Thông báo tổ chức Hội thảo quốc tế “Trí tuệ nhân tạo và tương lai biên-phiên dịch” (AITF)
THÔNG BÁO
Hội thảo quốc tế
“Trí tuệ nhân tạo và tương lai biên-phiên dịch” (AITF) trong khuôn khổ hội thảo quốc gia UNiC2025
chào mừng Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ lần thứ XX (nhiệm kỳ 2025-2030) và Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường (1955-2025)
Kể từ Hội thảo quốc tế “Dịch thuật thời đại 4.0: đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” do Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức ngày 27 tháng 10 năm 2020, đã 4 năm trôi qua, và chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công việc biên-phiên dịch – mối quan tâm và công việc chung của chúng ta. AI đương nhiên đã cho chúng ta những công cụ hết sức hữu ích và nhanh chóng để thực hiện công việc, nhưng cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức, trong đó một câu hỏi luôn thường trực lâu nay, kể cả trước khi AI được đưa vào ứng dụng, là vai trò của con người, liệu AI có “khiến con người mất việc” không? Việc đào tạo biên-phiên dịch sẽ phải có những đổi mới gì để đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của thị trường trong bối cảnh này – bối cảnh không chỉ còn là cách mạng 4.0 nữa mà là kỷ nguyên thông minh, kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo? Đấy mới chỉ là 2 trong rất nhiều trăn trở chung của chúng ta.
Trước thực tế đó, trong khuôn khổ hội thảo khoa học “Nghiên cứu & giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” năm 2025 (viết tắt là UNiC2025), chào mừng Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XX (nhiệm kỳ 2025- 2030) và Kỷ niệm 70 năm thành lập Trường (1955-2025), đồng thời chào mừng Ngày Quốc tế Dịch thuật 30/9, Trường Đại học Ngoại ngữ xin thông báo và kính mời học giả, chuyên gia biên-phiên dịch, chuyên gia đào tạo biên-phiên dịch, người sử dụng dịch vụ và sản phẩm biên-phiên dịch, các nhà xuất bản, cơ quan tuyển dụng biên-phiên dịch và quý vị quan tâm nhiệt tình tham gia và ủng hộ Hội thảo quốc tế “Trí tuệ nhân tạo và tương lai biên-phiên dịch” (viết tắt là AITF) do Nhà trường tổ chức. Thông tin cụ thể như sau:
1.Thời gian dự kiến: Ngày 27/9/2025.
2.Nội dung chính: những vấn đề lý luận, phương pháp và thực tiễn liên quan đến:
-Thách thức mới, yêu cầu mới và giải pháp khả thi đối với biên-phiên dịch (BPD) và đào tạo BPD do tác động của trí tuệ nhân tạo;
-Nội dung, kỹ năng, phương pháp thực hành nghề cũng như đào tạo nghề BPD trong kỷ nguyên thông minh;
-Nền tảng kiến thức, kỹ năng, ngôn ngữ, văn hóa và tư duy liên quan đến công tác BPD;
-Nhu cầu và yêu cầu của khách hàng (cá nhân/đơn vị sử dụng dịch vụ BPD và dịch phẩm).
-Những vấn đề liên quan khác.
3.Đối tượng tham gia: cả trong và ngoài nước, bao gồm:
-Biên/Phiên dịch viên;
-Sinh viên BPD;
-Giảng viên BPD tại các đơn vị/cơ sở đào tạo;
-Doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân khách hàng, nhà xuất bản, công ty sách;
-Các cá nhân, tổ chức quan tâm khác.
4.Hình thức: trực tiếp kết hợp trực tuyến Zoom
5.Thời gian nhận bài tham dự Hội thảo: trước 31/7/2025 theo đường link sau: https://bit.ly/dexuatbaocaohtqtAITF
(Lưu ý: mỗi tác giả tối đa tham gia 02 bài viết).
6.Kinh phí tham gia (đối với đại biểu ngoài ULIS):
- Thẩm định tóm tắt bài viết: 300.000đ/bài
- Thẩm định toàn văn bài viết: 1.000.000đ/bài
- Tham gia trực tiếp Hội thảo: 300.000đ/người (bao gồm kinh phí ăn trưa và kinh phí tài liệu hội thảo)
7.Xuất bản: Hội thảo xuất bản Kỷ yếu do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành, có mã số ISBN, một số bài lựa chọn sẽ được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài (https://jfs.ulis.vnu.edu.vn/index.php/fs) của Trường.
8.Tài trợ hội thảo:
Ban Tổ chức mong muốn được các đơn vị, cá nhân trong và ngoài Trường hỗ trợ kinh phí tổ chức Hội thảo dưới mọi hình thức. Hồ sơ tài trợ xin liên hệ Bà Trần Thị Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ, đơn vị đầu mối tổ chức Hội thảo để được hướng dẫn chi tiết. (Sđt: 0934621062, email: khcnulis@gmail.com)
Trân trọng thông báo.