Hội thảo khoa học “Hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ: thách thức và triển vọng” và chương trình “Âm nhạc chiều thứ Bảy” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo khoa học “Hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ: thách thức và triển vọng” và chương trình “Âm nhạc chiều thứ Bảy”

Ngày 29/9/2024, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Phenikaa và Viện Nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ: thách thức và triển vọng” và chương trình “Âm nhạc chiều thứ Bảy”.

Tham dự hội thảo, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, lãnh đạo và cán bộ Khoa NN&VH Pháp cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên và sinh viên quan tâm.

Về phía đối tác và khách mời có Viện trưởng Viện CLEF Ngô Minh Thủy, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp ngữ Phùng Danh Thắng, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Pháp Nguyễn Thiệp, Viện trưởng Viện phim Việt Nam Lê Thị Hà, Nhà nghiên cứu/Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam Ngô Tự Lập, Tùy viên Hợp tác Giáo dục Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Arnaud Pannier.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Viện trưởng Viện CLEF Ngô Minh Thủy đã nhấn mạnh tầm quan trọng, ảnh hưởng của nước Pháp cùng 88 quốc gia Pháp ngữ trong mọi mặt đời sống văn hóa Việt Nam. Ngoài những thách thức mà nước Pháp cũng như các nước Pháp ngữ đang phải đối mặt trong thời gian gần đây, PGS.TS. Ngô Minh Thủy còn điểm qua những cơ hội trong quá trình giao lưu văn hóa – ngôn ngữ – giáo dục giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ hiện nay với những số liệu chi tiết và cụ thể.

Cũng phát biểu tại chương trình, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã đại diện Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội gửi lời cảm ơn đến các đối tác tham gia tổ chức hội thảo. Khẳng định vai trò “không thể thiếu” của tiếng Pháp trong giai đoạn hiện nay cũng như lịch sử đào tạo và giảng dạy tiếng Pháp tại Trường Đại học Ngoại ngữ, PGS.TS. Lâm Quang Đông hy vọng các bên sẽ thúc đẩy hơn nữa tiềm năng phát triển của tiếng Pháp nhằm đạt được những thành tựu ngày càng to lớn trong các lĩnh vực: văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục.

Đại diện cho Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Phùng Danh Thắng đánh giá cao vai trò của hội thảo khoa học lần này trong tiến trình phổ cập và giao lưu văn hóa, giáo dục trong mối quan hệ của Việt Nam và các quốc gia sử dụng tiếng Pháp. Đồng thời, TS. Phùng Danh Thắng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đơn vị đồng tổ chức hội thảo vì những nỗ lực trong việc thúc đẩy, nâng cao vị thế của tiếng Pháp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

“Hợp tác văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục giữa Việt Nam – Các nước Pháp ngữ như là ngoại giao văn hóa” là chủ đề bài tham luận do Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Pháp, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nguyên Trưởng đại diện Việt Nam tại Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Nguyễn Thiệp thực hiện. Báo cáo đã điểm qua những thành quả to lớn từ sự kết hợp, giao thoa hài hòa của quá trình hợp tác giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia Pháp ngữ. Theo ông, ngoại giao văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục là tiền đề, cơ sở tạo dựng nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam – nước Pháp cùng 88 quốc gia sử dụng Pháp ngữ.

Tại hội thảo, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội Đàm Minh Thủy đã có bài chia sẻ về “Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ – Tầm nhìn từ Trung tâm nghiên cứu Pháp ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội” với những góc nhìn đa chiều trong việc xúc tiến hợp tác, tăng cường quan hệ giữa các thành viên thuộc cộng đồng Pháp ngữ. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ sẽ mang lại nhiều triển vọng trong tương lai, nhất là trong giáo dục.

Trưởng nhóm biên soạn chương trình tiếng Pháp/ Tổng chủ biên SGK tiếng Pháp dành cho học sinh phổ thông, Nguyên Trưởng khoa NN&VH Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Quang Thuấn với tham luận “Tiếng Pháp trong chính sách giảng dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông tại Việt Nam” đã cung cấp những thông tin quan trọng về hiện trạng, thách thức cũng như cơ hội của tiếng Pháp trong bậc học phổ thông tại Việt Nam hiện nay.

Bài tham luận của Chủ nhiệm Khoa Quốc tế Pháp Ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Danh Thắng với tiêu đề “Hợp tác giáo dục đại học giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ – Kinh nghiệm của IFI – international” khẳng định tiếng Pháp chính là “cánh cửa đầy rộng mở” dành cho các sinh viên trong môi trường đại học. Bên cạnh việc chỉ ra những hạn chế mà tiếng Pháp đang gặp phải hiện nay, TS. Phùng Danh Thắng còn đưa ra những kinh nghiệm của IFI nhằm giúp các sinh viên, học viên đang theo học tiếng Pháp giải quyết những vấn đề khó khăn có thể gặp phải trong học tập và công việc.

Tham luận “Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực điện ảnh” do Viện trưởng Viện phim Việt Nam Lê Thị Hà đã khẳng định vai trò quan trọng của điện ảnh trong việc lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam tới các nước sử dụng tiếng Pháp. Điện ảnh Việt Nam hiện nay đã được cung cấp những điều kiện thuận lợi để mang những nét đẹp giá trị của đất nước ra ngoài lãnh thổ nhằm đẩy mạnh giao lưu ngôn ngữ và văn hóa giữa các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Tham luận “Sức mạnh của ca khúc: Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực âm nhạc” được Nhà nghiên cứu, hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI) Ngô Tự Lập trình bày đã cung cấp những kiến thức giá trị về âm nhạc, nhạc cụ Việt-Pháp cũng như sự giao thoa và tầm quan trọng của âm nhạc trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ.

Sản phẩm hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, tập truyện tranh webtoon “Đêm đầy sao” đã được Tùy viên Hợp tác Giáo dục Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Arnaud Pannier giới thiệu. Không chỉ thể hiện sự độc đáo và sáng tạo, sản phẩm còn là cơ hội để quảng bá văn hóa, trao đổi học tập và tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và nước Pháp cũng như các nước Pháp ngữ.

Ngay sau hội thảo là chương trình “Âm nhạc chiều thứ Bảy” với chủ đề “Cuộc đời thứ hai của ca khúc: Bài hát Pháp trong tiếng Việt”. Chương trình diễn ra với 2 phần. Phần I là các bài hát tiếng Pháp được thể hiện bởi các ca sĩ của nhóm M6. Phần II là các tiết mục văn nghệ đến từ đại diện sinh viên, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chương trình khép lại với phần chụp ảnh lưu niệm.

Hoàng Anh-Đỗ Hằng