Hội thảo khoa học quốc tế APC-TCIL 13: “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo khoa học quốc tế APC-TCIL 13: “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế”

Ngày 15/10/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương” lần thứ 13 với chủ đề “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế” (APC-TCIL 13).

APC-TCIL là hội thảo thường niên của Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy Hán ngữ, đặc biệt là kinh nghiệm khắc phục khó khăn trong và sau thời gian dịch bệnh, nâng cao năng lực giảng dạy, thúc đẩy sự nghiệp giảng dạy Hán ngữ quốc tế.

Với kinh nghiệm nhiều lần tổ chức, hội thảo đã trở thành diễn đàn uy tín, hấp dẫn và truyền cảm hứng của các nhà khoa học, chuyên gia, học giả, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và những người tâm huyết với sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu Hán ngữ tại khu vực và Việt Nam. APC-TCIL 13 đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học từ các quốc gia và khu vực như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Mỹ, Malaysia, Singapore, Myanmar,… 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông nhận định chủ đề của hội thảo “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế” đã bắt đúng dòng chảy của nhu cầu xã hội có tính thiết thực cao. Hướng đi này góp phần có tính thiết thực cao, phù hợp với sứ mạng “đào tạo nguồn nhân lực cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức” phấn đấu đưa trường “trở thành một trường đại học chất lượng cao” với triết lý giáo dục “kiến tạo xã hội” mà Nhà trường đã xây dựng và ban hành. Hội thảo lần này cũng chính là cơ hội để các nhà giáo dục và nghiên cứu tiếng Hán trong khu vực và trên thế giới học tập lẫn nhau, để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Hội thảo kỳ vọng tạo ra những thay đổi tích cực cho lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hán trong khu vực và trên thế giới, bởi vì sự trao đổi học thuật, trao đổi kinh nghiệm có thể mang lại những đổi thay lớn lao. Hội thảo APC-TCIL 13 đã nhận được 297 báo cáo tóm tắt và 85 toàn văn báo cáo khoa học có chất lượng cao để đưa vào cuốn kỷ yếu hơn 760 trang.

Đại diện nhà tài trợ, TS. Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Quỹ Sunwah (Hồng Kông) đã giới thiệu về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Giảng dạy Hán ngữ ULIS-Sunwah và chia sẻ về sự hợp tác tích cực với Nhà trường trong những năm qua. Đánh giá cao những thành quả hoạt động của Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương, ông tin rằng hội thảo này có thể góp phần thúc đẩy sự nghiệp giảng dạy Hán ngữ ở các nước và mở ra cơ hội hợp tác mới trong giảng dạy Hán ngữ quốc tế trong khu vực.

Tại hội thảo, Phân hội giảng dạy và nghiên cứu tiếng Tiếng Trung Quốc thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng chính thức được ra mắt. Phân hội được thành lập với mong muốn phát triển, kết nối công tác đào tạo, nghiên cứu tiếng Trung tại Việt Nam.

Diễn ra theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đã có 3 báo cáo tham luận được trình bày tại phiên toàn thể, đặc biệt có sự tham dự và báo cáo tại phiên toàn thể của 2 giáo sư đại diện cho Hiệp hội Giáo viên tiếng Trung Hoa Kỳ và Hiệp hội Giảng dạy tiếng Hán châu Âu. Cụ thể là: Ý tưởng về việc xây dựng mô hình dạy học phù hợp với định hướng văn hoá và tình hình quốc gia của Trung Quốc – thông qua giới thiệu hoạt động giảng dạy tiếng Trung Quốc ở các trường đại học Hoa Kỳ (Bà Liang Xia – Phó hội trưởng Hiệp hội Giảng viên Tiếng Trung Quốc Hoa Kỳ);  Nghiên cứu về động cơ thúc đẩy việc học tập tiếng Trung Quốc thông qua nghiên cứu tư tưởng của Lei Miaosha- người đặt nền móng cho việc dạy tiếng Trung Quốc và Leon Vandemeersch – nhà Hán học đương đại Pháp (Ông Bai Lesang – Hội trưởng Hiệp hội giảng dạy Hán Ngữ Châu Âu); Áp dụng “Tiêu chuẩn về cấp độ trình độ Tiếng Trung Quốc trong Giảng dạy  Hán Ngữ Quốc tế” vào hoạt động giảng dạy Hán ngữ bậc Trung học và Tiểu học ở Việt Nam (Bà Nguyễn Hoàng Anh  – Hội Trưởng Hiệp hội Giảng dạy Hán ngữ Quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương). 16 tiểu ban song song với 128 báo cáo cũng trở thành cơ hội để các học giả trình bày và trao đổi.

Các báo cáo chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu giảng dạy tiếng Hán, nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp tiếng Hán, nghiên cứu kiểm tra đánh giá và phương pháp giảng dạy các kỹ năng tiếng Hán, nghiên cứu xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình và đào tạo nguồn nhân lực tiếng Hán, nghiên cứu văn tự, văn hóa Trung Quốc, … Đặc biệt, hội thảo lần này có một số lượng bài lớn bàn về các phương thức và mô hình giảng dạy tiếng Hán trực tiếp kết hợp trực tuyến để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid vẫn đang diễn biến khó lường hiện nay.

Các nghiên cứu khoa học có đối tượng và phạm vi cụ thể, chủ yếu tập trung vào miêu tả, phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn để áp dụng vào giảng dạy tiếng Hán ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhiều báo cáo có những góc nhìn mới, áp dụng những phương pháp nghiên cứu hiện đại vào việc xử lý nguồn dữ liệu phong phú, trên cơ sở đó đưa ra các kết luận có giá trị cao. Các báo cáo xoay quanh chủ đề chung là “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế”, và chúng tôi cho rằng đây là hướng đi rất đúng, rất thiết thực, liên quan mật thiết và phù hợp với hướng phát triển khoa học của Nhà trường.

Những kết quả nghiên cứu được trình bày tại APC-TCIL 13 sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán trên thế giới.

Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới triết lí, hướng đi và phương pháp giảng dạy Hán ngữ quốc tế” khép lại sau một ngày làm việc tích cực.

Một số hình ảnh khác:

Như Ngọc – Khánh Huyền/ULIS Media