leadership cho học sinh và International Conference on STEAM cho các nhà giáo dục từ 14 nước tham gia trực tiếp tại Việt Nam. Năm 2022, cô vừa hoàn thành chuỗi tọa đàm cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy và học tập tiếng Anh ở dự án SEED.

  1. Tiến sĩ Hồ Thị Giang

Tiến sĩ Hồ Thị Giang là giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN tham gia ở Hạng mục 5 – Đổi mới sáng tạo trong xây dựng và phát triển học liệu.

Trong năm 2022, một số sản phẩm đổi mới sáng tạo của cô đã gây được ảnh hưởng, đáp ứng đủ 5 tiêu chí của Hạng mục 5, cụ thể như sau: Sản phẩm tài liệu tham khảo phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Chủ biên sách “Tài liệu đọc hiểu văn bản”, “Luyện tập phát triển năng lực đọc hiểu và năng lực viết”. Chủ biên sách “Luyện tập phát triển năng lực môn Ngữ văn 7” cuốn sách được biên soạn nối tiếp cuốn “Luyện tập phát triển năng lực môn Ngữ văn 6”, được đông đảo GV và HS THCS đón nhận. Tái bản sách “Bồi dưỡng HSG THCS và ôn thi vào lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn” do Hồ Thị Giang chủ biên.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ còn tham gia Hội thảo khoa học quốc tế do Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM tổ chức vào ngày 26.10.2022 với tư cách là người báo cáo, với tham luận: Designing Listening and Speaking Activities for Textual Fluency and Critical Thinking: The Involvement of Deeper Learning and Career Orientation Based on the Technology Platform. Ngoài ra, Tiến sĩ là người sáng lập cộng đồng chuyên môn “C.E.E Phát triển năng lực ngôn ngữ Tiếng Việt”; là trưởng nhóm chuyên môn của C.E.E. Là người sáng lập dự án sách “Nghề dạy học – yêu và hiểu”, trưởng COP Phát triển học liệu mở hỗ trợ HS lớp 12 trên toàn quốc.

  1. Nghiên cứu sinh Trịnh Bích Thủy

Nghiên cứu sinh Trịnh Bích Thủy hiện là giảng viên Bộ môn Tiếng Pháp 1 – Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – Trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô tham gia giải thưởng ở hạng mục 3: Đổi mới sáng tạo trong áp dụng phương pháp dạy học và công nghệ giáo dục.

Sau một học kỳ triển khai các dự án trên ở từng lớp, cô Bích Thuỷ đã đạt được những kết quả khả quan về sản phẩm học tập cũng như phản hồi của sinh viên.

​Về sản phẩm, cô đã thu được 96 video và 72 bài văn minh họa đạt yêu cầu về dự án học tập của lớp 20F4, cũng như 42 video và 42 bài văn minh họa của lớp 21F4.

​Ở phần thông tin chung, xét về số lượng dự án được chia trong một tuần, có 60,9% sinh viên đánh giá là trung bình và 34,8% đánh giá là nhiều. Về thời lượng của mỗi dự án (trong một tuần), 95,7% sinh viên cho là vừa phải.

​Trong công việc nhóm, 87% sinh viên muốn làm việc với nhóm 2-3 người và 13% còn lại thích làm việc độc lập. Về việc lựa chọn thành viên nhóm, ý kiến của sinh viên chia làm 3 loại: 39,1% thích lựa chọn ngẫu nhiên (bằng công cụ chọn nhóm ngẫu nhiên), 34,8% thích làm việc với bạn trong nghiên cứu do chính họ chọn và 26,1% thích nhóm do giảng viên giao.

​Ở phần thực hiện sản phẩm, 100% sinh viên đánh giá quy trình làm việc hợp lý và được giáo viên hỗ trợ chặt chẽ.

​Ở lĩnh vực hoàn thành dự án, 87% sinh viên thích sản phẩm viết minh họa và 13% thích sản phẩm biên tập video.

  1. Nhóm giáo viên Trường THCS Ngoại ngữ

Nhóm tham gia Giải thưởng với hạng mục Đổi mới sáng tạo trong thiết kế và xây dựng học phần gồm 5 thành viên:

  • Thạc sĩ Ngô Thị Thu Giang – Giáo viên   Ngữ văn, Văn hóa đọc tại Trường THCS Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN
  • Giáo viên Ngữ văn, Văn hóa đọc, Cử nhân Lê Thị Huyền
  • Giáo viên Ngữ văn, Văn hóa đọc, Cử nhân Phạm Thị Nga
  • Giáo viên Ngữ văn, Văn hóa đọc, Cử nhân Trịnh Thái Bảo
  • Giáo viên Ngữ văn, Văn hóa đọc, Cử nhân Nguyễn Thị Mai Anh

Trong thời gian qua, nhóm đã triển khai nhiều đổi mới sáng tạo hướng đến phát triển văn hóa đọc trong trường, có thể kể ra đây một số hình thức dạy học tăng cường sự tương tác, hướng tới thực hành và tôn trọng góc nhìn của từng học sinh, hướng tới các mục tiêu đầu ra rõ ràng (VD: rèn thói quen đọc sách, đọc mở rộng, đọc phản biện, đọc hiểu…)

Nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của các cô, các con học sinh Trường THCS Ngoại ngữ đã đạt được một số giải thưởng về văn hóa đọc như:

+ Giải Ba cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Đại học Quốc Gia Hà Nội (2021)

+ Giải thưởng GIỌNG ĐỌC KẾT NỐI (NXB Nhã Nam tổ chức Hè 2022): Nguyễn Hà Châu, Bùi Hoàng Lâm Nhi

+ Giải Nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Đại học Quốc gia Hà Nội (2022): Nguyễn Đức Anh

Ghi nhận những cống hiến đó, nhóm đã được nhận giải Nhà giáo đổi mới sáng tạo ĐHQGHN năm 2022.

ULIS Media