“Bí kíp” học ngoại ngữ từ sách của cựu học sinh CNN – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Bí kíp” học ngoại ngữ từ sách của cựu học sinh CNN

G&TĐ-Đồng hành với các bạn nhỏ và gia đình trong chuỗi sự kiện “Tiếng Anh mùa hè – Mình vui học nhé” tại Hà Nội, hai sinh viên của trường Đại học Mount Holyoke (Mỹ) là Trần Khánh Ngân và Serena Clapp-Clark  – nhân dịp đến thực tập tại NXB Phụ nữ đã đem đến niềm yêu thích học ngoại ngữ cho các em nhỏ, góp phần trau dồi năng lực ngôn ngữ của các bé cũng như giúp bố mẹ và bé gắn bó hơn.

Serena cùng các em nhỏ vui học tiếng Anh tại NXB Phụ nữ

Xây dựng niềm yêu thích việc đọc sách

Trần Khánh Ngân sinh ra ở thành phố Lạng Sơn. Hiện tại em là sinh viên năm hai tại Đại học Mount Holyoke, thuộc TP South Hadley, bang Massachusetts, Mỹ, ngành học song song (double major) Kinh tế và Truyền thông.

Từ nhỏ, Ngân đã là một cô bé yêu sách. Bố mẹ Ngân luôn khuyến khích đọc sách thường xuyên và rèn luyện cho em kĩ năng đọc và cảm thụ văn học. Chính môi trường gia đình đã chắp cánh ước mơ, bồi dưỡng cho em niềm đam mê với ngôn ngữ.

Ngân tâm sự: “Em lớn lên ở TP Lạng Sơn thuộc một tỉnh miền núi, nên khi còn nhỏ, em không có nhiều điều kiện học tiếng Anh hay đi tham quan, du lịch nhiều nơi. Sách như một lăng kính nhìn ra thế giới của em và việc đọc sách là cách em sống thêm nhiều cuộc đời khác và phiêu lưu ở những miền đất mới lạ.

Việc đọc đã nuôi dưỡng ước mơ trải nghiệm, khám phá thế giới của em và ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định trở thành học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, sau đó là sinh viên Đại học Mount Holyoke ở Mỹ.

Khi trường đại học của em có thông tin về kỳ thực tập mùa hè ở NXB Phụ nữ, em đã đăng ký và may mắn được nhận. Em hi vọng có thể dùng những kiến thức trong cả hai lĩnh vực kinh tế và truyền thông mà em lĩnh hội để đưa những đầu sách của NXB ngày càng đến gần với cộng đồng. Không những tới bạn đọc trong nước mà còn tới những độc giả quốc tế”.

Theo Ngân, ngôn ngữ là cầu nối để giúp chúng ta tiếp xúc với tri thức của nhân loại, mở ra một thế giới mới hơn và có những ý tưởng mới hơn. “Em nhận thấy phần lớn trẻ em Việt Nam hiện nay không có thói quen và kĩ năng đọc, do đó các em bỏ qua những lợi ích tuyệt vời mà hoạt động này mang lại.

Trần Khánh Ngân

Với hoạt động Story hours (là hoạt động đọc sách, kể chuyện), chúng em hi vọng sẽ xây dựng được niềm yêu thích việc đọc sách và rèn luyện kĩ năng đọc của các em thông qua các hoạt động kể chuyện, học mà chơi lí thú.

Trau dồi khả năng ngôn ngữ từ sớm

Đồng hành cùng với Khánh Ngân để chia sẻ bí quyết học ngoại ngữ cho trẻ em, đó là Serena Clapp-Clark, đến từ Clarendon, một thành phố nhỏ thuộc bang Vermont, miền Đông Bắc Mỹ. Serena là sinh viên năm thứ ba tại Đại học Mount Holyoke, chuyên ngành ngôn ngữ – văn hóa Pháp và Nga.

Serena Clapp-Clark chia sẻ: “Quyết định thực tập tại NXB Phụ nữ vì em tin rằng sách là một công cụ tuyệt vời không những để khám phá thế giới quanh ta mà còn để hiểu bản thân mình hơn.

Chuỗi hoạt động giờ đọc sách mà chúng em tổ chức là một cách tuyệt vời để cả gia đình, nhất là các em nhỏ, học kĩ năng tương tác và làm việc với một cuốn sách. Trau dồi khả năng ngôn ngữ từ sớm, bao gồm cả ngoại ngữ và tiếng mẹ đẻ, không những có ích cho sự phát triển toàn diện của các em mà còn tạo cơ hội cho bố mẹ và bé cùng học, cùng chơi và có khoảng thời gian ý nghĩa bên nhau”.

Theo Serena, sinh viên nào cũng phải trải qua ít nhất một kỳ thực tập trước khi chính thức bước ra trường đời. Tuy nhiên, không phải trải nghiệm thực tập của ai cũng giống nhau. Thực tập là cơ hội để được trải nghiệm làm việc ở một công ty thuộc ngành mình yêu thích. Chọn Việt Nam thực tập, em đã tìm hiểu khá nhiều về văn hóa, con người Việt Nam.

Serena cho rằng, ngôn ngữ là một trong những điểm khởi đầu quan trọng để tìm hiểu về các quốc gia. Những trẻ học tiếng Anh ở Việt Nam cần được cho làm quen với phát âm, để hiểu được bản chất của vấn đề. Vì thế, bố mẹ phụ huynh nên dành thời gian học cùng con, giúp con tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên và tự tin hơn.

Theo GD&TĐ