Tân Thủ khoa Ngành Ngôn ngữ Ả Rập: “Theo học tiếng Ả Rập sẽ giúp em hoàn thành nốt cuộc hành trình mà bố em để lại”
Đỗ Thị Phương – Tân Thủ khoa Ngành Ngôn ngữ Ả Rập đã có những chia sẻ về hành trình trở thành thủ khoa của mình. Đây là một hành trình đầy cảm động của một cô gái đầy nghị lực mà phóng viên của ULIS Media đã may mắn được tiếp xúc và lắng nghe.
PV: Xin chào bạn, trước hết ULIS Media xin được chúc mừng bạn đã trở thành 1 tân sinh viên, 1 tân thủ khoa của Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập của trường Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân mình cho các khán giả của ULIS Media được không?
Phương: Em tên là Đỗ Thị Phương, em là một cựu học sinh của trường THPT Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội. Em cảm thấy rất vui khi được theo học ở một trong những trường đại học đào tạo về ngoại ngữ tốt nhất cả nước là trường Đại học Ngoại ngữ ạ.
PV: Cảm xúc của bạn hiện tại thế nào sau khi đã chính thức trở thành tân sinh viên của Nhà trường?
Phương: Dù cho đã vào học chính thức cũng gần được một tuần rồi nhưng cảm xúc của em lúc này vẫn là rất vui và hạnh phúc. Em có ấn tượng rất tốt với phong cách làm việc chuyên nghiệp của các thầy cô cũng như với sự tận tụy quan tâm của các anh chị “Mentor”. Em thấy bản thân mình đã có những ảnh hưởng rất tích cực. Mọi thứ đã trở nên gần gũi với em hơn rất nhiều.
PV: Hãy nói một chút về chuyên ngành mà bạn theo học – Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập. Đâu là cái khởi nguồn cho sự quyết định của bạn khi chọn lựa theo học một trong những ngôn ngữ mà phần nào đó tương đối mới mẻ ở Việt Nam?
Phương: Có hai nguyên nhân là Chủ quan và khách quan.
Trước hết nguyên nhân khách quan khiến em chọn ngôn ngữ Ả Rập là vì em đã nhận được nhiều sự tư vấn cũng như lời khuyên nên theo học ngôn ngữ này từ phía các thầy cô ở trường cấp 3 của em.
Tiếp theo, nguyên nhân chủ quan đó là do….bố của em. Bố em đã từng có dự định hai lần đi công tác ở các nước Ả Rập. Lần đầu tiên, ông đã thành công khi có một chuyến công tác tại đất nước Libya. Lần thứ hai, ông đã dự định đi đất nước Kuwait để tiếp tục hành trình của tình yêu với các nước Ả Rập. Nhưng, lần đó bố em đã…không thành công. Bố em đã ra đi mãi mãi… bố em đã…(Nghẹn ngào). Bản thân em cũng rất muốn được đến đất nước Kuwait như bố em, được hoàn thành nốt hành trình của ông.
Sau này, em có suy nghĩ và định hình lại cái ước mơ của mình và em đã chọn Ngành Ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập chứ không phải là sư phạm văn hay là quan hệ quốc tế. Em cảm thấy rất vui khi trở thành một tân thủ khoa của Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập. Em tin rằng với danh hiệu này, em sẽ có cho mình những bàn đạp cả về vật chất và tinh thần để theo học ngôn ngữ này dù cho nó có khó đến mức nào.
PV: Tôi rất xúc động và cảm thông với câu chuyện của bạn. Vậy, những nguồn thông tin nào mà bạn tìm hiểu được đã kéo bạn đến trường Đại học Ngoại ngữ để thực hiện tiếp hành trình của bố bạn?
Phương: Trước khi em chọn Ngành Ngôn ngữ và văn hóa Ả Rập thì có rất nhiều anh chị của Nhà trường đã về trường cấp 3 của em để thực hiện chương trình “Đại sứ Ulis”. Trong số các anh chị ấy thì có rất nhiều là cựu học sinh ở trường cấp 3 của em. Các anh chị ấy đã tư vấn tận tình cho em về Nhà trường cũng như các chương trình đào tạo của Nhà trường. Từ đó, em được biết đến Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập. Em có lên trên website và Facebook của Nhà trường cũng như của ngành để tìm hiểu thông tin thêm và đã xem được rất nhiều các video bổ ích. Sau này, khi em chính thức trở thành tân sinh viên của Ngành, em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các anh chị “Mentor” khóa trên. Em thực sự muốn dành tình yêu của mình cho Ngành này.
PV: Vậy, khi nhận được thông báo trở thành tân thủ khoa thi bạn có bất ngờ không?
Phương: Khi em nhận được thông báo trở thành tân thủ khoa thì em rất bất ngờ và vui sướng. Lúc em chọn lựa ngôn ngữ này để theo học thì có thể nói đó là một sự lựa chọn táo bạo nhưng cũng rất chắc chắn. Bản thân em rất thích hai môn học là ngoại ngữ và ngữ văn cho nên em đã chú tâm đầu tư vào hai môn học đấy. Hơn nữa, em cũng rất thích các môn học về lịch sử, văn hóa. Qua đó, em đã hiểu thêm rất nhiều về nền văn hóa Ả Rập.
Bạn Phương nhận bằng khen thủ khoa từ thầy Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh
PV: Vậy, khi bạn nhận được bằng khen và phần thưởng của thủ khoa từ phía Nhà trường thì bạn có cảm xúc thế nào?
Phương: Em cảm thấy khi Nhà trường trao cho em danh hiệu thủ khoa, đó thực sự là một nguồn động lực thúc đẩy em học tập tốt hơn. Nếu mỗi lần em cảm thấy mệt mỏi hay áp lực em sẽ nhìn vào tấm bằng khen đó để tự nhủ bản thân phải nỗ lực tiến bước để không phụ sự kỳ vọng từ phía Nhà trường.
PV: Cho những năm học tới đây ở Nhà trường thì bạn đã có những kế hoạch hay dự định gì được đề ra rồi?
Phương: Em đã lên một kế hoạch rất cụ thể để học tập tiếng Ả Rập. Em muốn bản thân mình chinh phục được ngôn ngữ này. Em cũng sẽ nỗ lực học tập để đạt được học bổng du học Kuwait, từ đó có thể hoàn thành nốt hành trình của bố em.
PV: Bạn có những chia sẻ gì đến với những người thân của mình không?
Phương: Em muốn bày tỏ sự biết ơn đến mẹ em, người luôn ủng hộ, tin tưởng và phân tích cho em mọi khía cạnh liên quan đến việc học ngôn ngữ Ả Rập. Nhờ có mẹ em mà em biết được rằng lao động Việt Nam rất được ưa chuộng ở các quốc gia Ả Rập cũng như các công việc liên quan đến vấn đề như phiên dịch, du lịch hay học thuật cũng có rất nhiều cơ hội mở rộng.
Với sự ủng hộ đó, em đã vượt qua được tất cả các rào cản để thực hiện ước mơ theo học Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập. Khi nhận được tin đỗ vào Khoa, em thực sự vui lắm. Mặc dù có một số giây phút lung lay tinh thần học tập nhưng mẹ em luôn ở bên cạnh động viên và truyền cảm hứng cho em.
PV: Bạn có những chia sẻ gì với các em học sinh có nguyện vọng thi vào Ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập của trường Đại học Ngoại ngữ trong những kỳ tuyển sinh sắp tới?
Phương: Em muốn khuyên các bạn cứ mạnh dạn đăng ký thi vào trường. Đây là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo ngoại ngữ tốt nhất Việt Nam cũng như là nơi duy nhất đào tạo chính quy ngôn ngữ Ả Rập. Hơn nữa, cơ hội săn học bổng của ULIS thì hoàn toàn không khó cho nên các bạn cứ mạnh dạn tiến bước.
Trong quá trình ôn tập thi thì các bạn nên tập trung nhiều vào văn học và ngoại ngữ vì hai môn này có mối liên kết với nhau rất lớn. Một khi mình học tốt hai môn này rồi thì mình sẽ cảm thụ được các ngôn ngữ khác nhau một cách dễ dàng hơn.
PV: Xin được cảm ơn bạn đã tham gia buổi trò chuyện hôm nay và xin chúc bạn có một quãng đời sinh viên tràn ngập niềm vui và tiếng cười ở Ulis cũng như gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt và hoàn thành được tâm nguyện từ người bố của bạn.
Đào Trung – Việt Khoa/ULIS Media