Thầy Mostafa Helil – Người thầy tâm huyết đến từ xứ sở Kim tự tháp
Thầy Mostafa Helil đến từ đất nước Ai Cập là một trong những gương mặt cán bộ nước ngoải nổi bật của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện thầy đang tham gia giảng dạy tình nguyện tại Bộ môn NN&VH Ả Rập. Lúc nào cũng vậy, ấn tượng về thầy Mostafa trong mắt sinh viên và cán bộ giảng viên nhà trường luôn là hình ảnh một người thầy nhiệt tình với nụ cười hồn hậu không khi nào tắt.
Thầy Mostafa Helil
Bước vào năm thứ hai trong quá trình công tác, vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, thầy Mostafa nhanh chóng hòa nhập và dần dần coi ULIS như ngôi nhà thứ 2 của mình. Trong buổi gặp gỡ thầy một chiều mùa hạ, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu và chia sẻ nhiều hơn với thầy về cuộc sống tại nơi này.
PV: Chào thầy Mostafa, đầu tiên thầy có thể giới thiệu đôi chút về bản thân được không ạ?
Thầy Mostafa: Xin chào. Tôi là Mostafa Helil, 40 tuổi, đến từ thành phố Alexandria xinh đẹp của đất nước Kim tự tháp – Ai Cập. Tôi đến Việt Nam và bắt đầu giảng dạy tại ULIS từ tháng 1 năm 2016.
PV: Ai Cập là một đất nước rất nổi tiếng với nhiều thắng cảnh và công trình lịch sử vĩ đại. Điều gì đã khiến thầy quyết định tạm xa Ai Cập và lựa chọn Việt Nam cho quá trình công tác tình nguyện của mình?
Thầy Mostafa: Tôi đến Việt Nam theo chương trình trao đổi văn hóa giữa Bộ giáo dục 2 nước Việt Nam và Ai Cập. Tôi đã tìm hiểu về Việt Nam và rất ấn tượng bởi lịch sử đấu tranh hào hùng của các bạn, tôi tò mò muốn biết các bạn đã và đang phát triển đất nước như thế nào trong thời kỳ mới. Đó là lý do tôi chọn Việt Nam là điểm đến cho mình, và tôi thấy mình đã có một lựa chọn đúng đắn.
PV: Khi đến Việt Nam chắc hẳn thầy cũng đã phải đối mặt với không ít những khó khăn. Những khó khăn đó là gì và thầy đã vượt qua như thế nào ạ?
Thầy Mostafa: Khó khăn đầu tiên mà tôi gặp phải ngay khi bước chân ra khỏi sân bay đó là thời tiết. Những ngày tháng 1 khi tôi đến trời lạnh và mưa ròng rã. Tôi đã không thể đi ra ngoài vì không biết làm thế nào để chống lại cơn mưa. Các em sinh viên đã tặng cho tôi một chiếc áo mưa, đó là lần đầu tiên tôi biết áo mưa là gì. Ở đất nước tôi, Ai cập, mưa là rất hiếm, vì thế chúng tôi không biết đến áo mưa.
Khó khăn thứ 2 là đồ ăn. Tôi là người Hồi giáo nên không ăn thịt lợn. Thế nhưng ở Việt Nam thì hầu hết các món ăn đều làm từ thịt lợn hoặc có thành phần thịt lợn. Chính vì thế tôi thường phải tự nấu ăn thay vì có thể ăn ở ngoài cửa hàng. Nhưng cũng vì thế mà tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền (cười).
Thầy Mostafa và những kỷ niệm đáng nhớ tại ULIS
PV: Vậy điều gì khiến thầy ấn tượng nhất trong quá trình giảng dạy ở Việt Nam vừa qua?
Thầy Mostafa: Điều khiến tôi ấn tượng và trân trọng nhất trong thời gian giảng dạy ở đây đó là tinh thần “tôn sư trọng đạo” của sinh viên Việt Nam. Các em rất ngoan ngoãn và quý trọng thầy cô giáo. Khi tôi vừa bước chân xuống sân bay, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của các em. Trong cuộc sống thường ngày các em cũng thường xuyên quan tâm, thăm hỏi nếu tôi có gặp khó khăn các em sẵn lòng giúp đỡ, kể cả những việc nhỏ nhất như đi chợ, đi khám sức khỏe. Ở Việt Nam còn có một ngày dành riêng để tôn vinh các nhà giáo, ngày 20/11, và đó là điều rất tuyệt vời.
Về phía ULIS, tôi đánh giá rất cao sự năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp của nhà trường trong các công tác đào tạo và các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt là Bộ môn NN&VH Ả Rập trong năm vừa qua đã có những bước tiến đáng kể, hứa hẹn một sự phát triển trong tương lai gần.
PV: Cảm ơn thầy rất nhiều về những chia sẻ vừa rồi. Chúc thầy tiếp tục có những trải nghiệm tuyệt vời trong thời gian tới tại ULIS!
Thùy Vân (BM NN&VH Ả Rập)