10 năm với “sở thích” nghiên cứu khoa học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

10 năm với “sở thích” nghiên cứu khoa học

Ở độ tuổi rất trẻ nhưng thầy Vũ Ngọc Tùng đã có 10 năm kinh nghiệm và gắn bó với nghiên cứu khoa học, trong xuất bản và công bố quốc tế. Nghiên cứu đối với thầy là một sở thích và cũng là động lực phát triển bản thân.

Ngày 28/02/2022, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định trao tặng Bằng khen cho 45 nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong công tác Nghiên cứu khoa học và đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2021. Một trong hai cá nhân của Đại học Ngoại ngữ xuất sắc đạt danh hiệu này chính là thầy Vũ Ngọc Tùng – hiện đang là giảng viên Khoa tiếng Anh của Nhà trường tham gia giảng dạy tiếng Anh không chuyên cho sinh viên Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn. Bên cạnh việc giảng dạy ở trường, thầy đồng thời đang là Nghiên cứu sinh và Trợ lý nghiên cứu tại Đại học Albany – thuộc Khối Đại học công lập của Bang New York (Hoa Kỳ).

Tuổi trẻ với nhiều thành tích

Dù mới ở độ tuổi 30, thầy Tùng đã đạt được những thành tích nhất định trong học tập và làm việc với hàng loạt những công bố quốc tế. Thời đi học, thầy được nhận khá nhiều học bổng, giúp chi trả hầu hết số tiền học phí, và đã từng chấp nhận đánh đổi học bổng Chính phủ Úc để nhận học bổng đi du học Mỹ cho chương trình Nghiên cứu sinh. Thầy Vũ Ngọc Tùng từng vinh dự nhận Giải thưởng xuất sắc của trường Đại học Albany dành cho lĩnh vực nghiên cứu giáo dục của sinh viên cao học chuyên ngành Giáo dục; một giải thưởng dành cho sinh viên theo đuổi chuyên ngành giảng dạy ngoại ngữ trong tương lai; Bài nghiên cứu khoa học tốt nhất tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Texas (Hoa Kỳ); Giảng viên xuất sắc Khoa tiếng Anh – trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và gần đây nhất là danh hiệu Top 45 nhà khoa học tiêu biểu cấp VNU. Những giải thưởng này đối với thầy là sự công nhận cho những đóng góp, cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy của mình.

Các thành tích thầy Tùng đã đạt được

Đạt được những thành tích hiện tại chắc hẳn không thể không kể đến yếu tố quan trọng nhất chính là bản thân, cách làm việc của thầy Vũ Ngọc Tùng. Trong công việc, thầy là người khá cầu toàn, nghiêm khắc và luôn tận tâm, cống hiến hết mình. Thế nên nhiều lúc đồng nghiệp làm cùng thầy cũng không tránh khỏi việc căng thẳng, phải bắt kịp tốc độ làm việc nhanh. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư, cái tâm và việc trao đổi, thống nhất rõ ràng trước khi làm việc nên công việc của thầy luôn đạt hiệu quả tốt và được mọi người ghi nhận. Đảm đương nhiều vị trí như vậy, thầy còn là một thành viên của Tiểu ban UNC trong Hội thảo khoa học Quốc gia năm 2021 do Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức. Thầy chia sẻ: “Hầu hết các bài nghiên cứu của Tiểu ban 15 đều rất hay. Mình được học hỏi rất nhiều từ thầy Lâm Quang Đông, và nhất là Giáo sư Nguyễn Hòa. Mình rất hâm mộ hai thầy”.

Thầy Vũ Ngọc Tùng làm nhiệm vụ Thư ký trong Tiểu ban 15 UNC2021

Bước rẽ đến với Ngoại ngữ

Ít ai biết rằng thầy Vũ Ngọc Tùng vốn xuất thân từ mảnh đất khá xa thủ đô và trước đó cũng không học chuyên ngành chính liên quan đến Ngoại ngữ ở bậc Đại học. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tư tưởng cởi mở, luôn ủng hộ con cái tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với việc bản thân là người thích di chuyển, thăm thú, thầy Tùng đã quyết định “ra Bắc lập nghiệp” và “đầu quân” cho Trường Đại học Ngoại ngwx với niềm tin ULIS là cái nôi của ngoại ngữ nên sẽ phù hợp với định hướng của bản thân. Đồng thời, thầy cũng muốn có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của người miền Bắc do nhận thấy có nhiều nét khác biệt so với miền Nam.

Không phụ sự mong đợi, ULIS quả thực đã để lại trong thầy nhiều ấn tượng đặc biệt như được làm việc trong một khoa chỉ mỗi mình là nam giới nhưng thầy vẫn không hề cảm thấy lạc lõng, tách biệt vì luôn được đồng nghiệp xung quanh yêu thương. Cũng nhờ sự quan tâm, chú trọng của Ban Giám hiệu Nhà trường đến việc nghiên cứu, hỗ trợ tài chính mà thầy cũng có động lực để xuất bản nhiều công bố quốc tế có giá trị hơn, tiến xa hơn trong sự nghiệp nghiên cứu của mình.

Hình ảnh thầy Vũ Ngọc Tùng tại ULIS

Tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, theo học bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Chester (Anh) với kết quả Xuất Sắc, tưởng chừng cuộc sống của thầy không có bất kỳ một giao điểm nào với việc nghiên cứu ngôn ngữ và nghề dạy học. Nhưng không, với phương châm sống của thầy là: “Why don’t I give it a try?” (Tại sao tôi không thử một lần?), thầy Tùng mong muốn có thể trải nghiệm được nhiều điều mới mẻ, đặc biệt thầy chọn ngành sư phạm và lĩnh vực ngôn ngữ vì mong muốn có thể tìm hiểu thêm về văn hóa thông qua ngôn ngữ và truyền đạt những kiến thức hữu ích cho sinh viên. Với thầy, văn hóa và ngôn ngữ là hai yếu tố mật thiết không thể tách rời, vì thế muốn học ngoại ngữ hiệu quả thì không thể bỏ qua yếu tố văn hóa. Đối với việc học, điểm số không nên điều quan trọng nhất, mà quan trọng là việc ứng dụng kiến thức vào cuộc sống để giải quyết những vấn đề của bản thân, gia đình và xã hội. Từ mong muốn lý giải những vấn đề đó, thầy đã tìm đến nghiên cứu.

Hành trình nghiên cứu và kinh nghiệm của một người trẻ

Hành trình nghiên cứu của thầy Vũ Ngọc Tùng bắt đầu từ năm hai đại học và kéo dài liên tục trong suốt hơn 10 năm cho đến bây giờ. Thời gian đầu thầy cũng gặp không ít khó khăn khi phải đọc một lượng lớn kiến thức hàn lâm. Tuy nhiên, qua sự kiên trì, tích lũy, thầy không những đã vượt qua được khó khăn đó mà còn biến việc đọc nghiên cứu trở thành sở thích của mình.

Từ quan điểm cá nhân, thầy Tùng cho rằng, có rất nhiều yếu tố để một người nên làm nghiên cứu. Một trong số đó là khi tìm được nhà xuất bản phù hợp đồng ý xuất bản bài của mình. Lời khuyên của thầy là hãy tìm và chọn những nhà xuất bản lớn, uy tín.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu cũng giúp thay đổi bản thân rất nhiều qua việc đọc nhiều tài liệu, rèn luyện khả năng tư duy, lập luận, phân tích. Nếu nghiên cứu giá trị và đạt giải thưởng lớn, nhà nghiên cứu sẽ có cơ hội được tham gia các hội thảo khoa học tầm cỡ để báo cáo các công trình của mình, được lắng nghe những bài công bố xuất sắc trên thế giới, cọ xát và mở mang tầm mắt, hiểu biết của bản thân.

Đặc biệt, không thể phủ nhận việc nghiên cứu sẽ mang đến cho bạn nguồn tài chính lớn, sống cuộc sống thoải mái. Bản thân thầy Tùng nhờ việc nghiên cứu cũng đã được làm việc với các nhà xuất bản lớn như Springer, Taylor & Francis, Routledge, IGI Global,…; được trình bày báo cáo nghiên cứu ở một hội thảo hàng đầu thế giới; nhận nhiều học bổng, hỗ trợ tài chính nhất định.

Hình ảnh thầy Vũ Ngọc Tùng trong buổi lễ tốt nghiệp Thạc sĩ

Thầy Tùng ở các hội thảo quốc tế

Chia sẻ về sở thích của mình, thầy Tùng cho rằng mình là một người theo chủ nghĩa “du lịch”, thích đi thăm thú nhiều nơi để có thể chia sẻ những kiến thức, bài học, kinh nghiệm cho sinh viên. Bên cạnh du lịch, thầy cũng rất thích đọc và thích viết. Thời còn đi học, thầy đặc biệt yêu thích và bộc lộ năng khiếu ở môn Văn. Có lẽ chính điều này đã giúp thầy dễ dàng hơn trong việc hoàn thành các công bố của mình.

Sở thích của thầy là đi du lịch

 Nhờ sự đam mê và khả năng viết lách nên những công trình của thầy thường được hoàn thành trong thời gian rất ngắn, có bài được thầy viết trong vòng 1 ngày, thường sẽ là 1 tuần, có bài 1 tháng và dài nhất rơi vào khoảng 2 tháng. Thầy chia sẻ: “Mỗi ngày mình có thể viết được 10.000 từ và nhiều lúc cảm thấy mình viết như “lên đồng”, tuy nhiên mình không phải là người sống để làm việc, mình vẫn duy trì việc sinh hoạt như bình thường. Sau những lúc viết nhiều “mệt não”, mình thường dành cả ngành để nấu ăn, đi chơi, dọn dẹp nhà cửa.” Câu nói đùa mọi người thường nghe nhất từ thầy chính là “Tôi cần 1 tuần để hoàn thành luận án tiến sĩ”. Để làm việc khoa học và hiệu quả như vậy, bí quyết của thầy chính là thường làm nghiên cứu theo dự án lớn bao gồm các bài nhỏ bên trong và xử lý hết tất cả các bài đó bằng cách tìm sự liên kết giữa các chủ đề. Do đó có thời gian cùng lúc thầy có đến 5,6 bài được xuất bản.

Các nghiên cứu của thầy tập trung vào hai hướng chính: giao tiếp liên văn hóa và mô hình toán kinh tế. Từ hai mô hình này thầy đã phát triển thành nhiều vấn đề qua việc đa dạng hướng tiếp cận: người dạy và người học. Những yêu cầu/lời mời viết bài về hai chủ đề này thầy Tùng thường đồng ý ngay vì nó là vấn đề thầy quan tâm và hứng thú nhất. Phương pháp thường dùng của thầy là nghiên cứu định lượng vì thầy là người có tính cách rõ ràng, minh bạch, không muốn cầu kỳ giải thích. Để có thể có những nghiên cứu định lượng chính xác, những nghiên cứu sâu xa, mới mẻ về mô hình toán kinh tế, thầy Vũ Ngọc Tùng đã phải dành nhiều thời gian tự học về Toán qua các nền tảng trực tuyến như Coursera, Youtube, tìm mua các tài liệu về đọc cũng như không ngại tiếp cận các giảng viên giỏi có chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực liên quan.

Diễn giả các buổi tọa đàm về ngôn ngữ và giao tiếp liên văn hóa

Lời khuyên dành cho “tân binh”

Đối với các bạn mới bắt tay vào công cuộc nghiên cứu, một trong những khó khăn các bạn có thể gặp phải là “bí” ý tưởng. Để giải quyết vấn đề này, lời khuyên của thầy Tùng là các bạn hãy liên hệ với các nhà xuất bản trước khi viết bởi lẽ nhà xuất bản sẽ hiểu rõ nhu cầu của thị trường hơn chúng ta, từ đó có thể nảy sinh ra những đề tài thu hút. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bắt đầu bằng chính những gì thân thuộc, như giải quyết những vấn đề trong cuộc sống của bản thân, gia đình và môi trường xung quanh, bởi lẽ mục đích của nghiên cứu cuối cùng chính là để quay về giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn không xác định rõ mục đích nghiên cứu ngay từ đầu, bạn sẽ khó để thành công với nó.

Sau khi đã xác định rõ đối tượng, mục đích và đề tài nghiên cứu, bạn nên đọc nhiều tài liệu tham khảo từ các nguồn đáng tin cậy như Google Scholar, ResearchGate,…, tìm hiểu xem vấn đề đó đã có cách giải quyết nào hay chưa. Nếu chưa, hãy sử dụng những phương pháp, công cụ để phân tích và trả lời câu hỏi. Nếu rồi, hãy so sánh với các lý luận, nghiên cứu trước, tìm ra điểm thiếu sót hoặc chưa hợp lý xem mình có thể đóng góp thêm được những gì.

Khác với những bài báo, bài viết bình thường, một bài nghiên cứu sẽ tuân theo cấu trúc khoa học bao gồm các phần như cơ sở khoa học, phương pháp, kết quả, thảo luận nghiên cứu,… Từ kinh nghiệm của bản thân, thầy Tùng cho rằng, một bài nghiên cứu tốt ít nhất cần đáp ứng được hai tiêu chí. Thứ nhất, mức độ đóng góp kiến thức mới không cần quá cao siêu. Thứ hai, bài viết cần được trình bày rõ ràng, logic với ngôn ngữ dễ hiểu, súc tích. Tựu chung lại, một bài nghiên cứu thành công phải là nghiên cứu giải quyết được một vấn đề và người đọc ở bất kỳ chuyên ngành nào cũng có thể đọc hiểu.

Ngoại ngữ đã giúp thầy Tùng mở nhiều “cánh cửa”

Trong thời gian tới, thầy Vũ Ngọc Tùng dự định tiếp tục làm luận án Tiến sĩ, đồng thời muốn được chạy series số 2 cho cộng đồng chuyên môn Vietnam Community of Practice cũng như tập trung xuất bản nhiều hơn trong năm nay.

Mai Ngọc – Lệ Thủy/ULIS Media