Làm thế nào để học hai ngoại ngữ cùng lúc?
(Dân trí) – Nhiều người học cho rằng việc học 2 ngoại ngữ cùng lúc sẽ dễ bị lẫn lộn. Tuy nhiên, các bạn sinh viên đang theo học 2 ngoại ngữ dưới đây sẽ chỉ ra phương pháp học đúng đắn.
Việc bắt đầu học một ngôn ngữ mới không phải là tiếng mẹ đẻ của mình đôi khi cũng là một thử thách khó khăn. Thế nhưng, nhiều người học thậm chí còn muốn rút ngắn thời gian bằng cách học nhiều ngoại ngữ cùng lúc.
Việc này không dễ thực hiện, nhưng các bạn sinh viên hiện đang theo học 2 ngoại ngữ dưới đây có phương pháp riêng để làm được.
Tìm thấy tình yêu qua việc học ngoại ngữ
Vũ Hoàng Nam, sinh viên vượt cấp của trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã theo đuổi tiếng Pháp từ năm cấp 3: “Với mình, tiếng Pháp là một ngôn ngữ đẹp và đang dần phổ biến hơn trong cộng đồng cũng như thị trường làm việc trong nước và quốc tế.
Chính vì thế, mình quyết định chọn ngành ngôn ngữ Pháp để đào sâu và sử dụng thành thạo hơn nữa”.
Song song với tiếng Pháp, Hoàng Nam học tiếng Anh và cũng tìm thấy đam mê ở tiếng Trung: “Mình sử dụng tiếng Anh trong học tập và công việc. Còn với tiếng Pháp, mình đã tiếp xúc và học từ rất lâu, nên sau này mình lại có mong muốn được khám phá văn hóa của một đất nước mới.
Đất nước có nền văn hóa khá tương đồng với Việt Nam – Trung Quốc – đã khơi dậy niềm đam mê ấy trong mình.
Trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế như hiện nay, hơn một tỷ người biết và giao tiếp được bằng tiếng Trung. Mình nghĩ đây thực sự là một trong những ngôn ngữ vàng, có thể giúp cho mình trang bị và tăng cơ hội nghề nghiệp”.
Giống như Vũ Hoàng Nam, Vũ Gia Huấn – sinh viên năm thứ 3 ngành Bác sĩ Y học Dự phòng của Trường Đại học Y Hà Nội cũng có niềm say mê tiếng Pháp: “Bản thân mình đã theo học tiếng Pháp từ năm lớp 1. Còn với tiếng Anh – một ngôn ngữ được sử dụng gần như toàn cầu – mình luôn chú trọng và tự học để không bị tụt hậu so với thế giới”.
Phương pháp cân bằng thời gian học 2 ngôn ngữ
Chia sẻ với Dân trí, Hà Minh Thùy (sinh viên năm 3 ngành ngôn ngữ Anh và ngành ngôn ngữ Nhật tại trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Tiếng Nhật và tiếng Anh không chung hệ ngôn ngữ nên ban đầu mình thấy khá khó để kết hợp việc học 2 ngôn ngữ chung với nhau.
Vì vậy, đối với việc phân bổ thời gian học tiếng Anh hay tiếng Nhật, mình thường không cố định các khoảng thời gian để tránh gây nhàm chán trong việc tiếp thu kiến thức, so với việc phải học trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ, nếu vào tối thứ 2, mình dành thời gian tự học tiếng Nhật. Vào tối thứ 3, mình sẽ dành thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực mà mình yêu thích bằng tiếng Anh. Vào chiều thứ 4, mình sẽ ôn tập lại những kiến thức tiếng Nhật đã học.
Như vậy, áp lực học tiếng Nhật sẽ được giảm bớt. Còn đối với tiếng Anh, do đã được tiếp cận từ lâu, nên mình sẽ không tập trung quá nhiều thời gian học mà thay vào đó mình sẽ củng cố các kỹ năng qua việc đọc sách báo, tìm hiểu lĩnh vực mình yêu thích… hay đơn giản là qua việc làm bài tập ở trường”.
Việc học 2 ngôn ngữ song song, đặc biệt là khi chúng không có sự liên kết hoặc tương đương về mặt ngữ pháp, từ vựng, người học cần phải tăng khả năng ghi nhớ và có thời gian học tập cho mỗi ngôn ngữ thật hợp lý.
Cũng giống với Hà Minh Thùy khi lựa chọn học tập các ngôn ngữ một cách thoải mái qua sách vở hoặc báo, Vũ Hoàng Nam thường dành thời gian nghe đài hoặc đọc tin tức với tiếng Pháp để trau dồi thêm từ vựng cũng như kỹ năng nghe – nói. Thời gian còn lại, Nam thường dành nhiều hơn để rèn luyện tiếng Trung.
“Vừa học vừa làm nên mình hầu như không có nhiều thời gian, đa số mình chỉ có khoảng 4 tiếng vào buổi tối để ôn luyện tiếng Trung.
Nhưng mình luôn tạo cho bản thân một thói quen là lúc nào trong balo cũng có một tài liệu bằng tiếng Trung hoặc tiếng Pháp như truyện, sách… để lúc nào có thời gian rảnh là mình sẽ xem lại những kiến thức cũ.
Học nhưng phải luôn trong tinh thần thoải mái, không chút gò bó, áp lực chính là cách học mà mình thích nhất”, Nam chia sẻ.
Nhờ vậy, ở tiếng Pháp, Hoàng Nam đã đạt được chứng chỉ Quốc tế DELF B2 và được tuyển thẳng vào Đại học. Còn với tiếng Trung, Hoàng Nam đã đạt được HSK 3 sau 4 tháng ôn luyện.
Lựa chọn cách học phù hợp với từng ngôn ngữ
Từng đạt nhiều thành tích xuất sắc khi học hai ngôn ngữ Pháp, Anh như thủ khoa đầu vào lớp song ngữ tiếng Pháp của trường Trung học Phổ thông Chuyên Hà Nội – Amsterdam năm 2017, giải nhì cuộc thi TIUD – cuộc thi hùng biện khối đại học Pháp ngữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2022, giải Ba Học sinh giỏi Tiếng Pháp cấp Quốc gia năm học 2018-2019… và IELTS 7.5 đối với tiếng Anh; nhưng Vũ Gia Huấn cũng gặp một số khó khăn trong việc cân bằng giữa hai ngôn ngữ.
Huấn chia sẻ: “Trước kia, mình thường xuyên bị lẫn lộn cả hai ngôn ngữ vì tiếng Pháp và tiếng Anh đều có gốc latin và một vài từ đọc khá giống nhau.
Tuy nhiên, khi đã quen thì mình có thể sử dụng linh hoạt giữa 2 thứ tiếng này. Thường khi bắt đầu học, mọi người sẽ dễ bị lẫn lộn giữa tiếng Anh với tiếng Pháp nhưng do mình đã bắt đầu từ tiếng Pháp trước nên mọi chuyện cũng dễ dàng hơn một chút.
Hạn chế duy nhất hiện tại mà mình đang gặp phải là vấn đề về thời gian. Lịch học của trường mình khá dày đặc nên mình cũng khó có thể thu xếp thời gian để rèn luyện và tiếp xúc với cả hai thứ tiếng”.
Còn với Hà Minh Thùy, khi nhận thấy rằng phải tìm kiếm cho bản thân một phương pháp học ngôn ngữ phù hợp, Thùy đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và lắng nghe bản thân mình.
Sau một thời gian, Thùy nhận ra rằng “tránh ôm đồm nhiều việc” mới có thể giúp Thùy tiếp thu một lúc hai ngôn ngữ: “Việc học cùng lúc nhiều kiến thức mới của cả hai ngôn ngữ có thể làm giảm hiệu quả học tập của bản thân mình.
Chẳng hạn, khi kết hợp học hai ngoại ngữ trong cùng khoảng thời gian/ngày, mình luôn cảm thấy khó tập trung và gần như không thể ghi nhớ được cả hai ngôn ngữ.
Vì vậy, khi đã xây dựng được nền tảng vững chắc, mình đã thêm các hoạt động học tập vào thói quen sinh hoạt hàng ngày như xem phim bằng một ngôn ngữ và dùng phụ đề của ngôn ngữ còn lại hoặc làm thẻ ghi nhớ nhanh trộn cả hai loại ngôn ngữ”.
Song song đó, cô nàng cũng áp dụng phương pháp học tập khác nhau cho từng ngôn ngữ. Điều này cho phép Thùy có thể học từng ngôn ngữ ở từng thời điểm, từng vị trí hoặc từng kỹ năng khác nhau: “Mình luôn tìm kiếm niềm vui từ việc học ngoại ngữ thay vì cố cưỡng ép và biến học tập thành công việc nhàm chán cần phải hoàn thành.
Mình vui khi đọc sách tiếng Anh và tiếp cận được những thông tin hữu ích mà đôi khi sách tiếng Việt không có, mình vui khi đọc được lời nhạc Nhật Bản bằng chữ Hiragana chứ không còn là Romaji và còn vui hơn khi biết sử dụng vốn ngoại ngữ cho một điều gì đó lớn lao hơn”.
Nhờ vậy, Hà Minh Thùy cũng đã đạt danh hiệu Sinh viên xuất sắc – tiêu biểu, Sinh viên 5 Tốt cấp Đại học Quốc Gia Hà Nội.